Thông tin nhất trí gia hạn thỏa thuận ngũ cốc được phái đoàn Nga đưa ra sau cuộc đàm phán với giới chức LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm đầu tuần. Phát biểu ý kiến sau cuộc thảo luận với Điều phối viên LHQ về cứu trợ nhân đạo Martin Griffith và Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin tuyên bố: Nga không phản đối gia hạn thỏa thuận, song chỉ đồng ý kéo dài thực thi thêm 60 ngày. Moscow tiếp tục xem xét và đưa ra quan điểm về các bước tiếp theo tùy thuộc tiến độ thực tế các sản phẩm của Nga được đưa ra thị trường thế giới.
Lý do Nga chỉ nhất trí kéo dài thực thi Sáng kiến Biển Đen thêm một nửa thời gian so lần gia hạn đầu tiên hồi năm ngoái được cho là khúc mắc liên quan tính toàn diện của thỏa thuận. Nga từng nhiều lần nêu quan điểm sẵn sàng kéo dài thỏa thuận nếu các lệnh hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu của Nga được dỡ bỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, Moscow tuân thủ tất cả các điều kiện để tàu chở ngũ cốc của Ukraine rời cảng ở Biển Đen, trong khi các lệnh cấm vận của phương Tây vẫn cản trở việc cung cấp lương thực và phân bón của Nga ra thị trường.
Theo phía Nga, thực tế trên cho thấy tính “trọn gói” của bản thỏa thuận không được bảo đảm. Bởi lẽ, đi kèm thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc mà Nga và Ukraine ký riêng rẽ tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2022 còn có bản ghi nhớ giữa Nga với LHQ về việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Sergei Vershinin, hiện rào cản vẫn còn đối với các nhà xuất khẩu nông sản Nga và việc miễn trừ trừng phạt đối với thực phẩm, phân bón của Nga không được thúc đẩy.
Trước lo ngại từ phía Nga, LHQ cam kết thực thi đầy đủ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và khẳng định lại tầm quan trọng và hiệu quả của thỏa thuận, coi đây là một phần nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu về chi phí sinh hoạt và lương thực. Thông cáo báo chí sau cuộc đàm phán ở Geneva nêu rõ: Tổng Thư ký LHQ xác nhận sẽ làm mọi điều để duy trì tính toàn vẹn và liên tục của thỏa thuận, cũng như tiếp tục nỗ lực để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.
Không lập tức bác bỏ tuyên bố của Nga chỉ đồng ý gia hạn trong 60 ngày, song phía Ukraine cho rằng đề xuất của Nga mâu thuẫn với các điều khoản của thỏa thuận, trong đó có quy định văn kiện này có thể được gia hạn tối thiểu 120 ngày. Theo Kiev, nếu muốn rút ngắn thời gian gia hạn, các bên cần sửa đổi thỏa thuận ban đầu. Ukraine cho biết, sẽ chờ quan điểm chính thức của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ là các bên bảo trợ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.
Trong khi đó, LHQ cho rằng các bên có thể linh hoạt trong thời gian thỏa thuận được gia hạn tới đây. Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và các quan chức LHQ duy trì liên hệ chặt chẽ với tất cả các bên và sẽ tìm mọi cách có thể nhằm bảo đảm tính liên tục của thỏa thuận. Theo ông Stephane Dujarric, một số trở ngại vẫn còn, nhất là liên quan hệ thống thanh toán. Song, LHQ sẽ kiên trì nỗ lực nhằm tháo gỡ các rào cản.
Theo số liệu của LHQ, với hơn 1.600 chuyến tàu an toàn qua tuyến Biển Đen, hơn 24,1 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu trong khuôn khổ thỏa thuận. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng, hầu hết lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine là dành cho các nước phát triển, trong khi đích đến cấp bách là các nước nghèo ở châu Phi. Trong khi đó, trong số khoảng 260.000 tấn phân bón của Nga kẹt tại các cảng ở châu Âu, chỉ một phần nhỏ đã được giải tỏa.