Gỡ dần nút thắt

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo mới đây tuyên bố, quan hệ giữa nước này với Nhật Bản phải hướng tới tương lai, trong bối cảnh Seoul mới công bố kế hoạch giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến - nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ với Tokyo.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: ROGERDAHI
Biếm họa: ROGERDAHI

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp Quốc hội Hàn Quốc ngày 6/2, Thủ tướng Han Duck Soo nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản nên hướng tới tương lai thay vì quá ám ảnh với quá khứ”. Ông cho rằng “mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nên được bình thường hóa, đồng thời cung cấp thông tin liên lạc đầy đủ cho những người đã phải chịu đựng nhiều nỗi đau khác nhau”.

Quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc từng có lúc rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, đặc biệt sau khi tòa án Hàn Quốc ra các phán quyết vào cuối năm 2018, yêu cầu hai công ty Nhật Bản bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn Hàn Quốc trong vụ kiện về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Các công ty Nhật Bản từ chối thực hiện phán quyết, viện dẫn chính sách của Chính phủ Nhật Bản. Các tòa án địa phương tại Hàn Quốc đã yêu cầu thanh lý một số tài sản của các công ty này tại Hàn Quốc để thực hiện các khoản đền bù cho nguyên đơn. Tuy nhiên, Tokyo luôn khẳng định các vấn đề từ thời chiến tranh đã được dàn xếp đầy đủ và kết thúc theo đúng thỏa thuận song phương ký kết năm 1965. Theo đó, Nhật Bản cung cấp các khoản viện trợ hoặc cho Hàn Quốc vay dưới hình thức hợp tác kinh tế.

Kể từ khi lên nhậm chức vào tháng 5/2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã cam kết cải thiện quan hệ tại khu vực Đông Bắc Á, thực hiện chính sách hướng đến tương lai với Nhật Bản. Tháng 9/2022, trong cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên giữa Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ cuối năm 2019, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã nhất trí khôi phục mối quan hệ song phương lành mạnh, giải quyết những bất đồng về lịch sử và lãnh thổ. Hai nhà lãnh đạo đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương và ba bên với sự tham gia của Mỹ, vì “Nhật Bản và Hàn Quốc là láng giềng quan trọng của nhau trong môi trường chiến lược hiện nay”.

Theo hãng tin Yonhap, trong một thông điệp hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đánh giá mối quan hệ giữa nước này và Nhật Bản gần đây đã thể hiện xu hướng cải thiện rõ rệt, sau một giai đoạn “thử thách sâu sắc” trong vài năm qua. Tổng thống Yoon Suk Yeol nhấn mạnh, Hàn Quốc và Nhật Bản là “những láng giềng gần gũi nhất và quan trọng nhất”, do đó cần hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có an ninh và kinh tế. Ông nêu rõ, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu “cải thiện thật sự” quan hệ song phương.

Về phần mình, Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Koichi Aiboshi cũng truyền đạt thông điệp của Thủ tướng Fumio Kishida cam kết thúc đẩy cải thiện quan hệ giữa hai nước. Trong thông điệp, nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định, ông sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với Tổng thống Yoon Suk Yeol để nhanh chóng tìm ra giải pháp cho những vấn đề tồn tại. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng nhấn mạnh Tokyo cần xây dựng những mối quan hệ tích cực với Seoul.

Cuối tháng 1 vừa qua, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch bồi thường cho các lao động bị cưỡng bức trong thời chiến của Nhật Bản thông qua một quỹ công, thay thế cho việc nhận tiền bồi thường từ các công ty Nhật Bản. Động thái này được kỳ vọng giúp cải thiện gốc rễ quan hệ song phương. Tuy nhiên, kế hoạch đã vấp phải sự phản đối của các nguyên đơn khi họ muốn phía Nhật Bản xin lỗi và các công ty này trực tiếp tham gia vào quá trình bồi thường. Giới chức Hàn Quốc đã thông báo với những người đồng cấp Nhật Bản về phản ứng này, đồng thời hối thúc Tokyo tham gia vào công tác bồi thường.

Các nhà phân tích đánh giá, quan hệ giữa hai nước chỉ có thể được cải thiện thật sự nếu hai bên thu hẹp bất đồng để giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường cho các lao động bị cưỡng bức trong thời chiến của Nhật Bản cùng các vấn đề tồn đọng khác. Hiện, hai nước còn tồn tại bất đồng về chủ quyền đối với nhóm đảo Dokdo hiện nằm dưới sự kiểm soát của Seoul, mà Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima.