Từ gian bếp ngày xưa...
Mỗi ngày, anh Đào Duy Tài (SN 1992), trú xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vào bếp nấu những món ăn thân thuộc. Anh nghĩ rằng không chỉ anh mà còn rất nhiều người, khi nhìn thấy bếp lửa nơi quê nhà, những ký ức về tuổi thơ đẹp đẽ, những kỷ niệm bên gia đình, bên anh em sẽ hiện về rất rõ.
Đi làm ở phố nhiều năm, điều chàng trai trẻ này nhớ nhất mỗi khi thấy cô đơn là hình ảnh ba má lụi cụi sau vườn, ba chặt củi, má trồng rau rồi má nuôi heo, ba nấu cám… Những điều bình dị nhưng đã nuôi anh lớn lên, là động lực của anh trong cuộc sống.
Ngày trở về quê, cảnh tượng quê nhà, khu vườn dường như không có thay đổi quá nhiều. Vẫn là sườn đồi sau lưng nhà với vô vàn những cây cối do ba má trồng. Từ bưởi, xoài, chanh cho đến các rau củ hoa màu. Trong không gian xanh mát đó, anh Tài dựng nên căn bếp nhỏ. “Điều tôi lo lắng nhất là liệu bản thân có ích kỷ khi từ bỏ công việc đã ổn định ở thành phố vì ba má đã kỳ vọng ở tôi quá nhiều. Khi tôi về, gia đình từ ba má cho đến các anh chị em lúc đó chỉ biết im lặng. Họ im lặng cũng là cách để họ cổ vũ”, anh Tài chia sẻ.
Có lẽ mọi người nghĩ rằng, anh sẽ chỉ về quê trong một thời gian ngắn, chẳng ai nghĩ rằng, anh có thể về ở luôn. Quay về quê hương, chỉ cần nhìn thấy gia đình nhỏ của mình còn đầy đủ thành viên, với anh Tài đã là sự hỗ trợ lớn nhất.
Lập nên kênh “Bếp bên sườn đồi”, hằng ngày anh Tài chọn đưa những góc của gian bếp vào các clip để kể chuyện. Thật ra mọi thứ đều là những gì đã diễn ra, đang diễn ra trong cuộc sống của anh, từ trước đến nay vẫn vậy. Các món ăn anh nấu dù đơn giản nhưng anh gửi vào đó những cảm xúc, những thước phim mà tuổi thơ ai cũng từng có, những điều bình yên mà ai cũng ước mơ. Bản thân sinh ra nơi làng quê, gắn liền với lũy tre làng, với cánh đồng xanh… đó là những điều giúp anh trưởng thành.
Là con nhà nông nhưng từ nhỏ anh Tài vốn không thể làm việc nặng. Ba má biết điều đó nên hay phân công anh làm việc nhà như nấu cơm, rửa chén, quét nhà rồi cắt rau nấu cám heo. Tới ngày mùa thì anh phụ cắt lúa, tuốt lúa, phơi lúa… tất cả đã in đậm vào ký ức, trở thành chất liệu quý giá cho anh sau này. Nếu để nói chất nông dân trong chàng trai này nhiều không, thì đi đâu anh cũng nhận mình con nhà nông.
...đến “Nấu ăn nhà người lạ”
Có thể với ai đó, về quê nhìn hàng xóm là áp lực, là căng thẳng. Tuy nhiên, anh Tài đã thiết lập cho mình một trạng thái nhìn mọi người với mong muốn lan tỏa những điều tích cực. “Tôi biết ơn làng quê, các bác hàng xóm, đám nhỏ trong làng đã “chấp nhận” khi tôi trở về và họ luôn ghi nhận những nỗ lực của tôi”, anh Tài bày tỏ.
Chia sẻ về các tập “Nấu ăn nhà người lạ”, anh Tài cho biết, đây là điều mà anh ấp ủ bấy lâu. Không chỉ để những người già, những người khó khăn biết rằng, cuộc đời còn nhiều niềm vui nhỏ bé mà còn để rất nhiều người nhận ra bản thân đã may mắn hơn vô vàn những hoàn cảnh khác. Bởi đôi khi bữa ăn hằng ngày của bạn đã là mơ ước của bao người. “Nấu ăn nhà người lạ”, từ người lạ thành người thân bởi chúng ta đều cùng dòng máu, mầu da. “Bà con ở quê khó khăn, vất vả lắm. Đồng tiền ở quê rất lớn, bữa ăn của chúng ta ở phố có khi bằng hai đến ba ngày ở quê. Vậy nhưng bà con vốn thích nghi với những khó khăn, không than vãn. Còn những điều như chất phác, hiền hậu, thật thà… là những đức tính vô cùng tốt đẹp mà tôi rất tự hào khi nói về bà con quê mình”, anh Tài nói.
Luôn cố gắng làm mới nội dung, đồng thời vẫn gìn giữ sự chân tình không tô vẽ là phong cách tạo dựng nên các clip của anh Tài. “Những câu chuyện tôi kể bằng hình ảnh đó vẫn diễn ra thường ngày ở đây. Làng quê nước ta chỗ nào cũng đẹp, cũng có những câu chuyện để kể. Sau này, nếu phải ra lại thành phố, nhìn lại, tôi cũng thấy mình đã làm được một điều gì đó có ích cho quê mình”, anh Tài thổ lộ.