Giữ lửa sau những mảnh đời da cam

Những buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Giữ lửa yêu thương trong căn nhà nhỏ của bà Đinh Thị Giới thường ấm cúng và rì rào không hết chuyện. Sáu năm hoạt động, CLB là hậu phương của hậu phương, là chốn đi về của những người phụ nữ có người thân bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC). Họ có chỗ để dành được thời gian cho chính mình, tạm bỏ qua những bộn bề, ngổn ngang của cuộc sống thường ngày, tạm quên đi những nỗi đau da cam vẫn thường trực.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Đinh Thị Giới - người phụ nữ giữ lửa cùng những hậu phương da cam.
Bà Đinh Thị Giới - người phụ nữ giữ lửa cùng những hậu phương da cam.

Lấp lánh lửa yêu thương

Ông Trần Đình Đích - Tổng Biên tập Tạp chí Da cam và cũng là thành viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA - NNCĐDC) - nói bà Giới là một tấm gương truyền cảm hứng đối với các nạn nhân chất độc da cam. Gần 80 tuổi, mấy chục năm gắn bó với công tác phụ nữ, sáu năm lấy nhà mình làm “văn phòng” cho CLB “Giữ lửa yêu thương”, bà Giới vẫn bảo, chuyện những người phụ nữ của bà, kể cả ngày cũng chẳng hết.

Bà Đinh Thị Giới trước đây từng là cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ba Đình (Hà Nội), sau khi về hưu đến năm 2014, bà chính thức trở thành Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam quận Ba Đình. Năm 2017, bà quyết định thành lập CLB “Giữ lửa yêu thương” nhằm tạo ra một không gian ý nghĩa, nhân văn và thật ấm cúng cho những người phụ nữ là nạn nhân hoặc có người thân là những nạn nhân CĐDC.

Hành trình ra đời CLB là cả một sự ấp ủ và nặng lòng của bà Giới trước những nạn nhân CĐDC và hơn cả là những người mẹ, người vợ vất vả cần mẫn ngày đêm chăm chồng, chăm con. Những bệnh nhân da cam mỗi người một kiểu, và đôi khi, những người chăm sóc họ - đa phần là những người phụ nữ trong nhà mới thấm thía cái đớn đau và vất vả nhất, chỉ là họ vốn không biết kêu ai, nỗi đau cứ lặn vào trong bao nhiêu năm. Nhiều người nhiều năm chẳng đi đâu quá căn nhà mình, phần vì bận rộn, phần vì chút mặc cảm của một gia đình có người không lành lặn. Cũng lâu, họ quên cả thời gian cho bản thân, cũng hiếm tìm được ai để sẻ chia tâm sự.

Kể từ những ngày đầu thành lập Hội NNCĐDC quận Ba Đình, với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội NNCĐDC, bà Giới đã đến thăm hỏi và khảo sát khoảng 300 nhà trong danh sách của Hội. Sau những chuyến khảo sát đó, bà Giới nung nấu một ý tưởng cần phải tập hợp được những người phụ nữ này lại, những người là người thân của thành viên nạn nhân CĐDC trong Hội. Cuối cùng, sau nhiều cố gắng làm công tác tư tưởng, các nhiệm vụ liên quan đến công tác chính sách, “Giữ lửa yêu thương” chính thức được thành lập để làm nơi giao lưu, gặp gỡ, tâm sự của những người phụ nữ ấy.

Bà kể lại “Lập xong CLB, các chị em đều bảo vui lắm vì chăm chồng, chăm con suốt, chẳng bao giờ chúng tôi lại được đi gặp mặt rồi tâm sự như thế này”. Từ đây, bà Giới cũng chính thức gánh trách nhiệm trên cả hai vai, vừa là Chủ tịch Hội NNCĐDC quận Ba Đình, vừa là người đứng đầu CLB “Giữ lửa yêu thương”.

Phía sau những mảnh đời da cam

Ngồi với chúng tôi, bà say sưa kể về những mảnh đời, những câu chuyện trong CLB, có khi thì bật cười bởi những lần mọi người được trò chuyện cùng nhau, nhưng cũng rất nhiều lần, bà không kìm được sự nghẹn ngào, nức nở kể về những số phận và gia đình của những người mang chất độc chiến tranh. “115 người trong CLB là 115 hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là các bà, các chị đều rất vất vả”, bà Giới trầm lại.

Đó là câu chuyện về người phụ nữ có cả chồng và con là nạn nhân chất độc da cam, luôn theo sát con 24/24 giờ, chăm cho con từng miếng ăn giấc ngủ trong căn phòng vỏn vẹn 10m2 vì người con không tự lực được trong sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, chúng đâu ngồi yên mãi cho cha mẹ chăm sóc. Những khi lên cơn thần kinh, chúng trở nên hung dữ đến nỗi gào thét, cắn xé, đập phá và đánh cả cha mẹ mình. “Những lúc như thế chị ý tủi thân lắm chứ, khóc thương con nhưng mà còn thương cả thân mình nữa”, bà Giới kể lại lời tâm sự của một trong các thành viên trong CLB.

Hay đó còn là câu chuyện về một đôi vợ chồng sinh ra đứa con “Sọ Dừa”. Hồi trẻ, hai ông bà là một cặp vợ chồng rất đẹp đôi, bà là hoa khôi phố Hàng Bông, còn ông là một quân nhân xứ cảng Hải Phòng vừa trở về từ chiến trường. Ngày người vợ đi sinh đứa con đầu lòng, cứ ngỡ sẽ là cái kết viên mãn của một tình yêu đẹp nhưng lại trở thành ngày buồn của cuộc đời họ. Khi người hộ sinh bước ra, người cha bất ngờ khi không thấy đứa con bé bỏng được ẵm trên tay mà chỉ nhận được một câu hỏi với đầy sự rụt rè, xót xa “Anh có biết câu chuyện Sọ Dừa không?”. Người cha ngơ ngác rồi nhận một lời nói như sét đánh “Con của anh cũng như thế, và chúng tôi đem chôn rồi”. Đứa con của họ, chỉ có đầu mà không có tay chân, đã được đem chôn trước cả khi hai vợ chồng kịp nhìn thấy hình hài đứa bé. Chất độc dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống thời chiến tranh đã cướp đi đứa trẻ, nhanh như những bóng lửa súng đạn chiến trường. Sau nhiều lần đậu rồi lại sảy thai, hai vợ chồng cũng có được hai người con gái và cả hai cũng mang trong mình chất độc da cam. Những biến cố liên tiếp xảy đến, cuộc đời người vợ, người chị thời bình lại chẳng hề thiếu giông bão. Giờ hai vợ chồng sống với ba mẹ con người con gái cả. Cả gia đình 5 người vun vén với thu nhập vỏn vẹn chưa đến 7 triệu đồng một tháng.

“Lúc nào tôi cũng có một mong mỏi là tìm được một doanh nghiệp nào đó để người ta đỡ đầu cho gia đình này nhưng tìm chưa ra”, bà Giới nghẹn ngào tâm sự.

Giữ lửa sau những mảnh đời da cam ảnh 1

Một buổi sinh hoạt của CLB Giữ lửa yêu thương.

Kết nối để chữa lành

Căn nhà trong hẻm sâu hút đường La Thành của bà Giới là điểm sinh hoạt của CLB. Mỗi lần họp, các chị em ngồi tâm sự mãi chẳng dứt được chuyện. Có nhiều điều người ta muốn kể cho nhau nghe, tâm sự với nhau những điều nhỏ nhặt nhất, có thể chỉ là chuyện chăm chồng, chăm con hằng ngày ra sao. Dù vất vả, gian lao, nhưng có một chỗ như thế, họ có thêm động lực, thêm niềm tin với cuộc sống.

Bà Giới kể có lần đưa đoàn đi tham quan ở Lăng Bác và rừng quốc gia Ba Vì để báo công với Bác. “Tôi đã chuẩn bị bài báo cáo hơn một trang nhưng chỉ đọc được một phần ba là tôi nghẹn ngào không thể đọc tiếp. Ở dưới các chị em hầu như ai cũng khóc nức nở”. Đây cũng là dịp hiếm hoi mà CLB có thể huy động và tập hợp được đầy đủ các chị em tham gia. Trong buổi tham quan hôm đó, những chị em phụ nữ trong hội được đi đến nhiều nơi, tham quan điều địa điểm trong nội thành Hà Nội. Nhiều chị em trong CLB tâm sự với bà Giới rằng, đây là lần đầu tiên họ được đi trải nghiệm, thăm thú nhiều nơi vui đến thế vì công việc thường ngày, bệnh tình người thân luôn quấn lấy chân họ, chẳng cho họ rời nhà nửa bước.

Kể đến đây, bà Giới mỉm cười hạnh phúc: “Tôi vui lắm vì tôi đã làm được việc ý nghĩa nhất, chính là mang lại niềm vui và niềm hạnh phúc cho mọi người, nhất là những người đã hy sinh thời gian, công sức, hạnh phúc cá nhân của cuộc đời mình để đổi lấy một phần hòa bình của đất nước”.

Bà Tô Thị Châu Thuận - thành viên của CLB, đang cùng chồng chăm sóc đứa con là nạn nhân CĐDC trong căn nhà chỉ vỏn vẹn 10m2 khi được hỏi về CLB “Giữ lửa yêu thương” đã không giấu được niềm xúc động: “Trước đây tôi chỉ luôn quanh quẩn trong nhà, ra chợ mua mớ rau cũng phải tranh thủ, cũng không bao giờ gặp gỡ trò chuyện với ai. Phần vì không có thời gian, phần vì mặc cảm. Nhưng từ khi tham gia CLB “Giữ lửa yêu thương”, được trò chuyện, tâm sự, tham gia những hoạt động nấu cơm, cắm hoa cùng mọi người, tôi thấy mình tràn trề sức sống hơn hẳn, lại cảm thấy công việc của mình dù có vất vả nhưng ý nghĩa lớn lao, lại có thêm nhiều động lực để chăm chồng, chăm con tốt thêm nữa”.

CLB “Giữ lửa yêu thương” mang đến cho những người phụ nữ như bà Thuận cảm giác sẻ chia và gần gũi mà những nơi khác chưa từng có được. Nỗi đau có người thân là nạn nhân CĐDC đã gắn kết những con người ấy lại với nhau để rồi họ thường xuyên hàn huyên, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau như chị em ruột thịt. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã giúp các thành viên dần xoa dịu nỗi đau tâm lý để trở nên cởi mở, hòa nhập hơn, nâng cao đời sống tinh thần. CLB giống như một hậu phương của những hậu phương, giúp những người phụ nữ không còn cảm thấy cô đơn trong chính căn nhà mình, cho họ một nơi có thể khóc, có thể cười một cách thoải mái nhất cùng với những tâm hồn đồng điệu.