Nói thế mà không e quá lời bởi chỉ cần bước chân xuống phố, đi dạo trên bất cứ vỉa hè của các tuyến phố trung tâm Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, cũng sẽ gặp hết trở ngại này đến trở ngại khác. Chỗ này, hàng cà-phê lấn vỉa hè làm chỗ cho khách để xe. Chỗ kia, quán hàng bún chả, cơm tấm chiếm vỉa hè để kê mấy cái bàn. Thậm chí, có đoạn phố, mấy chủ cửa hàng quần áo cứ sáng sáng cho nhân viên dựng xe chắn ngang vỉa hè để… hạn chế người đi bộ. Hay trên góc phố Trần Hưng Đạo đoạn gần với phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), chủ quán ăn cứ tầm 11 giờ là kê bàn ra vỉa hè, thậm chí chiếm luôn mấy chiếc ghế đá công cộng để làm ghế cho khách ngồi ăn trưa…
Không chỉ vỉa hè ở khu trung tâm thành phố bị lấn chiếm, vỉa hè ở các quận xa trung tâm cũng lâm cảnh tương tự. Nhiều người cứ coi vỉa hè trước cửa nhà mình là mình được toàn quyền sở hữu. Thành ra, kê bàn ghế cho khách ngồi uống cà-phê, ăn sáng, ăn trưa, ăn tối đã đành, một số người còn kê gạch, kê đá, thậm chí xây bồn trồng cây, trồng hoa.
Tình trạng chiếm dụng vỉa hè đã kéo dài trong thời gian qua, khiến cho người dân và du khách rất ngại phải đi bộ trên vỉa hè các tuyến phố. Chính vì vậy, việc những ngày gần đây những chiến dịch ra quân để “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” ở Hà Nội được nhiều người quan tâm.
Phải nói là rất mừng, vì nếu cứ để tình trạng lấn chiếm vỉa hè như vừa qua thì nguy cơ người đi bộ bị “mất vỉa hè” và thường xuyên phải đi xuống lòng đường gây mất an toàn giao thông sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Thế nhưng, giành lại vỉa hè cho người đi bộ nếu không quyết liệt sẽ lại sớm rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Bởi thực tế đã cho thấy, không phải đây là lần đầu câu chuyện lập lại trật tự vỉa hè để trả hè đường về cho người đi bộ mới được đặt ra. Rất nhiều lần, Hà Nội và nhiều đô thị khác cũng đã rầm rộ ra quân. Nhưng rồi, đâu lại vào đó! Rồi “xong xuôi tất cả lại về”! Và đến nay, câu chuyện người đi bộ “mất” vỉa hè lại càng trở thành vấn đề nhức nhối.
Do đó, người dân kỳ vọng, sự quyết liệt của Hà Nội lần này trong việc lập lại trật tự vỉa hè phải được thực hiện bài bản hơn, quyết liệt hơn, tránh việc “bắt cóc bỏ đĩa”. Cần phải làm đồng bộ ở tất cả các quận, huyện, thị xã và có hình thức xử phạt quyết liệt những hộ dân cố tình vi phạm lấn chiếm vỉa hè, gây cản trở người đi bộ.
Để làm được một cách thấu tình, cần phải có các biện pháp tuyên truyền, song song đó là sự vận động vì một nếp sống văn minh trong đô thị. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến sự hài hòa, bởi “kinh tế vỉa hè” là một thực tế đã “ăn vào máu” nhiều hộ kinh doanh ở Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác.