Burundi được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng là quốc gia nghèo nhất trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người là 783 USD/người/năm. Dù vậy, quốc gia Đông Phi này có tỷ lệ dân số rất trẻ (khoảng 65% số dân Burundi dưới 25 tuổi). Với mong muốn thúc đẩy du lịch tại quốc gia này, giới trẻ Burundi đã quyết định hành động.
Bruce Niyonzima, 27 tuổi, ở Bujumbura - thành phố được coi là thủ phủ kinh tế của Burundi, cho biết: “Chúng tôi muốn thể hiện vẻ đẹp của đất nước, văn hóa của Burundi, qua đó quảng bá hình ảnh ra nước ngoài. Chúng tôi muốn người Burundi và cả người nước ngoài đến thăm đất nước của chúng tôi vì đây là một đất nước có rất nhiều điều để khám phá”.
Ra mắt vào năm 2021, sáng kiến “VisitBurundi” do hàng chục người trẻ tuổi thực hiện nhằm hiện đại hóa các địa điểm du lịch và thiết lập các tour du lịch quy củ hơn. Tổ chức này xác định tập trung quảng bá truyền thông dựa trên các mạng xã hội lớn như Instagram, Twitter, Facebook. “Chiến lược truyền thông của chúng tôi dựa trên mạng xã hội vì thấy rằng nhiều người đang sử dụng chúng”, Darlène Nahayo, 28 tuổi, Giám đốc sự kiện và quan hệ công chúng của “VisitBurundi” nhấn mạnh.
Mục tiêu của “VisitBurundi” chủ yếu hướng tới những người trẻ tuổi, do đó chương trình này tạo sự thu hút bằng những bài đăng và video được trau chuốt bằng tiếng Anh, tiếng Kirundi hoặc tiếng Pháp. Tổ chức này cũng thuê nam ca sĩ Alvin Smith nổi tiếng người Burundi có ảnh hưởng trên mạng xã hội nhằm quảng bá các địa điểm du lịch.
Trong chiến lược kỹ thuật số này, các nhà tổ chức cho biết họ được truyền cảm hứng từ Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Chiến lược truyền thông của Dubai vô cùng hiệu quả và đã thu hút nhiều người có ảnh hưởng đến các bãi biển của họ thời gian qua. Ngoài ra, nước láng giềng của Burundi là Rwanda cũng đã có những chiến dịch đẩy mạnh truyền thông nhằm phát triển du lịch tương tự. Chương trình “VisitRwanda” được đẩy mạnh đến mức dòng chữ nói trên đã được in áo đấu của CLB Paris Saint-Germain và Arsenal.
Theo Le Monde, đây là thời điểm thích hợp để phát triển du lịch, thu hút khách nội địa và quốc tế tại Burundi. Bởi kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, mới đây, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và nối lại viện trợ cho quốc gia này. Trước đó, năm 2015, chưa đầy 10 năm sau cuộc nội chiến (1993-2006), đất nước Burundi chìm vào cuộc khủng hoảng chính trị với cuộc tranh cử nhiệm kỳ thứ ba gây tranh cãi của Tổng thống Pierre Nkurunziza. Việc này đã làm nổ ra các cuộc bạo loạn khiến ít nhất 1.200 người thiệt mạng.
“Bây giờ chúng tôi có sự ổn định về mặt an ninh và có một Tổng thống khuyến khích những người trẻ tuổi, những nhà lãnh đạo muốn chúng tôi phát triển đất nước của mình. Bây giờ là thời điểm thích hợp để phát triển du lịch”, Niyonzima khẳng định. Anh cho biết thêm, “VisitBurundi” đang thảo luận với các nhà chức trách để tìm kiếm các nguồn tài trợ xã hội. “Với rất ít khách du lịch, cơ sở hạ tầng chưa thật sự phát triển, ngoại trừ ở Bujumbura, nơi các khách sạn và nhà hàng bãi biển nằm rải rác dọc theo bờ hồ Tanganyika, mở rộng chúng là một trong những ưu tiên của VisitBurundi”, đại diện trẻ của sáng kiến trên nhấn mạnh.
Trong khi đó, giới chức Burundi cũng cho biết nước này có nhiều cơ hội để phát triển du lịch khám phá thiên nhiên hoang dã. Thời gian tới, giới chức các địa phương sẽ phối hợp cùng “VisitBurundi” nhằm nâng cấp các khu du lịch tiềm năng như khu rừng ngoại ô Kibira. Có cảnh quan thiên nhiên đẹp và cũng là nơi sinh sống của hàng trăm con tinh tinh, song quanh khu rừng này vẫn chưa có nhà nghỉ du lịch. Deus-Dédit Niyiburana, hướng dẫn viên du lịch tại vườn quốc gia này chia sẻ: “Mọi người thật sự thích khu rừng, vì vậy nên tạo một nhà nghỉ để du khách có thể lưu trú và khám phá nơi đây”.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch, kể từ tháng 12 tới, người nước ngoài sẽ có thể nhận được thị thực của họ khi đến sân bay. Đây được cho là một bước quan trọng trong hành trình dài mà những người trẻ của VisitBurundi đang nỗ lực phát triển.