Bất ổn gia tăng trong khu vực
Kể từ khi xảy ra cuộc nổi dậy ở miền bắc Mali vào năm 2012, tình trạng bạo lực đã lan rộng đến miền trung nước này và các nước láng giềng Burkina Faso, Niger. Lúc đầu, nhóm vũ trang người Tuareg nổi dậy nhằm đòi quyền tự trị cho khu vực phía bắc Mali. Sau đó, một liên minh giữa các nhóm khủng bố cực đoan và quân nổi dậy Tuareg đã hình thành để kiểm soát lãnh thổ phía bắc. Các nhóm khủng bố này đã gây ra nhiều vụ bạo lực, như tiến công lực lượng an ninh và sát hại dân thường, buôn bán hoặc bắt cóc người đòi tiền chuộc, áp đặt nhiều luật lệ hà khắc đối với dân cư địa phương, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng… Tới năm 2013, các nhóm chiến binh thánh chiến này di chuyển về phía nam tới các thị trấn chiến lược ở Mali, khiến lực lượng an ninh của nhiều quốc gia, dẫn đầu là Pháp phải can thiệp. Chiến dịch Serval năm 2014 do quân đội Pháp tiến hành đã đẩy lùi cuộc tiến công và giành lại được một nửa khu vực phía bắc Mali.
Tuy nhiên, trên khắp dải Sahel, một mạng lưới phức tạp bao gồm các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh nhờ lợi dụng sự yếu kém của chính quyền, việc quản lý biên giới lỏng lẻo và khủng hoảng nhân đạo trong xã hội gia tăng. Tướng Thomas D.Waldhauser, Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi (AFRICOM) cho rằng: “Ở châu Phi, những thách thức do tình trạng thất nghiệp, nghèo đói, thiếu quản lý của các nhà chức trách, cộng thêm không gian địa lý rộng lớn đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức cực đoan phát triển”.
Theo AP, kể từ năm 2016, mỗi năm số lượng những vụ tiến công liên quan các nhóm phiến quân Hồi giáo ở khu vực Sahel đã tăng gấp đôi, từ 90 vụ năm 2016 lên 194 vụ vào năm 2017, và tăng nhanh chóng lên 465 vụ vào năm 2018. Các báo cáo về tỷ lệ tử vong cũng theo đó tăng gấp đôi trong các năm gần đây, cụ thể là 218 người thiệt mạng năm 2016 lên 529 người năm 2017, tới năm 2018 số người tử vong đã là 1.110 người. Không chỉ nhằm vào dân thường, các nhóm phiến quân còn tiến công quân đội nước ngoài, Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ và các tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhân đạo ở những nước này.
Bạo lực tiếp tục leo thang từ năm 2019 tới nay, với ít nhất 4.000 dân thường thiệt mạng ở Burkina Faso, Niger và Mali, gấp năm lần so năm 2016 theo số liệu của LHQ. Ngoài ra, hơn một triệu người đã bị mất nhà cửa sau các vụ tiến công của những nhóm khủng bố như tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), AQIM (phân nhánh của tổ chức al-Qaeda ở vùng Maghreb). Tại Burkina Faso, số người bị mất nhà cửa tăng từ 40 nghìn trong năm 2018 lên hơn 560 nghìn vào cuối năm 2019, tương đương hơn 2% dân số. Trong khi đó, con số thực tế đã lên tới 199.385 người tại Mali, và 185 nghìn người tại Niger.
Thêm phương án bảo đảm an ninh
Ngay từ khi xảy ra bất ổn, khu vực Sahel đã chứng kiến sự tham gia và mở rộng của các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế nhằm ngăn chặn, tiêu diệt các tổ chức khủng bố, tiêu biểu nhất là hoạt động của Chiến dịch Barkhane, Phái bộ LHQ tại Mali (MINUSMA), Liên quân G5-Sahel. Trước hết là Chiến dịch Barkhane từ tháng 8-2014 của quân đội Pháp tại CH Chad, với 4.000 quân nhân, nhằm duy trì và thúc đẩy thành quả của Chiến dịch Serval trước đó. Đây là hoạt động quân sự lớn nhất của Pháp ở nước ngoài, với quân số lớn và trang bị hiện đại. Nhiệm vụ chính là bảo đảm an ninh và chống khủng bố, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Pháp với các quốc gia trong khu vực. Mặc dù lực lượng chủ yếu là quân đội Pháp, nhưng Chiến dịch Barkhane vẫn nhận được nhiều hỗ trợ từ các lực lượng vũ trang địa phương.
Trong khi đó, Phái bộ MINUSMA đặt trụ sở tại Thủ đô Bamako của Mali cũng tham gia bảo đảm an ninh, với số lượng 10 nghìn binh sĩ và 2.000 cảnh sát. Ban đầu, MINUSMA nằm dưới quyền của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Liên hiệp châu Phi (AU), nhưng năm 2013, quyền quản lý tổ chức này đã được chuyển giao cho LHQ. Các mục tiêu quan trọng nhất của MINUSMA bao gồm ổn định an ninh và bảo vệ thường dân, thiết lập đối thoại và hòa giải giữa các quốc gia trong khu vực, hỗ trợ tái thiết chính quyền địa phương tại Mali. Cuối cùng, Liên quân G5-Sahel là lực lượng hợp tác giữa năm quốc gia ở khu vực Sahel. Theo đó, các thành viên G5 phối hợp tìm giải pháp cải thiện an ninh dọc biên giới chung thông qua hợp tác và cùng triển khai các cuộc tuần tra, trực tiếp ngăn chặn sự lan rộng của các nhóm khủng bố. Lực lượng này có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Pháp, và hiện có khoảng 4.000 binh sĩ triển khai tới những “điểm nóng” giao tranh trực tiếp với các nhóm khủng bố.
Từ năm 2019 tới nay, tình hình tại Sahel trở nên phức tạp hơn do số lượng các nhóm vũ trang tăng lên và lan rộng khắp khu vực. Trong khi đó, sự hỗ trợ của địa phương cho Chiến dịch Barkhane của Pháp suy giảm nhanh chóng, buộc nước này tìm kiếm sự tham gia rộng rãi hơn của các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Tại Hội nghị cấp cao EU diễn ra tại Pháp ngày 13-1 vừa qua, Tổng thống Pháp E.Macron đã phải kêu gọi tìm kiếm những giải pháp mới cho Sahel. Theo đó, các nước thành viên EU và những quốc gia thuộc nhóm G5-Sahel nhất trí hỗ trợ nhau thực hiện bốn nhiệm vụ trụ cột là chống khủng bố, xây dựng năng lực quân sự địa phương, tái cơ cấu chính quyền khu vực và gia tăng các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Tuy nhiên, ông E.Macron tin rằng cần có một liên minh mạnh mẽ hơn để giải quyết nhiều thách thức trong khu vực.
Ngày 27-3, trong buổi họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Quốc phòng của 11 nước EU và các nước thành viên nhóm G5-Sahel, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp F.Parly đã tuyên bố chính thức ra mắt lực lượng “Takuba” (theo tiếng Tuareg nghĩa là “Lưỡi gươm”), chủ yếu bao gồm những cá nhân được tuyển chọn từ các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của châu Âu. Cũng theo bà Parly, sự ra đời của lực lượng Takuba là một trong các thỏa thuận quan trọng được thông qua sau Hội nghị cấp cao EU ngày 13-1. Trong cuộc họp này, Bộ trưởng Parly còn nêu chi tiết chiến lược của Pháp tại khu vực Sahel, khẳng định nước này cam kết hỗ trợ mạnh mẽ các thành viên Liên quân G5-Sahel. Tướng Dembélé, Bộ trưởng Quốc phòng Mali và ông Katambé, Bộ trưởng Quốc phòng Niger đã chia sẻ phân tích về tình hình an ninh khu vực, nhấn mạnh sự cấp thiết phải chiến đấu chống lại các nhóm vũ trang đang thực hiện hành động khủng bố ở châu Phi.
Mặc dù mới chỉ 5 nước châu Âu (gồm Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan và Bồ Đào Nha) cử binh sĩ tham gia, nhưng Takuba được kỳ vọng trở thành trụ cột chống khủng bố của liên quân, đồng thời là khởi đầu của một giải pháp toàn diện hơn nhằm bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực. Lực lượng đặc nhiệm Takuba sẽ hoạt động dưới quyền chỉ huy của các tướng lĩnh Pháp trong Chiến dịch Barkhane. Bên nhiệm vụ chống khủng bố, Takuba còn có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ lực lượng vũ trang Mali, phối hợp tác chiến cùng Liên quân G5-Sahel, bảo vệ hoạt động của MINUSMA, Phái đoàn đào tạo EU (EUTM) ở Mali, Phái đoàn xây dựng năng lực EU (EUCAP) ở Niger, hoặc tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo của các tổ chức quốc tế khác…
Dự kiến, lực lượng đặc nhiệm Takuba sẽ tiến hành diễn tập vào giữa năm nay và chính thức hoạt động từ đầu năm 2021. Nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, lực lượng Takuba đủ khả năng phản ứng nhanh chóng, hiệu quả hơn trước những mối đe dọa từ các nhóm khủng bố có trang bị ngày càng hiện đại. Đồng thời, đây sẽ là lực lượng quan trọng trong việc thao luyện khả năng tác chiến độc lập của các lực lượng vũ trang địa phương trong tương lai.