Giải “cơn khát vốn”

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho năm nay, với mức tăng 1,5-2%, đưa tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay lên thành 15,5-16% so với mục tiêu đầu năm là 14%, tương đương bổ sung khoảng 200.000 tỷ đồng vốn cho nền kinh tế. Việc tăng hạn mức tín dụng phần nào hỗ trợ được thanh khoản, đáp ứng nguồn vốn lưu động cho các doanh nghiệp (DN), song việc này có giải được “cơn khát vốn” dịp cuối năm?
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn dịp cuối năm. Ảnh: HẢI NAM
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn dịp cuối năm. Ảnh: HẢI NAM

Doanh nghiệp ưu tiên vẫn phải chờ

NHNN tiếp tục hướng dòng tiền vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này. Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện, khơi thông nguồn vốn cho người dân mua nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, trao đổi ý kiến với phóng viên Thời Nay, ông Nguyễn Kim Tường, Giám đốc một doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP Hồ Chí Minh chuyên về xuất khẩu cho biết, công ty đã liên hệ với Ngân hàng ACB để hỏi vay 1 tỷ đồng, lãi suất ngưỡng 15,1%/năm, tuy nhiên vì không phải khách hàng truyền thống, lại trong bối cảnh hết hạn mức tín dụng, nên vẫn chưa vay được khi tài sản bảo đảm không còn là vấn đề quyết định.

Ông Tường cho biết, mấy tháng qua dòng tiền của công ty đang teo tóp dần do thanh khoản từ hoạt động xuất nhập khẩu và bất động sản đứng im. Theo ông, hàng chục năm qua ông gần như không phải vay vốn ngân hàng để phục vụ mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm. Song năm nay, công ty bị cạn vốn khi hàng chục lô đất không bán được, trong khi đơn hàng giảm mạnh. Từ tháng 7, công ty đã rao bán bất động sản nhưng không khả thi, lượng người hỏi mua rất ít, lại rớt giá nhiều.

Tương tự, một DN sản xuất lắp ráp ô-tô thương mại tại TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi được nới hạn mức tín dụng, công ty này đã vay được vốn sau khi “treo” hồ sơ từ giữa quý III đến nay. Theo DN này, họ là khách hàng truyền thống, thường xuyên vay vốn tại các ngân hàng với khoảng 100 tỷ đồng/năm, chủ yếu là vốn ngắn hạn từ ba đến sáu tháng và cứ gối đầu, trả xong nợ cũ thì vay mới. Bởi vậy, họ là những khách hàng ưu tiên. Tuy nhiên DN này cũng nói thêm, một ngân hàng đã thông báo chúng tôi được giải ngân số tiền 10 tỷ đồng, nhưng lại chia ra thành nhiều đợt chứ không phải một đợt như mọi khi. “DN đang cần vốn, nhưng giải ngân theo “lộ trình” như vậy chỉ giải được “cơn khát vốn” phần nào”, đại diện DN bày tỏ.

Còn Công ty DVC Hà Nội, một DN vừa và nhỏ thuộc đối tượng ưu tiên trong đợt nới hạn mức tín dụng lần này cũng than thở “sau khi NHNN công bố nới room tín dụng, chúng tôi có hỏi các ngân hàng nhưng họ nói vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa”.

Những DN trên chỉ là số ít trong nhiều DN đang gặp khó khăn về vốn dịp cuối năm. Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, DN ở một số ngành đang gặp khó khăn chưa từng có do thiếu vốn.

Một số ngành như thép đối diện với thực tế cung vượt cầu, nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30 - 40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao.

Đối với công nghiệp hỗ trợ, trước đây các doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về hạn mức tín dụng. Đặc biệt, DN sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền…

Giải “cơn khát vốn” ảnh 1

Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp vào dịp cuối năm rất cao. Ảnh: NAM ANH

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định, nhu cầu vay vốn vào cuối năm rất cao, do đó, việc nới hạn mức tín dụng hiện tại tuy không đủ “thỏa cơn khát vốn”, nhưng phần nào hỗ trợ được thanh khoản cho các DN. Song, theo vị chuyên gia, cần nhiều giải pháp tổng thể mới giải quyết được khó khăn của DN những tháng cuối năm. Bởi lẽ, NHNN nhấn mạnh, dù có thêm room mới nhưng việc cho vay vốn bao giờ cũng phải bảo đảm các chỉ số an toàn trong hoạt động ngân hàng. Tức là, những khách hàng chưa thanh toán nợ cũ chắc khó được vay mới. Hơn nữa với nhiều ngân hàng hiện thanh khoản đang eo hẹp, gặp khó về huy động thì có được tăng hạn mức tín dụng cũng chưa chắc đã có đủ vốn cho DN vay và lãi suất cũng khó giảm.

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, hiện nay các ngân hàng thương mại huy động vốn trên thị trường rất khó khăn. Chính vì vậy, ngay cả khi NHNN nới hạn mức tín dụng thì khả năng các ngân hàng chưa thể huy động đủ vốn để cho vay, đồng thời đáp ứng chỉ tiêu về an toàn hệ thống cũng là vấn đề cần quan tâm. Do đó, ngân hàng nào không đáp ứng các chỉ tiêu về an toàn vốn thì chắc chắn sẽ không được hưởng lợi từ chính sách nới hạn mức tín dụng lần này của NHNN.

Còn TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh, lượng vốn tăng thêm 200.000 tỷ đồng sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát, song để việc nới room đạt hiệu quả, thì cần khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu DN do đây là nguồn vốn trung và dài hạn quan trọng.

Thực tế, số liệu vừa cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475.000 tỷ đồng, tương đương tăng 4,33%. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,38%, của DN tăng 2,43%. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng thấp, khiến tín dụng vẫn khó khăn cho tới năm 2023.

Tính đến ngày 30/9, tổng lượng tiền gửi tại NHNN của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo chính chỉ còn 176.163 tỷ đồng, giảm đến 48% so với đầu năm. NHNN cũng truyền đi thông điệp, do áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023, nên chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thắt chặt.

Bởi vậy, theo một chuyên gia, tín dụng cấp cho lĩnh vực bất động sản có thể vẫn sẽ chịu sự giám sát nghiêm ngặt. Hoạt động cho vay mua nhà cũng sẽ giảm tốc do nguồn cung nhà ở mới hạn chế và lãi suất cho vay mua nhà không còn ở mức hấp dẫn. Trong khi đó, xuất khẩu được dự đoán sẽ giảm tốc từ quý IV/2022, nên không loại trừ khả năng NHNN sẽ phải tăng thêm lãi suất cuối năm nay hoặc đầu năm 2023 nhằm duy trì môi trường tỷ giá ổn định.