Ghana vực dậy ngành ca cao

Ghana là một trong những nước xuất khẩu ca cao hàng đầu thế giới, song lại thu được rất ít lợi nhuận từ ngành công nghiệp này. Lợi nhuận phần lớn vẫn rơi vào các công ty chế biến còn nông dân trồng ca cao vẫn phải vật lộn để kiếm thu nhập đủ sống. Vì vậy, nước này đã phát triển chương trình tập trung trao quyền kinh tế cho thanh niên, nhằm vực dậy ngành ca cao mũi nhọn.
0:00 / 0:00
0:00
Ghana hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với sản phẩm từ ca cao. Ảnh: GETTY IMAGES
Ghana hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với sản phẩm từ ca cao. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Business Insider, năm 2021, ước tính Ghana trồng được một triệu tấn ca cao, nguyên liệu chính để sản xuất những thanh chocolate được yêu thích khắp nơi trên thế giới. Sản xuất ca cao cũng là hoạt động nông nghiệp lớn nhất của Ghana, chiếm 8% GDP và liên quan sinh kế của khoảng 6,3 triệu người. Mặc dù nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm ca cao và chocolate, nhưng Ghana còn gặp khó khăn trong việc tự chế biến thành phẩm.

Ngành ca cao ở nước này cũng đối mặt hàng loạt thách thức, như sản lượng ca cao đang giảm do suy giảm đất đai và sự già hóa dân số, trong khi người trẻ không có điều kiện và kiến thức để phát triển ngành nghề. Nhà nghiên cứu nông nghiệp, GS Kojo Amanor thuộc Hiệp hội Nông nghiệp tương lai, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại châu Phi cho biết: “Nhiều gia đình nông dân phải đối mặt tình trạng nghèo đói dai dẳng. Trong khi đó, các trang trại ca cao xuất khẩu phần lớn là nguyên liệu thô sang các công ty chế biến chocolate ở châu Âu và Bắc Mỹ, mà không tạo ra nhiều giá trị cho địa phương”.

GS Amanor cũng lý giải rằng, sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nông thôn ở Ghana ngày càng tăng nhưng họ lại không tìm kiếm được việc làm ở các trang trại ca cao, mà thay vào đó phải di cư đến các đô thị để có thêm thu nhập. Điều này tác động khiến ngành ca cao sụt giảm lao động nghiêm trọng, không có lực lượng kế cận để gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Chính vì vậy, Chính phủ Ghana và các đối tác quốc tế đã triển khai một chương trình kêu gọi sự tham gia của thanh niên với ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Chương trình lấy tên “Thanh niên ca cao thế hệ tiếp theo” (MASO) đã được triển khai từ năm 2018, hướng đến đối tượng thanh, thiếu niên không được đi học hoặc con em trong các gia đình nông dân nghèo khó ở các vùng trồng ca cao của đất nước. Các điều phối viên của chương trình MASO đã hỗ trợ đào tạo, cung cấp kiến thức và cấp một khoản vốn ban đầu, nhằm tạo ra việc làm bền vững cho thanh niên ở các cộng đồng khu vực trồng ca cao trên cả nước.

Theo bà Joan Atiase, chuyên gia thuộc MASO, chương trình nhằm truyền thụ nhận thức và ý tưởng mới cho thanh niên về việc trở thành nông dân khởi nghiệp. Bà Joan Atiase cho rằng: “Trong những năm qua, hiểu biết về tài chính là một mắt xích còn thiếu trong hầu hết các khóa đào tạo về nông nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đã phát triển một công cụ đánh giá tập trung vào mức độ hiểu biết về tài chính của thanh niên sống trong các vùng trồng ca cao ở Ghana. Trọng tâm của nó là liên kết những người trẻ tuổi với việc làm có chất lượng hoặc giúp họ bắt đầu kinh doanh riêng trong lĩnh vực ca cao”.

Trong gần 5 năm qua, chương trình đã hỗ trợ trực tiếp 10 nghìn thanh niên. Cyriaque Hakizimana, một thành viên của MASO cho biết: “Chúng tôi đã được đào tạo các kỹ năng cơ bản và tham gia các hoạt động tài chính khởi nghiệp trong cộng đồng của mình. Những bài học từ dự án này giúp tôi áp dụng cho các sáng kiến ​​kinh doanh ở trang trại. Hiện tôi điều hành một doanh nghiệp nhỏ cung cấp việc làm cho hơn 200 lao động địa phương”. Trong suốt chương trình, hàng nghìn thanh niên tham gia đã phát triển tư duy kinh doanh đối với nông nghiệp và tìm kiếm cơ hội thương mại từ các trang trại. Họ là những nhân tố đang giúp cho ngành ca cao Ghana dần khởi sắc.

Bà Joan Atiase cũng đánh giá thành công lớn nhất của chương trình MASO là trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên. “Một trong những phần thú vị của khóa đào tạo trong năm là giờ đây những người trẻ tuổi có ý thức về thói quen chi tiêu và lợi nhuận thu được từ trang trại của mình. Điều này đã tạo ra nhận thức mới cho thanh niên, giúp họ trở thành nông dân có tinh thần kinh doanh, cũng như mạo hiểm tham gia vào các hoạt động tăng thu nhập và phát triển cộng đồng”, bà Joan nhấn mạnh.