Gắn bó với dòng sông

Nếu bảo là mưu sinh cũng đúng. Nếu bảo là do thói quen sống ở trên mặt sông cũng đúng. Nếu bảo rằng sống để trả nợ sông cũng đúng... Và còn nhiều lý do để người dân vạn đò bám sông.

Cảnh sống của người dân vạn đò trên sông Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị).
Cảnh sống của người dân vạn đò trên sông Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị).

Hơn 40 năm lấy sông làm nhà

Vừa đặt chân lên thuyền, tôi nghe người chông chênh thấy lạ. Cũng không hiểu sao người dân vạn đò trên sông Hiếu (đoạn cầu Đuồi thuộc khu phố Hậu Viên - thị trấn Cam Lộ - huyện Cam Lộ - tỉnh Quảng Trị) lại bám sông từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Chúng tôi chứng kiến cơn tụt huyết áp của ông Nguyễn Ái vào lúc chừng 9 giờ sáng. Cầm bát cơm trên tay mà ông run rẩy, mồ hôi rịn ra trán, da mặt tái nhợt. Người đàn ông 63 tuổi này có hơn 40 năm làm nghề chài lưới, cũng hơn 40 năm đó ông định cư trên mặt sông. Khúc sông Hiếu là nơi chứng kiến những buồn vui trong cuộc sống của gia đình, nơi những đứa con ông được sinh ra, nơi tuổi thanh xuân của ông đã gửi vào những con sóng bạc.

Chị Nguyễn Thị Bưởi, con gái của ông Ái đón chúng tôi từ trên bờ với một chiếc ghe nhỏ. Ngay lúc chiếc ghe chạm đất liền chị đã trò chuyện cởi mở với tôi “Hỏi chi tui cũng nói hết. Chắc là hỏi cái cảnh đời sống ở trên sông. Cứ xuống thuyền rồi thấy hết chớ không cần kể chi. Gia đình tui với một thuyền lớn và năm nghe nhỏ, chúng tôi chia nhau mỗi người một ghe thả lưới, ngày cũng kiếm được hơn 100.000 đồng/người. Trước cá tôm nhiều nhưng giờ họ đánh cá bằng xung điện nên cá khan hiếm dần đi, làm nghề cũng khó”.

Khúc sông Hiếu sớm mai bình lặng, êm đềm như con tôm con tép còn sót lại giữa sông, êm đềm như cảnh sống của 10 hộ dân với hơn 60 người trên khúc sông này. Ông Nguyễn Ái cho chúng tôi hay: “Từ nhỏ tôi đã theo cha làm nghề chài lưới, mưu sinh trên sông từ cái thời mưa bom bão đạn. Chừ cực khổ chi hơn nữa cũng chịu được hết miễn sao thanh thản tuổi già. Tính ra ở sông cực chút nhưng cũng có cái hay, ở đây thanh bình, ngày cũng như đêm nghe phẳng lặng lắm. Nhà tôi ở cách đây hơn 10 km, cũng gần sông. Chỉ đi từ nhà đến sông hơn 100 m là xuống đò, ngược dòng sông Hiếu lên đây”.

Người dân vạn đò như con tôm, con cá, quen nước, quen khúc sông, quen cả từng rong rêu, bọt nước. Con sông Hiếu về mùa này nước vơi, chiếc cầu bắc qua sông người xe qua lại tấp nập. Nhưng bên dưới chân cầu đó là cả một thế giới khác. Không xô bồ như ở trên cạn. Một mái chèo lướt đi, ngôi nhà tạm dùng để chất vài thứ, mấy con gà, đàn vịt bơi tung tăng, những con đò sau giờ thả lưới về tại chân cầu neo đậu. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau nhiều lần phản ánh của người dân vạn đò, tỉnh Quảng Trị đã có chính sách định cư cho hầu hết số hộ dân ở trên sông. Nhưng khi lên bờ rồi không dễ, cuộc sống ở trên cạn cũng rất đỗi nhọc nhằn nên không ít hộ dân trở lại với sông.

Có nhà nhưng… không ở

Ông Nguyễn Sáo, người nghệ sĩ của sông. Ông không những thổi sáo giỏi mà còn có duyên thơ. Ông thuộc lòng những bài thơ thời kháng chiến và tức cảnh làm thơ thật tài tình. Vừa thấy tôi bước chân xuống thuyền, ông liền đọc: “chân ai giờ đã xuống thuyền/nhớ mong để lại chim quyên trên bờ”. Đọc thơ xong, ông Sáo cười hỉ hả. Điệu cười sảng khoái ấy phát ra từ một người thân hình gày guộc. Khi chúng tôi hỏi về cuộc sống của những người dân trên thuyền, ông chia sẻ: “Nhà của chúng tôi ở khóm 2, phường 4, thành phố Đông Hà, cách sông hơn 10 km. Nhưng ở đó tôi làm gì để sống? Kinh doanh buôn bán chỉ hợp với tuổi trẻ, làm nông nghiệp tôi không có kinh nghiệm, với lại không quen. Nếu có đất đai cũng chịu. Từ nhỏ tôi sống với sông, con cái tôi cũng theo bước mẹ cha lên thuyền ngược sông Hiếu để kiếm sống”.

Sống với sông đã thành quen. Và đã thành... quên. Như ông Nguyễn Ái, ông có thể thống kê được đoạn sông Hiếu mấy khúc quanh co, tháng nào nước lớn, bờ hai bên sông năm nào bị sạt lở. Và chúng tôi rất ngỡ ngàng khi ông tâm sự rằng: “Chừ hỏi tôi mấy lần về nhà trong hơn 40 năm sống ở trên sông tôi tính được. Mỗi năm chỉ về một lần dịp Tết Nguyên đán, về không quá ba ngày rồi đi. Chừ tôi biết con cá, con tôm sống ở khúc sông nào nhiều hơn, tôi biết chứ đừng hỏi nhà vệ sinh của gia đình tôi hướng nào, dây phơi quần áo đặt ở đâu... ngôi nhà đó thường xuyên đóng cửa, tôi xuống bờ, con cháu tôi đi theo”.

Có một thực tế rằng, người dân vạn đò sống ở sông đâm ra nhớ sông. Một lớp người ở sông như ông Sáo, ông Ái... nhớ sông đã đành. Lớp con cháu mấy ông cũng nhớ sông bởi vì nhớ bố. Anh Nguyễn Lưu, 25 tuổi vừa đặt chân xuống đò đã vớ một vài thứ gia đình mua để dành cho. Anh vừa ăn ngon lành, vừa trò chuyện với chúng tôi: “Nhớ cha quá nên chạy xe dọc đường 9 lên thăm, nhớ cả những món quà này. Tính ra bún phở thời ni mua chỗ mô cũng có. Nhưng ăn ở đây mới ngon”. Nhìn gương mặt, ánh mắt của anh Lưu, chúng tôi thấy dấy lên niềm hạnh phúc. Và điều mà chúng tôi nhận ra, đây là tầng lớp kế cận của ông Sáo, ông Ái. 25 tuổi, không đi đò được mấy lần nhưng anh Lưu đã nhớ sông, kèm với nỗi nhớ cha, nhớ con đò, nhớ tấm quà vặt mẹ cha mua cho mỗi ngày. Thì với sông, mọi người như vẫn còn trẻ lắm! Chị Nguyễn Thị Bưởi chia sẻ thêm: “Em bán cá ở chợ phiên Cam Lộ, bán hết trụt chợ xuống sông, chiều lên bờ cũng ngó lui sông mới về được. Có lẽ sau này em cũng xuống ở sông”.

Sống để trả nợ sông

Nếu người dân trên bờ ơn đất thì người dân sống dưới nước ơn sông. Mà ân nghĩa của con người đối với sông chừng như nặng lắm. Đến như có nhà không ở mà sống ở trên sông, đến như có một nơi ấm áp giữa mùa đông hoặc nơi trú ẩn an toàn trong mùa mưa bão nhưng họ đã không làm thế. Bà Phạm Thị Thư, 63 tuổi, vợ ông Nguyễn Ái cũng là người ngót nghét 40 năm chung sống với sông kể với chúng tôi rằng: “Tôi lấy chồng ba hôm theo chồng xuống sông và cuộc đời gắn bó với sông hơn 40 năm rồi. Thời gian đó hơn cả đời người, cơm mắm đều lấy từ sông, có sông che chở. Cái ơn đó khắc ghi trong lòng, không những với vợ chồng tôi mà cả con cháu tôi và nhiều người dân sống ở vùng sông nước”. Ông Nguyễn Sáo chia sẻ thêm: “Về mùa nắng hạn hay mùa mưa bão gì chúng tôi đều ở sông. Nước xuống thì thuyền xuống, nước lên thì thuyền lên, trời nắng ráo thuyền ra sông, mưa bão thuyền trú bờ. Sông che chở cho chớ lo chi”.

Theo thuyền ông Sáo, chúng tôi ngược dòng sông Hiếu đến các khu vực như Vực Sâu, Đá Bã, Lèn Đá, Tân Lâm... Trên khúc sông nào cũng lác đác những con thuyền với ngư dân buông lưới. Bà Trần Thị Thể, 67 tuổi tại thôn Tân Hòa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ sau một thời gian dài ở trên cạn nay lại trở về với sông. Bà tâm sự với chúng tôi rằng: “Hồi trước cả gia đình tôi sống nhờ vào sông. Nay con cái trưởng thành đã dựng vợ gả chồng, tôi xuống sông thả lưới vừa kiếm sống vừa vui hưởng tuổi già. Hơn 20 năm theo con sống ở trên cạn tôi nhớ sông dữ lắm!”.

Anh Nguyễn Văn Kha, 40 tuổi ở tận Thừa Thiên - Huế cũng là người con lâu năm của dòng sông này. Anh cùng vợ và hai con nhỏ lênh đênh trên mặt sông cùng với đủ thứ vật dùng trên thuyền và cả con gà, con chó. “Hết mùa hè vợ chồng tôi đem hai cháu về gửi nhà nội cho đi học, đến hè cháu lại được đi chơi sông. Đi thả con chó lại không đành chúng tôi mang theo, cả con gà trống này nữa...”, anh tâm sự.

Ở lại sông một đêm, chúng tôi chứng kiến được bữa cơm của người dân vạn đò. Cá tươi vớt lên từ sông, nước múc lên từ sông, rau lấy dọc bờ sông... cái ân nghĩa này của người dân vạn đò đối với dòng sông Hiếu dường như không thể nào kể hết. Và nghe người dân vạn đò kể chuyện về sông, mùa nước ròng, mùa nước lớn, hôm nào bắt được nhiều tôm cá, hôm nào trăng sáng rực bờ sông. Cả chuyện họ nhắc người này, người kia mới sáng nay thấp thỏm đòi theo ghe ngược sông sau mấy ngày không xuống bến. Chúng tôi chợt thấy rằng, thế giới hạnh phúc của những người sống trên sông thật giản đơn. Đó là tình yêu thương họ dành cho nhau, “cái ơn” của họ đối với sông và sự bình lặng trong tâm hồn của mỗi người dân vạn đò.