Fintech và dấu hỏi an toàn

Ngày 19/10 vừa qua, ví điện tử MoMo, ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) với 31 triệu người sử dụng, đã gặp sự cố trong vài giờ đồng hồ.
0:00 / 0:00
0:00

Người dùng khi mở ví sẽ thấy số dư tiền về 0 đồng, còn kết nối thanh toán với một số trang thương mại điện tử phải tạm ngắt. Mặc dù đến chiều cùng ngày sự cố đã được khắc phục nhưng vẫn còn lại nhiều câu hỏi lẫn sự băn khoăn về tính an toàn của fintech nói chung hay MoMo nói riêng.

Trở lại với những lợi thế ban đầu của ví điện tử, đó là sự tiện lợi, đặc biệt trong hoạt động thanh toán các “gói nhỏ” (thường được gọi là thanh toán vi mô) như mua thẻ cào, trả góp hằng tháng, thanh toán điện nước… Muốn tiện lợi thì phải nhanh, chỉ trong vài giây, vài chạm và tất nhiên từ đây cũng đặt ra những thách thức về bảo mật. Đi tiếp từ vấn đề này thì cũng là thanh toán nhỏ, nên số tiền trên mỗi ví điện tử tích lũy hay xử lý là không lớn, giả sử có rủi ro xảy ra, mức độ xử lý không phức tạp.

Nhưng sự phát triển mạnh mẽ của ví điện tử, theo dòng phát triển của công nghệ và đặc biệt thói quen không sử dụng tiền mặt đã lại tạo ra những rủi ro khác. Đầu tiên có thể thấy, số tiền trên ví có thể nhỏ, nhưng vài chục triệu người sử dụng, tức là vài chục triệu ví thì không hề nhỏ chút nào, giả định một ví điện tử chỉ cần có 10.000 đồng thì 30 triệu ví điện tử sẽ có tổng số tiền 300 tỷ đồng. Rủi ro cũng không chỉ nằm tại ví điện tử và những người sử dụng, mà còn có cả những kênh khác nữa. Chẳng hạn một sàn thương mại điện tử (TMĐT) có kết nối thanh toán trực tiếp với ví điện tử. Nếu ví điện tử gặp sự cố, tất nhiên cũng ảnh hưởng đến cả hoạt động của sàn TMĐT kia, vì không thể liên thông thanh toán, người không mua được hàng, sàn không có doanh thu… Hệ sinh thái của các ví điện tử hiện nay đã rất đa dạng với nhiều loại hình dịch vụ, chức năng, thao tác khác nhau, thậm chí còn manh nha các hoạt động liên quan tài chính tiêu dùng, nên khi xảy ra lỗi của ví điện tử thì cũng ảnh hưởng đến nhiều đơn vị khác.

Không thể phủ nhận nỗ lực nâng cấp từ các đơn vị phát triển ví điện tử, chẳng hạn, trước đây việc nạp tiền vào ví là tương đối đơn giản với vài chạm, nhưng giờ đây phải có xác thực tin nhắn. Ngoài ra, người sử dụng ví điện tử cũng phải đăng ký, xác thực thông tin cá nhân… theo quy định của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, chính người sử dụng cũng có cách để tự đề phòng rủi ro, cụ thể ở đây là không để nhiều tiền trong ví, chỉ để con số nhỏ tượng trưng, khi nào cần sử dụng mới nạp tiền vào ví.

Chuyện nghe chừng đơn giản vì cuối cùng thì vẫn sử dụng các dịch vụ trên ví nhưng về lâu dài thì chưa chắc như vậy. Bởi lẽ khi người dùng đã cẩn trọng hơn thì cũng có thể dè dặt hơn trong việc sử dụng. Các ứng dụng ngân hàng điện tử giờ đây cũng phát triển mạnh không kém gì ví điện tử trong lĩnh vực thanh toán vi mô. Như vậy, ví điện tử sẽ phải giải quyết bài toán an toàn, bảo mật cho khách hàng, nhưng cũng phải nhanh nhất, để duy trì lợi thế của mình, nếu không làm được sẽ phải đối mặt với rủi ro thị phần mình bị chia sẻ.