Duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực

Mặc dù có những dự báo lạc quan về sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với thách thức mới khó lường do giá cả đầu vào tăng, lạm phát và sự lãng phí tài nguyên.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: NGUYỆT ANH
Sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: NGUYỆT ANH

Theo ấn bản tháng 6 về Giám sát vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa mới phát hành, sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng 5 đã chứng kiến mức tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước trong khi doanh số bán lẻ phục hồi với mức tăng trưởng 4,2% theo tháng và 22,6% theo năm, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng tư nhân. Nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, bất chấp những bất ổn toàn cầu gia tăng, trong khi tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng nhập khẩu vẫn giữ vững. Doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng mạnh hơn 41% cùng kỳ năm 2021.

Cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 879 triệu USD trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020 và thấp hơn gần 50% so một năm trước. Đây là tháng giảm thứ tư liên tiếp, phản ánh những bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng do cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và sự hạn chế đi lại liên quan chính sách zero Covid ở Trung Quốc. Nhưng giải ngân vốn FDI vẫn mạnh trong tháng 5, tăng 8,5% so cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu chuỗi sáu tháng tăng trưởng mạnh.

Lạm phát giá tiêu dùng tăng từ 2,6% trong tháng 4 lên 2,9% trong tháng 5, do giá xăng và dầu diesel tăng. Lạm phát giá sản xuất có dấu hiệu giảm trong tháng 5, với cả chi phí đầu vào và giá đầu ra đều tăng, nhưng với tốc độ chậm nhất trong ba tháng.

Nhờ nhu cầu trong nước tăng, tổng thu ngân sách tháng 5 ước tính tăng 29,4% so cùng kỳ năm ngoái, đưa ngân sách thặng dư tháng thứ năm liên tiếp. WB khuyến nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam nên cảnh giác với rủi ro lạm phát liên quan việc giá nhiên liệu và nhập khẩu tiếp tục tăng, có thể cản trở sự phục hồi liên tục của nhu cầu trong nước. Cần có những chính sách hỗ trợ tạm thời để giúp các hộ nghèo vượt qua áp lực giá cả, đồng thời đầu tư vào sản xuất năng lượng thay thế để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu nhập khẩu trong trung hạn và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Mặc dù có những dự báo về triển vọng phát triển tươi sáng, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức mới khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc và những cú sốc kinh tế - chính trị toàn cầu vẫn tiếp diễn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, môi trường kinh doanh trong nước phải đối mặt với những thách thức mới mẻ, khó lường, bao gồm lạm phát, lãng phí tài nguyên quý giá. Nhiều dự báo cho thấy lạm phát năm nay sẽ tiếp cận ngưỡng 4% do Chính phủ đặt ra và không thể hạ thấp như các mức trong những năm gần đây.

Nguyên Tổng cục trưởng Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, với việc đất nước bị trì hoãn gói khôi phục và phát triển trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới tăng cao, lạm phát có khả năng vào khoảng 4-4,5% vào năm 2022. Ông dự báo tỷ lệ tăng lên 5-5,5% vào năm 2023 với ba yếu tố gây áp lực lên lạm phát.

Đầu tiên là lạm phát chuỗi cung ứng, là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới. Theo đó, kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế. Đối với lĩnh vực chế biến chế tạo, vốn là động lực chính của nền kinh tế, tỷ lệ này là 50,98%. 

Áp lực thứ hai là giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Giá xăng, dầu và nhóm nguyên vật liệu công nghiệp đang phụ thuộc nhập khẩu tăng cao, tác động mạnh vào lạm phát. Giá xăng, dầu đã tăng mạnh từ năm 2021 đến nay khiến cho kinh tế ngày càng khó khăn.

Áp lực thứ ba đối với lạm phát là tổng cầu tăng đột biến của nền kinh tế. Ông Lâm đánh giá, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023 với quy mô 350.000 tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2020, 2021 tiếp tục thẩm thấu vào nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến (do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch), là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc nâng cao khả năng hấp thụ của nền kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực cũng rất quan trọng, đồng thời công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chương trình.

Trong hai năm 2020 và 2021, bất chấp tác động của đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, chủ yếu nhờ tăng xuất nhập khẩu và đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sau khi kiểm soát Covid-19 tốt hơn, sự phục hồi mạnh mẽ đã được ghi nhận trong một số ngành, chẳng hạn như bán lẻ, hàng hóa cá nhân, dược phẩm, hậu cần và lâm nghiệp.

Mặt khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nguồn cung lao động còn hạn chế. Một số địa phương, ngành nghề, đặc biệt là dệt may, lắp ráp điện tử, chế biến gỗ, du lịch, giáo dục đang thiếu lao động. Thu nhập bình quân tháng của người lao động giảm từ 6,7 triệu đồng năm 2019 xuống 5,3 triệu đồng năm 2021. 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo môi trường thuận lợi để thị trường lao động phục hồi và phát triển, đồng thời kêu gọi sớm cải cách chính sách tiền lương, an sinh xã hội và nhà ở xã hội. Ông cũng đề nghị đổi mới chính sách thu hút đầu tư để tránh tình trạng tập trung quá nhiều dự án đầu tư vào một địa phương, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của địa phương, đồng thời gây thiếu hụt lao động cục bộ.