Tận dụng thế mạnh trực tuyến
Chọn mạng xã hội là kênh tương tác chính trong suốt thời gian dài, Phước bị cuốn vào vòng xoáy của thế giới “ảo” lúc nào không hay. Nếu trước kia nam sinh viên Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương dành nhiều thời gian đọc sách giấy thì suốt các đợt dịch Covid-19, thói quen này dần bị lãng quên vì trên mạng xã hội có quá nhiều trào lưu hấp dẫn. Rồi một ngày Phước tự hỏi mình “Tại sao không tận dụng mạng xã hội để kết nối mọi người đến với văn hóa đọc để cùng nhau chia sẻ những cuốn sách hay, bài viết chất lượng?”.
Nghĩ vậy, Phước rủ vài người bạn bắt tay triển khai khâu chuẩn bị. Lang Thang ra đời ngay sau đó và nhanh chóng tạo được mạng lưới kết nối với khá nhiều bạn trẻ. Hiện nay Lang Thang chủ yếu tập trung vào việc kết nối với thành viên thông qua các cuộc trò chuyện trực tuyến, các hoạt động giao lưu chia sẻ... Trang fanpage của dự án hiện có gần 6.000 lượt thích với khá nhiều bình luận tương tác từ người theo dõi. Qua các hoạt động này, mọi người có thể tương tác trực tiếp với nhau và bàn luận những vấn đề xoay quanh nội dung dự án hướng tới. Bên cạnh đó, dự án đã thành lập nhóm cộng đồng mang tên “Bạn đã đọc sách chưa?” để tạo không gian cho bạn trẻ cùng nhau chia sẻ các kiến thức, viết cảm nhận sách hay cũng như trao đổi, tặng sách cho nhau…
Dù mới ra đời nhưng các bài viết thú vị của dự án Lang Thang trên mạng xã hội đã tạo được ấn tượng tốt với nhiều bạn trẻ. Ngoài việc giới thiệu các mẹo đọc sách giấy hiệu quả, cách thu thập thông tin và thể hiện bài viết sao cho ngắn mà chất, khuyến khích mọi người lan tỏa niềm vui với sách, Lang Thang còn tổ chức được các buổi giao lưu, chia sẻ về văn hóa đọc thông qua nền tảng internet. “Dự án hướng vào thói quen sử dụng mạng xã hội của bạn trẻ nên kết nối được mọi người khá nhanh. Khi các bạn lướt mạng xã hội thì có thể thấy được nội dung và thông điệp của Lang Thang”, người sáng lập và điều hành dự án Lang Thang chia sẻ.
Mang sách đến với người yếu thế
Bên cạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ văn hóa đọc trực tuyến, mục tiêu Lang Thang hoạch định từ những ngày đầu và đang từng bước triển khai là mang sách hay đến với các thư viện trường học khó khăn và làm kho sách nói dành tặng người khiếm thị khắp mọi miền Tổ quốc. Phước nói, mặc dù bây giờ các thành viên đa phần đều “rút tiền túi” làm dự án nhưng ai cũng sẵn lòng vì điều họ mong muốn là giúp trẻ em nghèo, người yếu thế trong cộng đồng cảm nhận rõ niềm vui mà sách mang lại. Dự án cũng hướng đến việc kêu gọi cộng đồng chung tay cải tạo thư viện và tổ chức hoạt động nâng cao văn hóa đọc ở trường học, tổ chức các cuộc thi và sự kiện nâng cao văn hóa đọc...
Gần 80 thành viên chia thành bảy ban hoạt động chủ yếu trên nền tảng trực tuyến, cái mà Lang Thang đang có được là cộng đồng thu nhỏ của những bạn trẻ yêu sách, mê viết lách, thích sẻ chia. Cứ vài tuần, Phước cố gắng thu xếp tổ chức một hoạt động gặp gỡ trực tiếp cho các bạn tại Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và kết nối, hợp tác với nhiều tổ chức cộng đồng khác liên quan đến văn hóa, thiện nguyện. Phước cho biết thêm: “Cái mà dự án quý nhất chính là tinh thần vì cộng đồng của mọi người. Tuy ai cũng còn rất trẻ, thậm chí có bạn chỉ mới học cấp hai nhưng mọi người làm việc rất nghiêm túc, sáng tạo. Ngoài việc trao đi giá trị, dự án còn giúp từng thành viên phát triển và hoàn thiện bản thân hơn”.
Liên tục bổ sung các hoạt động, cập nhật nhiều bài chia sẻ, khối lượng công việc mà Phước cùng cộng sự trẻ đang gánh không hề nhỏ. Phước cho hay, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa được nhóm thực hiện nhằm lan tỏa hơn nữa giá trị của văn hóa đọc tới bạn trẻ. Thay vì chỉ kêu gọi đưa ra lời khuyên “Hãy đọc sách, hãy chọn sách…”, Phước và các thành viên trong Lang Thang muốn tự thân người trẻ nhận ra rằng đọc sách không chỉ nên dừng lại ở sở thích hay lựa chọn, mà nó cần phải là một nhu cầu tất yếu trong cuộc sống.