Đừng để người trẻ “mất kết nối”

TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện tại Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều học sinh ngày nay nổi loạn chủ yếu là do các em “mất kết nối” với ba mẹ, thầy cô và với chính mình. Ở tuổi vị thành niên, bạn trẻ dễ hoài nghi về bản thân, hoang mang không biết tương lai sẽ đi về đâu. Nếu khi đó, gia đình và nhà trường không biết cách lắng nghe, nâng đỡ sẽ dẫn đến nhiều thương tổn về tinh thần.
0:00 / 0:00
0:00
Đừng để người trẻ “mất kết nối”

Cần được lắng nghe đúng cách

Nhiều năm làm công tác tham vấn tâm lý, TS Thúy gặp không ít trường hợp học sinh, sinh viên bị trầm cảm, rối loạn lo âu do chưa được lắng nghe, thấu hiểu. Không ít trường hợp người trẻ gặp khó khăn trong việc giao tiếp với chính cha mẹ của mình. Nhiều phụ huynh khi tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý cũng than cả gia đình họ đang “mất kết nối”, cha mẹ không thể nào hiểu để trò chuyện, tâm sự cùng con và ngược lại. Thực tế cho thấy nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra chỉ vì người trẻ mất cân đối trong nhà trường, trong gia đình. Đặc biệt, khi căng thẳng kéo dài, một số học sinh vì bị dồn nén cảm xúc nên dễ có những hành vi gây rối kèm theo nhiều vấn đề phức tạp trong cuộc sống.

Thường xuyên nhận lời đồng hành cùng các trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều chương trình tham vấn tâm lý cho học sinh, giáo viên, sau các giờ sinh hoạt chung, về nhà, TS Thúy nhận được rất nhiều “lời cầu cứu” của bạn trẻ. Vấn đề được đề cập chủ yếu xoay quanh các mâu thuẫn trong trường học, tình yêu và sự lệch tông giữa suy nghĩ của học sinh với giáo viên, phụ huynh. “Nhiều phụ huynh không có kỹ năng lắng nghe con khiến các em gặp khó trong việc sẻ chia, nhờ giúp đỡ. Khi tâm lý học sinh bất ổn, việc tìm kênh hỗ trợ hiệu quả trong trường học cũng không đơn giản vì tại nhiều nơi phòng tham vấn tâm lý học đường vẫn chỉ là hình thức, chưa có người làm tham vấn chuyên biệt mà chủ yếu do giáo viên kiêm nhiệm, vì vậy khó có thể giúp các con giải quyết vấn đề”, bà Thúy cho biết thêm.

Theo Ths Lê Thị Hồng Anh (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh), việc nâng chất hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng vì thực tế hiện nay vẫn có tình trạng học sinh chưa tự tin giãi bày tâm lý với thầy cô hoặc tìm đến phòng tư vấn tâm lý học đường nhờ giúp đỡ. Các em có nhiều băn khoăn nhưng không dám chia sẻ vì sợ thông tin sau khi nói ra sẽ nhiều người biết đến trong khi nỗi lòng chẳng được ai đồng cảm. Do vậy, khi gặp vấn đề, nhiều em không tìm người hỗ trợ, chia sẻ mà có xu hướng tự mình giải quyết. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hay các vấn đề trầm trọng hơn.

Đưa chuyên gia tâm lý đến trường học

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt cho rằng, để công tác tư vấn tâm lý học đường đến gần hơn với học sinh, sự phối hợp giữa ban giám hiệu nhà trường với các thầy cô tư vấn tâm lý là rất cần thiết.

Còn theo bà Thúy, các trường khi làm tham vấn tâm lý không chỉ tập trung hỗ trợ học sinh mà chuyên viên tham vấn tâm lý học đường nên có trách nhiệm tham vấn tâm lý cho cả các vấn đề của giáo viên, phụ huynh. Khi các bên mất kết nối dẫn đến tổn thương tinh thần, cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều rất cần được chia sẻ, lắng nghe, giúp đỡ. Nếu không được lắng nghe, giải quyết đúng thời điểm, rất khó để hàn gắn các thương tổn.

Mới đây, báo Tiền Phong cùng các đơn vị đã khởi động chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học”. Theo đó, trong năm học 2023-2024, thông qua chương trình này, các chuyên gia tâm lý sẽ đến 20 trường THCS, THPT trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong nhiều lĩnh vực đang được quan tâm.

Nhận lời đồng hành cùng chương trình, bà Thúy mong muốn, ngoài các hoạt động hỗ trợ ngay tại sân trường cho tất cả học sinh tham gia thì sẽ có hoạt động theo nhóm nhỏ với các vấn đề chuyên sâu: “Việc đưa chuyên gia đến tận các trường như thế này sẽ giúp học sinh, giáo viên cởi mở hơn, từ đó có cách tiếp cận tốt hơn trong việc gỡ rối các vấn đề trong môi trường học đường. Đây cũng là cách giúp xã hội quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực sức khỏe tinh thần cho giới trẻ”.