Đưa Trung thu xưa về phố

Tổ chức một lễ hội Trung thu đậm chất miền quê ngay lòng phố thị, rủ người lạ đến phá cỗ, trông trăng hay miệt mài tìm cách sáng tạo lồng đèn truyền thống… là cách mà những người trẻ mê văn hóa xưa chọn làm để giữ bao điều tốt đẹp cho người, cho mình.
0:00 / 0:00
0:00
Đèn trung thu Cự giải được chị Thủy bổ sung vào bộ sưu tập năm nay.
Đèn trung thu Cự giải được chị Thủy bổ sung vào bộ sưu tập năm nay.

“Vẽ” lại Trung thu ngày ấy

Đèn cù giấy dó, đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cá chép và rất nhiều tranh, vật dụng trang trí, trò chơi dân gian, món ngon đêm rằm tháng Tám đã được Nguyễn Chiều Xuân, nhà sáng lập Lionbooks cùng cộng sự mang từ Hà Nội vào tận Thành phố Hồ Chí Minh để “chiêu đãi” những người bạn nhỏ. Sự kiện “Chuyện mùa trăng 2023 - Treo đèn đón trăng lên” mà Xuân vừa tổ chức đã tạo điểm nhấn bởi sự mộc mạc, gần gụi đậm chất Trung thu xưa. Ngắm tranh trung thu, chơi lồng đèn, ăn bánh mứt, ngửi thị, thử cốm xong, trẻ con còn được xem rối cạn, tập làm rối thủ công và cùng nhau hát những ca khúc rộn ràng về ông sao, chú Cuội, chị Hằng…

Xuân kể, nhờ lớn lên cùng mảnh vườn của ông nội với cỏ mọc um tùm, mùa nào thức nấy, cây chuối, cây hồng, cây ổi thơm phức cả tuổi thơ mà cô có thêm nhiều chất liệu để sáng tác sách và tổ chức các lễ hội đúng kiểu miền quê, giàu nét truyền thống như “Chuyện mùa trăng”. Khi bắt tay thực hiện chuỗi sự kiện phi lợi nhuận này, Xuân chẳng nghĩ ngợi xa xôi, chỉ mong rủ được thật nhiều gia đình, nhiều trẻ nhỏ cùng nhau đến phá cỗ, trông trăng. Cái khó là làm sao tái hiện rõ nhất không khí đón Tết Trung thu ngày ấy mà không khiến cho thiếu nhi, phụ huynh bây giờ thấy lạc lõng hay khó hiểu. Đẹp thôi chưa đủ, cách bày trí, kể chuyện, kết nối phải thật khéo léo để cuốn hút người xem.

Nhìn mấy em nhỏ xúng xính váy áo đủ sắc mầu cười giòn tan khi xem rối, nghe nhạc hay rước đèn, Xuân thấy trọn vẹn tuổi thơ mình trong đó. Tụi trẻ, đứa vui vẻ hát ca suốt buổi, đứa mắt tròn mắt dẹt vì thấy cái gì cũng mới, cũng lạ rồi chỉ biết đứng im quan sát. Có đứa thì ồ à ngạc nhiên, vỗ tay thích thú… Nhìn cách từng người bạn nhỏ tận hưởng Trung thu xưa do mình mang đến làm quà, Xuân vui lắm. Nhưng điều khiến một bà mẹ trẻ như Xuân hạnh phúc lại là khoảnh khắc các gia đình cùng nhau làm đồ chơi dân gian hay thưởng thức vị bánh xưa, chút cốm xanh mướt, mềm mịn ngày thu. “Tôi luôn mong có thể mang những điều thật đẹp, thật gần gũi đến với các bạn nhỏ và bố mẹ, ông bà của mình bằng một không gian kết nối được nhiều thế hệ. Mỗi sự kiện đi qua, điều đọng lại sâu nhất trong tôi chính là nụ cười và niềm vui của các bạn nhỏ. Tôi biết những nỗ lực đã đặt vào đúng chỗ”, Nguyễn Chiều Xuân phấn khởi cho hay.

Sau thời gian dài tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, Đồng Lê Quỳnh Hương, chủ nhân mô hình cộng đồng mang tên “Nhà của thời thơ ấu” lại rủ bạn bè trên mạng xã hội cùng phá cỗ, rước đèn, tận hưởng Trung thu xưa. Nếu như trước kia, Hương chỉ muốn dựng lại không gian Trung thu “thời ông bà mình” để đông đảo bạn trẻ tìm đến trải nghiệm những điều thú vị chỉ mới nghe người đi trước kể hoặc đọc trên sách báo thì năm nay, mọi chuyện đã khác. Hương chuyển đối tượng khách mời sang gia đình trẻ, nơi những bố mẹ hiện đại đang đợi chờ tìm lại kỷ niệm tuổi thơ còn con cái họ thì chưa biết Trung thu xưa là gì. Hương nói, đó có thể là điểm chạm khiến nhiều phụ huynh xúc động khi bắt gặp lại tuổi thơ trong trẻo đã xa. Trong không gian hoài niệm đó, nghe con hỏi nhỏ “Trung thu nhà mình hồi đó như thế nào? Ba mẹ đón Trung thu ra sao?”, ai mà không nhớ lại chuyện cũ rồi bật cười vì những điều quá đỗi dễ thương, trong lành.

Tại đêm hội “Trung thu nhà mình” năm nay, Hương rủ người lớn làm lồng đèn từ lon nước ngọt, lon bia đã qua sử dụng, còn con trẻ thì được hướng dẫn cách tô mầu lồng đèn giấy kiếng. Xong phần lồng đèn tuổi thơ, cả nhà sẽ bắt tay nhào bột làm bánh in bày lên mâm cỗ. Trước phần phá cỗ là lúc cả nhà cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian, cùng xem kịch cổ tích “Đa Vong lên trời”. Thời khắc nhiều người mong đợi nhất đêm hội chính là rước đèn và phá cỗ. Chị Hương chia sẻ: “Tự tay làm lồng đèn rồi cùng người thân, bạn bè mới quen rước đèn khắp xóm trong giai điệu những bài hát Trung thu quen thuộc sẽ là kỷ niệm đẹp với nhiều người. Rước đèn, vui chơi xong, mọi người sẽ cùng phá cỗ và thưởng thức bữa tiệc ngọt đúng chất Trung thu xưa. Nào là các loại bánh quê, bánh trung thu hình con heo, trái cây đủ loại được tạo hình ngộ nghĩnh… Rủ mọi người cùng đón Trung thu xưa, tôi quay về tuổi thơ còn trẻ con được đón một lễ hội truyền thống thân tình đúng nghĩa”.

Đưa Trung thu xưa về phố ảnh 1

Trẻ thích thú với các hoạt động tại “Chuyện mùa trăng 2023 - Treo đèn đón trăng lên”.

Gìn giữ những điều hay

Năm ngoái, lần đầu tiên khởi nghiệp với lồng đèn truyền thống Cá chép hóa rồng (Lý ngư hóa long), kiến trúc sư 9X Nguyễn Thị Kim Thủy (Quận 3) cùng chồng đã nhận được lượng đơn hàng khá lớn từ cộng đồng mạng, những người chưa từng quen biết. Sự sáng tạo đầy ấn tượng trong cách chọn chất liệu trang trí, vẽ nét, phối mầu trên nền khung tre và thép dẻo đã giúp những chiếc lồng đèn thủ công của Thủy được nhiều người ưa chuộng dù giá thành không hề rẻ. “Năm nay, điều khiến tôi rất vui là khách cá nhân tìm đến đặt mua sản phẩm tăng gấp bốn lần so năm ngoái. Nhiều khách cũ cũng quay lại đặt mua thêm sản phẩm. Điều này có nghĩa ngoài kia khá nhiều người cũng mê mẩn những giá trị truyền thống của Trung thu xưa giống tôi. Năm ngoái do lần đầu làm, tôi còn phải nhờ nghệ nhân hỗ trợ uốn khung tre cho đúng chuẩn. Năm nay, chúng tôi tự làm tất cả các khâu để bảo đảm tốt nhất chất lượng đầu ra cũng như tiến độ. Tôi mất sáu tháng tìm tòi và quyết định chuyển từ khung tre sang khung trúc, bỏ hẳn những phần dùng thép cố định. Chiếc lồng đèn nhờ vậy trở nên mềm mại và sắc sảo hơn. Biết là cực nhưng chỉ cần sản phẩm độc đáo, ấn tượng mà vẫn giữ trọn nét xưa thì tôi luôn cố gắng hết mình”, Thủy cho hay.

Đổi chất liệu làm khung xong, Thủy mạnh dạn bổ sung thêm nhiều mẫu lồng đèn xưa vào bộ sưu tập năm nay, bên cạnh lồng đèn cá chép đã tạo được dấu ấn trên thị trường hàng thủ công tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lồng đèn vọng nguyệt giấy dó, lồng đèn Cự giải, Tiến sĩ giấy, mỗi sản phẩm đều được làm tay với các yêu cầu khắt khe do chính Thủy đặt ra cho mình và 10 cộng tác viên trong nhóm. Ngồi vẽ từng chiếc vảy cá, đánh mầu kỹ càng các chi tiết dù là nhỏ nhất, điều Thủy mong muốn là mỗi chiếc lồng đèn đều có nét riêng, đúng chất hàng thủ công số lượng ít mà các nghệ nhân xưa vẫn làm. Mỗi chiếc đèn mất vài ngày mới hoàn thành, mệt đuối, nhưng chỉ cần nghe khách gật gù khen, vợ chồng Thủy cùng các cộng tác viên vội quên mất những lúc mỏi nhừ tay uốn khung, đi nét, dán giấy, đắp hồ… Làm sản phẩm thủ công, đặc biệt là mặt hàng thể hiện nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, cái khổ, cái mệt sao sánh bằng niềm vui sướng, tự hào.

Thủy luôn nói mình may mắn khi mấy năm trước bắt gặp rồi mê mẩn mô hình lồng đèn Cá chép hóa rồng do một nhà văn hóa phục dựng để hai năm nay tự tay cô kỹ sư đa tài đã tạo nên biết bao chiếc lồng đèn truyền thống ấn tượng. Mà đâu chỉ làm đèn, chụp hình, đăng ảnh rao bán là xong, mỗi bài chia sẻ trên mạng xã hội của Thủy đều được viết dựa trên quá trình mày mò, nghiên cứu rất nhiều nguồn tài liệu. Những tích kể, những điều thú vị từ xa xưa được cô bạn góp nhặt khéo léo rồi chia sẻ một cách tinh tế để khi đọc từng con chữ người ta dễ thổn thức bởi nét đẹp của văn hóa dân tộc.

Suốt quá trình phục dựng lồng đèn xưa, khâu nào khó, vợ chồng Thủy phụ trách. Những khâu đơn giản hơn, Thủy chia bớt cho các cộng tác viên. Thủy không giấu nghề, chỉ cần bạn trẻ đủ đam mê, cô sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các khâu. Cộng tác viên làm lồng đèn của vợ chồng Thủy đa phần là sinh viên ngành kiến trúc, mỹ thuật, đồ họa. Ban đầu, các bạn trẻ tìm đến vì tò mò, muốn thử sức với thể loại mới. Nhưng khi hiểu rõ sự kỳ công của công việc này, ai cũng thấy trân trọng hơn những sản phẩm gắn liền với văn hóa truyền thống. Nguyễn Hoàng Xuân Ngân, sinh viên năm ba Trường đại học Văn Lang cũng không ngoại lệ. Khi có thể tự hoàn thiện được chiếc lồng đèn đầu tiên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khá cao về độ tinh tế, sắc sảo, Ngân hạnh phúc lắm. Điều này chẳng mấy khó hiểu vì Ngân đăng ký đến đây phụ việc không phải chỉ để kiếm thêm thu nhập. Em muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt thông qua những chiếc đèn ngày thu.