Động lực phục hồi tăng trưởng từ RCEP

Sau một năm chính thức có hiệu lực, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được đánh giá là đã từng bước tăng cường các lợi ích kinh tế, hài hòa các cam kết, nhất là các quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại. Hướng tới việc xây dựng một thị trường ổn định hơn, RCEP tạo động lực quan trọng, góp phần phục hồi tăng trưởng trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Lợi ích trực tiếp lớn nhất khi các nền kinh tế tham gia RCEP là các ưu đãi thuế quan. Ảnh: SONG ANH
Lợi ích trực tiếp lớn nhất khi các nền kinh tế tham gia RCEP là các ưu đãi thuế quan. Ảnh: SONG ANH

Đưa ASEAN trở thành trung tâm sản xuất

RCEP được 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sáu đối tác đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ bắt đầu đàm phán ngày 9/5/2013. Đến tháng 11/2019, các nước thành viên đã cơ bản hoàn tất đàm phán văn kiện RCEP, trừ Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định.

Ngày 15/11/2020, 15 nước thành viên tham gia đàm phán RCEP đã ký kết Hiệp định này. Ngày 2/11/2021, sáu nước ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thailand và Việt Nam, cùng bốn nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand phê chuẩn RCEP, đủ điều kiện để Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với các nước này. Tiếp đó, RCEP lần lượt đã có hiệu lực với Hàn Quốc từ ngày 1/2/2022, có hiệu lực với Malaysia từ ngày 18/3/2022.

Theo Asean.org, ngày 2/1/2023, RCEP chính thức bắt đầu có hiệu lực đối với quốc gia thứ 13 là Indonesia. Theo đó, các quy định mới của Indonesia về xuất xứ hàng hóa và ban hành tài liệu xuất xứ hàng hóa xuất khẩu từ Indonesia đã chính thức được áp dụng như một phần của việc thực hiện thỏa thuận RCEP. Các ngành kinh doanh ở Indonesia có thể lựa chọn một trong hai loại tài liệu, gồm giấy chứng nhận xuất xứ và tờ khai xuất xứ ghi rõ “mức thuế ưu đãi”. Hai tài liệu này có thể được ban hành một cách độc lập.

Phó Tổng Thư ký phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN Satvinder Singh nhấn mạnh rằng, việc RCEP có hiệu lực tại Indonesia vào ngày 2/1/2023 đúng vào thời điểm đánh dấu sự khởi đầu vai trò Chủ tịch ASEAN của nước này trong năm 2023. Indonesia là một trong những quốc gia tích cực thúc đẩy RCEP ngay từ giai đoạn hình thành ý tưởng. Phó Tổng Thư ký ASEAN hy vọng, các bên tham gia Hiệp định sẽ đạt được nhiều cột mốc quan trọng hơn, như việc thành lập đơn vị hỗ trợ RCEP, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Indonesia trong năm 2023. Việc RCEP có hiệu lực đối với Indonesia giúp việc thực thi đầy đủ Hiệp định tiến một bước gần hơn đến việc đưa ASEAN trở thành trung tâm của các mạng lưới sản xuất trong khu vực.

Indonesia là nền kinh tế lớn thứ năm trong số các bên tham gia RCEP. Nền kinh tế Indonesia đã tăng trưởng 3,7% trong năm 2021, lên 1.186 tỷ USD, chiếm 4% tổng GDP của các nền kinh tế RCEP. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế Indonesia có mức tăng trưởng 5,2% vào năm 2022 và 4,8% vào năm 2023.

Quốc hội Indonesia đã chính thức phê chuẩn Hiệp định RCEP cuối tháng 8/2022. Thông qua RCEP, Indonesia có cơ hội mở rộng và làm gia tăng chuỗi giá trị khu vực. Các công ty xuất khẩu của Indonesia sẽ thu được giá trị lớn hơn từ các hoạt động xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Indonesia, giúp xóa bỏ nhiều rào cản đối với thương mại dịch vụ. Các quy định về thương mại sẽ được đơn giản hóa và bảo đảm sự đồng nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua hợp tác kỹ thuật và kinh tế.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho rằng, RCEP được kỳ vọng sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh và củng cố mạng lưới sản xuất toàn cầu, thúc đẩy chuỗi cung ứng khu vực thông qua tiếp cận thị trường tốt hơn cho xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, giảm bớt hoặc loại bỏ các rào cản thương mại và tăng cường chuyển giao công nghệ.

Xét về quy mô, RCEP hiện là FTA lớn nhất toàn cầu khi bao trùm một khu vực thị trường khổng lồ với 15 quốc gia, chiếm khoảng một phần ba dân số thế giới và một phần ba GDP toàn cầu. Về nội dung, RCEP được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, còn gọi là các FTA ASEAN+. Với 20 chương và các phụ lục, cùng nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+, RCEP được đánh giá là mang tính bao trùm khi bổ sung nhiều lĩnh vực mới mà các FTA trước đó chưa có hoặc có quy định không đáng kể như thương mại điện tử, mua sắm công, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ…

Lợi ích vượt ngoài khuôn khổ hợp tác kinh tế

Các báo cáo đánh giá về tác động của RCEP đều cho rằng, Hiệp định sẽ mang lại động lực tích cực cho các nền kinh tế trong khu vực. Theo đó, tới năm 2030, RCEP giúp tăng thu nhập của toàn khu vực khoảng 0,6%, tương đương tăng thêm mỗi năm 245 tỷ USD và tạo thêm 2,8 triệu việc làm.

Theo báo cáo “RCEP: Nhìn lại quá trình thực thi trong bối cảnh thách thức thương mại” của ngân hàng HSBC, kể từ khi có hiệu lực vào đầu năm 2022, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng tận dụng lợi thế của hiệp định mới. Lợi ích trực tiếp lớn nhất mà các nền kinh tế tham gia RCEP có được chính là các ưu đãi thuế quan. Theo Hiệp định, thuế quan áp trên hơn 90% các loại hàng hóa sẽ được loại bỏ, dù điều này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong vòng 20 năm. Loại bỏ thuế quan trên diện rộng sẽ khuyến khích đầu tư, các điều khoản về sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử trong khối.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán, một số thị trường như Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ đạt được bước nhảy vọt lớn nhất về mặt xuất khẩu vào năm 2030. Hơn nữa, RCEP là FTA đầu tiên có cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ba trong số những nền kinh tế kỹ thuật tiên tiến ở Đông Á. Điều thú vị mà ADB dự báo là thị phần xuất khẩu toàn cầu tại Đông Á sẽ giảm trong thập niên tiếp theo, khi các công ty chuyển các cơ sở sản xuất sang những thị trường đang phát triển. Tuy nhiên, bằng cách kết nối các nhà sản xuất chặt chẽ hơn với chuỗi cung ứng khu vực, điều này sẽ củng cố cơ sở sản xuất còn lại của họ, cho phép tận dụng nguồn cung ứng các vật liệu có giá cả cạnh tranh hơn.

Trong bài viết đăng trên ấn bản gần đây của Diễn đàn Đông Á hằng quý East Asia Forum, cựu Chủ tịch Ủy ban Đàm phán thương mại RCEP Iman Pambagyo nhấn mạnh, thỏa thuận cuối cùng về RCEP được ký kết vào tháng 11/2020 trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn, trong khi cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trong giai đoạn căng thẳng. Việc kết thúc thành công các cuộc đàm phán là một thí dụ nữa về tầm quan trọng của cam kết mang tính xây dựng, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia. Theo đuổi nguyên tắc lấy ASEAN làm trung tâm, các cuộc đàm phán đã tạo nên một nền tảng để phát triển những quy tắc và thủ tục giúp các bên, dù là nền kinh tế lớn hay nhỏ, điều chỉnh tham vọng của mình.

Theo tác giả bài viết, việc theo đuổi hợp tác kinh tế và kỹ thuật giữa các thành viên RCEP cần được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự vì Hiệp định này không chỉ được thiết kế để thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư. Chương 15 của RCEP cũng đưa ra khuôn khổ để thực hiện các mục tiêu phát triển thông qua Hiệp định. Các quốc gia thành viên RCEP nhất trí rằng, hợp tác kinh tế và kỹ thuật trong RCEP nên nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và tối đa hóa lợi ích chung. Hiệp định cũng hướng tới việc tạo thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực và đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế toàn cầu.

Các quốc gia RCEP khác nhau về hệ thống quy định và tiềm năng kinh tế, bao gồm cả năng lực lao động trong các ngành đang phát triển. Hợp tác kinh tế và kỹ thuật sẽ cho phép các quốc gia thành viên RCEP phối hợp chính sách phù hợp năng lực kinh tế tương ứng và xây dựng những năng lực này, đồng thời giải quyết những thách thức do sự gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu gây ra.

Hợp tác kinh tế và kỹ thuật cũng có thể đóng vai trò là nền tảng để các bên xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác và giảm bớt căng thẳng tiềm ẩn. Tổng cộng 31 vòng đàm phán cấp quan chức cấp cao, 11 cuộc họp cấp bộ trưởng giữa kỳ, tám cuộc họp cấp bộ trưởng, ba hội nghị cấp cao và các cuộc đàm phán song phương và đa phương về tiếp cận thị trường mang lại cho các bên một sự gắn kết bền chặt để tiếp tục hành trình chung nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của 2,3 tỷ người dân trong khu vực RCEP.