Đồng hành cùng phụ nữ biên cương

Bằng cách hỗ trợ vốn, cây giống, con giống, vật dụng thiết yếu cho đồng bào miền núi, các cấp hội, đoàn thể tại TP Đà Nẵng đã và đang thực hiện hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Chương trình không chỉ tạo động lực, tiếp sức để phụ nữ vùng biên giới có ý chí vươn lên, mà còn tạo sinh kế, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới.
0:00 / 0:00
0:00
Trao sinh kế giúp phụ nữ miền núi vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trao sinh kế giúp phụ nữ miền núi vươn lên thoát nghèo bền vững.

1/ Vượt chặng đường gần 500km để đến xã biên giới Ia Puch (huyện Chư Prông, Gia Lai), đoàn công tác đã mang theo tình cảm yêu thương và sự san sẻ của những người miền xuôi đến với đồng bào miền ngược. Trong chương trình năm nay, đoàn đã trao 30 suất quà, mỗi suất một triệu đồng tiền mặt và chăn ấm cho các gia đình đặc biệt khó khăn, tặng lợn giống cho ba hộ nghèo, tặng 15 chiếc xe đạp cho học sinh và 20 thùng áo quần cũ, chăn ấm cho các hộ khó khăn với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Chị Rơ Mah Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Puch tâm sự: “Những món quà hỗ trợ không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp phụ nữ khó khăn vùng biên giới có thêm động lực, phương tiện sinh kế để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó quê hương”.

Cùng thời gian này, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ và Đoàn Thanh niên xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) cũng đã lên đường đến với thôn T’râm (xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Đây là địa phương nằm giáp biên giới nước Lào, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ quét. Thấu hiểu điều đó, đoàn công tác đã trao lợn giống bản địa cho ba hộ phụ nữ nghèo, tặng 130 suất quà cho phụ nữ và trẻ em toàn thôn.

Theo chị Lê Huyền Trâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hòa Vang, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là hoạt động mang ý nghĩa lớn được các cấp hội duy trì đều đặn hằng năm. Đây là dịp để huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng nhằm giúp đỡ, san sẻ một phần khó khăn với đồng bào miền núi, động viên tinh thần giúp phụ nữ miền núi nỗ lực vươn lên cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng biên cương vững chắc.

2/ Với phương châm “trao cần câu quý hơn cho con cá”, bên cạnh hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu, các đoàn thiện nguyện luôn chú trọng đến việc trao cây trồng, vật nuôi, công cụ để phụ nữ vùng cao tự lực làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên làm chủ cuộc sống. Trong các chương trình gần đây, Hội Phụ nữ các phường Xuân Hà, Thanh Khê Đông, Tam Thuận, Hòa Khê (quận Thanh Khê) đã dùng toàn bộ kinh phí mua tám con bò giống tặng tám hộ phụ nữ nghèo tại xã biên giới Hương Lâm (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) làm phương tiện sinh kế. Theo lãnh đạo phường Xuân Hà, dù là xã biên giới nhưng điều kiện giao thông nơi đây không quá khó khăn, người dân dễ dàng tìm mua các vật dụng, thực phẩm thiết yếu. Do đó, thay vì tặng nhu yếu phẩm, các phường chuyển sang tặng phương tiện sinh kế là bò giống để hộ nghèo phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhận được bò giống, bà Lê Thị Kỷ (xã Hương Lâm) không giấu được niềm xúc động nói: “Tôi lớn tuổi, sức khỏe yếu không làm được việc nặng. Từ lâu tôi luôn ao ước có con bò để túc tắc chăn nuôi, vừa có “chiếc cần câu” để bám víu. Nay mong ước của tôi đã thành sự thật, tôi sẽ cố gắng nuôi thật tốt để bò sinh sôi thành đàn”.

Tương tự, Đồn Biên phòng Hải Vân cũng vừa tổ chức trao quà, phương tiện sinh kế cho phụ nữ và trẻ em nghèo xã Axan (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Xác định đây là xã biên giới khó khăn, xa trung tâm, giao thông đi lại vất vả, đoàn vừa trao “con cá”, vừa tặng “cần câu” giúp người dân nơi đây có thêm động lực để vươn lên. Trong chuyến đi này, đoàn đã trao bốn con lợn giống, trao 40 suất nhu yếu phẩm và số lượng lớn quần áo ấm mới để người dân dùng trong mùa đông sắp tới.

Có thể món quà tặng tuy giản dị nhưng qua các chuyến đi đến biên cương, các cấp hội dường như hiểu hơn về những vất vả, khó khăn của đồng bào vùng biên giới, qua đó, luôn tích cực huy động sự chung tay, góp sức của các tổ chức, nhà hảo tâm ở miền xuôi hướng về các xã miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn để giúp đỡ đồng bào có cuộc sống ổn định hơn, từ đó chung sức chung lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.