1/ Xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn là một trong những khâu đặc biệt quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong giai đoạn mới. Tại TP Đà Nẵng, công tác cán bộ đoàn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, các cơ quan tham mưu, cơ quan chuyên môn. Đội ngũ cán bộ từ thành phố tới cơ sở từng bước được chuẩn hóa; năng lực công tác, bản lĩnh chính trị của cán bộ đoàn được nâng lên; các khâu của công tác cán bộ đoàn được thực hiện đúng quy định. Công tác phát hiện, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn có chất lượng, trưởng thành từ phong trào thanh niên được quan tâm. Nhiều cán bộ đoàn có trình độ, năng lực, trưởng thành từ cơ sở, có kinh nghiệm thực tiễn được phát hiện và kịp thời bổ sung cho đội ngũ cán bộ đoàn các cấp. Công tác tuyển chọn, tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch cán bộ được thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước bảo đảm dân chủ, khách quan.
Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, bên cạnh những mặt thuận lợi, vẫn có rất nhiều thách thức mới, đó là việc luân chuyển cán bộ đoàn quá tuổi theo quy chế cán bộ đoàn, việc tuyển dụng cán bộ đoàn gặp nhiều khó khăn, thiếu kịp thời. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tạo nguồn cán bộ đoàn chưa đáp ứng yêu cầu. Toàn TP Đà Nẵng hiện đang có 133 bí thư, phó bí thư đoàn các cấp quận, huyện, đoàn khối, phường, xã; 169 bí thư đoàn cấp cơ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các khối khác. Một bộ phận cán bộ đoàn còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ, chưa nắm vững chủ trương công tác mới, công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận ở nhiều đơn vị còn bị động.
2/ Trước những thực tiễn đặt ra, ThS Bùi Văn Tiếng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, cần đổi mới việc tạo nguồn cán bộ đoàn trong trường học. Đối với học sinh, sinh viên, cần quan tâm đến việc tuyển chọn những cán bộ đoàn là học sinh THPT, sinh viên lớp đầu cấp không chỉ có “học lực từ loại khá trở lên” như quy định mà còn cần có quá trình làm cán bộ lớp, bộc lộ rõ một số kỹ năng mềm, trên cơ sở đó tổ chức bồi dưỡng. Đối với nhóm công tác ngoài trường học, cần coi trọng việc tạo nguồn đối với cán bộ đoàn công tác ở các phường, xã, khu dân cư và ở khu vực tư nhân.
Anh Lê Xuân Thành, Bí thư Quận đoàn Ngũ Hành Sơn nhìn nhận, những hạn chế hiện nay có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong đó việc chủ động báo cáo, tham mưu, đề xuất giải pháp của các cấp bộ đoàn cho cấp ủy cùng cấp chưa kịp thời và còn hạn chế. Theo đó, anh cũng đưa ra kiến nghị rằng, định kỳ sáu tháng, một năm, Ban Thường vụ đoàn các cấp cần chủ động rà soát, đánh giá tổng thể cán bộ đoàn - hội - đội của địa phương, đơn vị mình. Từ đó, có giải pháp tham mưu, tổ chức thực hiện, để có hướng giải quyết phù hợp.
Chị Phạm Trần Trúc Mai, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) đưa ra thực trạng đang xảy ra, đó là việc tìm cán bộ nguồn kế cận của Đoàn Thanh niên đang gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp Bí thư hoặc Phó Bí thư tìm hướng đi mới cho mình bằng cách chuyển nơi công tác mới. Nguyên do là về chế độ của cán bộ đoàn xã, phường còn nhiều hạn chế. Một số địa phương, cán bộ đoàn đã đủ 35 tuổi vẫn chưa có vị trí chuyển công tác, buộc phải tiếp tục đảm nhiệm vị trí thêm đến 37 tuổi hoặc việc luân chuyển vị trí không phù hợp nên đã nghỉ việc. “Cần xây dựng tiêu chí đánh giá, khen thưởng cán bộ đoàn một cách rõ ràng, kịp thời để tạo động lực phấn đấu. Bên cạnh đó, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ đoàn các cấp cần thực hiện công bằng, công khai, minh bạch. Điều quan trọng nhất cần có chính sách bảo đảm vật chất, động viên tinh thần cho đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở bằng chế độ, phụ cấp phù hợp”, chị Trúc Mai nêu kiến nghị.