Hướng dẫn viên bản địa đến đón chúng tôi từ 2 giờ sáng, vì từ trung tâm thị trấn đến chân núi khá xa và vì càng đến sớm sẽ càng có được vị trí đẹp trên cao. Cả đoàn tranh thủ ngủ tiếp trên ô-tô và khoảng
3 rưỡi sáng thì đến điểm tập kết để chuyển sang xe Jeep. Những chiếc xe đặc biệt khỏe và gọn (tối đa ba khách) len lỏi trên những lối mòn nhỏ xíu, ngang qua những tốp người đi bộ leo núi nhiều độ tuổi, mầu da, cũng tìm đến đây vì trải nghiệm độc đáo trên miệng một núi lửa đang say ngủ. Núi lửa Batur nằm ở phía đông bắc Bali, hình thành khoảng hơn hai vạn năm trước. Ngọn núi lửa hiện nay vẫn còn hoạt động âm ỉ, có những khe nứt tuôn ra hơi nóng ngùn ngụt, đủ nấu chín thức ăn. Mặc dù đây là địa điểm được phép hoạt động du lịch, thu hút rất đông “tín đồ” du lịch mạo hiểm, chúng tôi vẫn có chút hồi hộp khi đặt chân đến.
Khoảng 4 giờ rưỡi, chân trời bắt đầu chuyển mầu hồng tím, rồi hồng đậm, da cam... cho đến mầu đỏ rực rỡ như lửa, báo hiệu khoảnh khắc bình minh. Rất nhanh, mặt trời ló rạng, mang theo những tia nắng xua tan bóng đêm và giá lạnh. Một vùng thiên nhiên rộng lớn và ngoạn mục hiện ra, bao gồm nhiều dãy núi lớn nhỏ ẩn hiện trong mây, một hồ nước khổng lồ trong xanh bao quanh bởi những ngôi làng xinh xắn. Cùng hàng trăm du khách, chúng tôi dường như lặng đi trong giây phút để thu vào tầm mắt khung cảnh ấy, trước khi lấy điện thoại, máy ảnh ra ghi lại.
Đón “nữ thần Mặt trời” xong, cả nhóm tiếp tục được xe Jeep đưa đi tham quan vùng nham thạch đen mà trận phun trào trước để lại, trải nghiệm tắm suối nước nóng. Nhờ hồ nước cùng tên, vùng Kintamani quanh núi lửa Batur thuận lợi cho nông nghiệp, đặc biệt là trồng cà-phê và tỏi. Bạn luôn có thể dừng chân ghé vào trang trại để tham quan, thử các loại cà-phê, mua quà lưu niệm... trong sự chào đón nhiệt tình, thân thiện của người dân Bali.