Đa dạng hình thức đào tạo
Mùa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu bậc ĐH. Trong đó, 90% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và 10% xét từ kết quả học bạ THPT (điểm tổng kết của từng năm lớp 10, 11, 12 đạt từ 6,0 trở lên).
Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, năm nay, bên cạnh hai khối thi truyền thống là A và A1, nhà trường tăng cường các tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh. “Chúng tôi muốn có một lứa sinh viên (SV) đầu vào đạt chuẩn về trình độ tiếng Anh để sớm tiếp cận các chương trình đào tạo quốc tế mà trường sẽ nhập khẩu về giảng dạy trong thời gian tới. Trong thời đại hội nhập như hiện nay, việc được trang bị kỹ năng ngoại ngữ tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp các SV sau khi tốt nghiệp có thêm nhiều cơ hội việc làm”.
Bên cạnh việc nâng chuẩn tiếng Anh, năm nay, trường còn mở thêm hai ngành học mới là Khoa học dinh dưỡng - ẩm thực và ngành Chế biến món ăn. Đây là nhóm ngành thuộc khối dịch vụ đang có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, nhưng tại Việt Nam thời gian qua chỉ mới đào tạo ở bậc trung cấp và cao đẳng.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh mở thêm ngành học mới dựa theo nhu cầu ngành nghề thực tế. Bà Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tư vấn tuyển sinh nhà trường cho biết, ngành Toán kinh tế là ngành học hoàn toàn mới với chỉ tiêu là 50 SV. Đây là ngành được thành lập dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội và doanh nghiệp trong quá trình quản lý phân tích, dự báo và tư vấn cho việc hoạch định chính sách và lựa chọn quyết định tác nghiệp một cách có căn cứ khoa học. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, một đơn vị thành viên khác của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ dành 100 chỉ tiêu tuyển sinh chương trình cử nhân Việt Nam học đào tạo từ xa qua mạng internet. Chương trình dành cho cả người Việt Nam và người nước ngoài đã tốt nghiệp THPT, thời gian đào tạo 3,5 năm.
Tiếp cận TS theo cách mới
“Trà sữa tuyển sinh”, tuyển sinh bằng robot, tư vấn tuyển sinh tự động trên trang web của trường hoặc tuyển sinh đến tận vùng sâu, vùng xa là cách mà Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh triển khai trong mùa tuyển sinh năm nay. Điều thú vị hơn là đích thân Hiệu trưởng nhà trường còn tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh xuyên đêm cho học sinh trên cả nước thông qua hình thức livestream trên trang fanpage của trường.
“Biết là vất vả nhưng vì muốn các em hiểu đúng về quy chế, hiểu đủ về ngành nghề để chọn được ngành học, trường học phù hợp năng lực và điều kiện của bản thân nên chúng tôi quyết định triển khai hình thức tư vấn này”, PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường nói. Không dừng lại ở đó, nhà trường còn tiến hành thành lập các câu lạc bộ khoa học tại một số trường phổ thông để tìm hiểu nguyện vọng ngành nghề và tạo môi trường để học sinh trải nghiệm. Đây cũng là trường đầu tiên áp dụng hình thức phân tích dữ liệu lớn để sàng lọc nhu cầu ngành nghề của các tỉnh, thành phố trước khi đến tư vấn.
Cũng chọn cách đến tư vấn, hướng nghiệp xuyên suốt ở các trường phổ thông tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận, Ban tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ thành phố nhận thấy rất nhiều TS còn mơ hồ về quy chế tuyển sinh cũng như cách thức chọn ngành nghề. Vì vậy, không tuyên truyền suông mà nhà trường chọn cách tư vấn sâu theo hình thức phân nhóm ngành để TS hiểu rõ về ngành nghề đào tạo để dễ dàng chọn lựa.
Cùng với việc tuyển sinh tận nơi, năm 2018, trường cũng có một chút thay đổi đối với hai ngành đào tạo là Kiến trúc và Thiết kế nội thất. Theo đó, bên cạnh hai tổ hợp môn có môn Vẽ, năm nay trường thí điểm xét tuyển thêm hai tổ hợp không có môn Vẽ là (Toán, Lý, Hóa) và (Toán, Văn, Anh). Ngoài ra, SV trúng tuyển các ngành Kiến trúc, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ sinh học, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông sẽ được doanh nghiệp tài trợ học bổng 40% học phí toàn khóa học.