“Căng mình” bịt các lối mòn, lối mở biên giới
Thời tiết rét lạnh dưới 10°C, dầm mình trong lau lách sắc như dao ở bờ sông Nậm Thi hoang lạnh suốt cả đêm, đến khoảng 4 giờ ngày 3-1, các chiến sĩ biên phòng (BP) thuộc Tổ công tác Phố Tèo (Đồn BP Cửa khẩu quốc tế Lào Cai) đã phát hiện, kịp thời truy kích và thu giữ gần 700 kg pháo hoa nổ được các đối tượng vận chuyển trái phép từ Trung Quốc vượt biên giới vào Việt Nam, tại khu vực bờ sông biên giới Nậm Thi, thuộc tổ 10 (phường Lào Cai, thành phố Lào Cai). Khi phát hiện có lực lượng BP, các đối tượng đã chống trả quyết liệt và nhảy xuống sông Nậm Thi, bơi sang phía bờ Trung Quốc tẩu thoát, để lại trên bờ 29 bao tải, bên trong mỗi bao đều chứa một thùng carton có 12 hộp pháo hoa nổ (do Trung Quốc sản xuất), có trọng lượng gần 700 kg.
Trung úy Lê Đức Anh, phụ trách Tổ công tác cho biết, vào thời điểm giáp Tết các đối tượng buôn lậu gia tăng vận chuyển pháo qua biên giới, chúng còn theo dõi mọi hoạt động của các lực lượng chức năng để luồn lách, trốn tránh. Trinh sát phải nắm chắc thông tin, đơn vị tăng cường quân số và xây dựng kế hoạch tác chiến cụ thể, sâu sát thì mới “tóm gọn” được đối tượng và tang vật buôn lậu qua biên giới.
Một vụ việc khác, ngày 19-1, nhận được tin báo của quần chúng về lô hàng hóa nhập lậu đang được tập kết tại khu vực đường Trần Phú, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh và một số đơn vị liên quan đến ngay hiện trường để kiểm tra. Kết quả, đã phát hiện 2.038 đôi giày dép do nước ngoài sản xuất. Chủ lô hàng là Lý Thị Tú Anh, sinh năm 1998, hộ khẩu thường trú tại xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Tại thời điểm kiểm tra, bà Tú Anh không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Đội QLTT số 5 đã tạm giữ toàn bộ số hàng để tiếp tục xử lý theo quy định.
Điểm khác biệt của Lào Cai là Cửa khẩu quốc tế Lào Cai và Cửa khẩu đường bộ Kim Thành nằm ngay trong nội thị thành phố Lào Cai và tuyến đường sắt từ Hà Nội chạy suốt qua cửa khẩu đường sắt Hồ Kiều, thông với Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc). Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tốc độ chạy xe cao, rút ngắn thời gian hành trình từ Lào Cai đến Hà Nội, lưu lượng xe lớn, trung bình khoảng bốn nghìn lượt xe/ngày đêm. Thêm vào đó, dọc hai bên cánh gà cửa khẩu quốc tế Lào Cai là hàng nghìn hộ dân cư thuộc các phường Lào Cai, Duyên Hải sinh sống, cách biệt bởi sông Hồng và sông Nậm Thi, vào mùa nước cạn, rất dễ dùng thuyền thô sơ để qua lại hai bên. Tại đây, các đối tượng buôn lậu sử dụng thuyền sắt, chế tạo đơn giản bằng vỏ thùng phuy, ban ngày dìm xuống lòng sông, suối ven bờ để che giấu, đến đêm móc lên để chở hàng lậu. Đây là những yếu tố khiến những kẻ buôn hàng hóa, nhất là thực phẩm sơ chế, nội tạng động vật, trứng gia cầm…, do giá cả tại gốc rẻ, lại dễ trà trộn, đã tranh thủ đêm tối, lối mở heo hút để nhập lậu vào nội địa để tiêu thụ.
Ông Nguyễn Việt Quang, Cục trưởng Hải quan Lào Cai cho biết: Tâm điểm của buôn lậu trên tuyến biên giới Lào Cai từ trước đến nay, vẫn là những địa danh như: Duyên Hải, Cầu Sập, khu Đền Thượng thuộc TP Lào Cai; Nậm Sò, Bản Quẩn, Bản Phiệt thuộc huyện Bảo Thắng, Pạc Bo, Na Lốc... thuộc huyện Mường Khương. Thành phố Lào Cai thường được ví như là cái “rốn” của hàng nhập lậu. Từ đây, hàng lậu được phát tán, xé lẻ, vận chuyển bằng đủ các phương tiện: xe ôm, xe thồ, xách tay, cất giấu trên xe ô-tô, vận chuyển trên các chuyến tàu khách... Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng đường mòn biên giới, nơi có ít cư dân và lợi dụng vào các chính sách tạo điều kiện cho bà con thăm thân để vận chuyển hàng lậu. Các đối tượng này trà trộn lẫn trong khách du lịch để thực hiện hành vi vận chuyển hàng lậu qua biên giới... Bên cạnh đó, còn có một loại đối tượng khác cũng có hành vi hết sức tinh vi là gom hàng ở biên giới, dùng các giấy thông hành lưu thông trên đường để qua mắt hải quan.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, lợi dụng Thông tư số 10/2010/TT - Bộ Công thương về quy định danh mục hàng hóa cư dân biên giới chỉ được phép nhập khẩu dưới hình thức mua, bán, trao đổi những mặt hàng theo danh mục đã quy định, nhiều chủ hàng đã thuê cư dân biên giới vận chuyển hàng về, rồi gom lại, trộn lẫn với các mặt hàng cấm nhập, có thuế suất cao. Sau đó, hợp pháp hóa bằng hóa đơn chứng từ, vận chuyển công khai về các tỉnh, thành phố phía sau tiêu thụ.
Lập ba tuyến phòng, chống buôn lậu trong dịp Tết
Theo ông Đỗ Du Bắc, Cục trưởng QLTT tỉnh Lào Cai, thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, việc chống buôn lậu trên địa bàn Lào Cai có bốn cái khó là: Địa bàn biên giới rộng, nhiều đường mòn, cư dân có thể dễ dàng sang Trung Quốc; hàng hóa Trung Quốc rẻ, dễ đưa vào tiêu thụ ở Việt Nam; các hộ cư dân sát biên giới đời sống còn khó khăn nên các đối tượng buôn lậu dễ lợi dụng để người dân trở thành người mang vác hàng thuê cho chúng; Lào Cai có các tuyến đường nội tỉnh, liên tỉnh, có đường sắt, đường bộ thuận tiện, các đối tượng buôn lậu vận chuyển sâu vào nội địa.
Theo đó, để phòng, chống buôn lậu, hàng giả có hiệu quả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã rà soát các địa bàn trọng yếu, tăng cường lực lượng theo phương châm “chốt chặn, kiểm soát toàn tuyến biên giới và truy quét sâu trong nội địa”, hình thành ba tuyến phòng, chống ngay từ biên giới đến hết địa phận của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập hai tổ công tác liên ngành cơ động chống buôn lậu trực thuộc Ban Chỉ đạo 389.
Vào dịp sát Tết, do nhu cầu tiêu thụ tăng, lợi nhuận cao, nên các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa hình biên giới hiểm trở gia tăng buôn lậu các mặt hàng nội tạng động vật, thực phẩm chế biến sẵn, hoa quả khô, rượu ngoại, thuốc lá... Trên tuyến biên giới, lực lượng hải quan và BP đã chốt chặt 24/24 giờ ở các lối mở Phố Tèo (phường Lào Cai), An Quang, Quang Kim (Bát Xát), Na Lốc (Mường Khương), Bản Quẩn (Bản Phiệt - Bảo Thắng). Đây là những khu vực thường bị lợi dụng để vận chuyển hàng lậu qua sông Nậm Thi hoặc mang vác bằng đường bộ.
Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Hải quan cũng tăng thêm lực lượng thường trực, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới để buôn lậu, vận chuyển thực phẩm bẩn, hàng hóa không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam. Các đồn BP Lào Cai, Bát Xát, Bản Lầu... mở đợt truy quét buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn nhập lậu qua biên giới. Trong nội địa, lực lượng công an, quản lý thị trường và chính quyền địa phương phối hợp tuần tra, kiểm soát các trục giao thông chính, các chợ đầu mối, chợ phiên ở vùng cao. Lực lượng chức năng cũng tăng cường lực lượng kiểm tra các khu vực phát luồng hàng hóa, các trung tâm thương mại, các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa như khu vực phường Duyên Hải, phường Lào Cai, các bến xe khách, ga tàu hỏa… nhằm phát hiện và xử lý những hành vi chứa chấp, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm bẩn.