Diện mạo khác của món bánh mì

Bánh mì luôn là món ăn quen thuộc, nhưng hương vị và cách thức kinh doanh liên quan đến bánh mì đang có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00

Điểm khác biệt đầu tiên là trước đây phần lớn những người chọn bánh mì hướng đến “ăn no” hơn là “ăn ngon” nhưng theo thời gian, những điểm bán bánh mì “sang chảnh”, giá cao xuất hiện nhiều hơn, và bây giờ bánh mì đang hướng đến tiêu chí “ăn ngon” và “ăn nhanh”.

Là một doanh nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, xuất khẩu hồ tiêu với doanh số hàng triệu USD, chế biến gia vị và tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn, nhưng gần đây chị Hứa Thùy Liên lại bắt đầu vận hành chuỗi bánh mì và thức uống có tên The Moving. Chị Liên không ngần ngại chia sẻ doanh thu của một điểm bán mỗi tháng rơi vào tầm 80-100 triệu đồng, biên lợi nhuận ròng khoảng 20% doanh thu, và đầu tư một điểm bán nếu đạt doanh thu từ 60-80 triệu đồng/tháng thì chỉ cần 6-9 tháng là có thể thu hồi vốn.

“Nhiều người hỏi tôi vì sao lại chuyển sang lĩnh vực có doanh thu rất nhỏ so với các lĩnh vực mình đã làm, tôi cũng thành thật trả lời rằng, doanh thu một điểm bán có thể không lớn. Tuy nhiên, vận hành thành công một điểm bán có thể giúp một gia đình trang trải chi phí hằng tháng. Mặt khác, vốn có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất gia vị nên tôi muốn tạo ra một món bánh mì có vị ngon đặc biệt, nhưng sản xuất với quy trình đơn giản nhất”, chị Hứa Thùy Liên chia sẻ. Tại hệ thống cửa hàng tiện lợi Seven Eleven, bánh mì là một trong những món ăn chủ đạo của cửa hàng này với nhiều vị khác nhau, từ thịt nướng, chả giò, trứng ốp la…

Hiện giờ không chỉ hộ kinh doanh gia đình hay các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bánh mì mà lĩnh vực này còn ghi nhận sự tham gia của nhiều “ông lớn”. Và thậm chí, ngay cả những đơn vị thoạt nhìn có vẻ nhỏ lẻ, kinh doanh theo kiểu hộ gia đình thì cũng đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Những ai ở khu vực Tây Nam Bộ sẽ không lạ gì thương hiệu bánh mì Hồng Ngọc, thoạt nhìn thì chỉ thấy một vài cơ sở bánh mì, nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì đây là một hệ thống với hơn 100 cơ sở ở nhiều tỉnh tại khu vực này. Bánh mì Hồng Ngọc chỉ bán mỗi ổ với giá 10.000 đồng nhưng luôn tấp nập người mua. Chắc chắn nếu cộng tổng doanh thu của hàng trăm cơ sở này sẽ cho ra những con số đáng kể.

Khi mà những món ăn như hamburger có xu hướng chững lại, thông qua số cửa hàng của các thương hiệu nước ngoài giảm đi, thì sự nổi lên trở lại cộng với những thay đổi tích cực từ món bánh mì lại là tín hiệu vui. Một món ăn phát triển vừa đem lại cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp cho nhiều người, đồng thời cũng giúp cho người tiêu dùng có thêm lựa chọn.