Để xuân xa nhà thêm phần ấm áp
Cận Tết Ất Dậu 2005, nhận thấy có khá nhiều sinh viên phải đón xuân xa nhà do không đủ điều kiện về quê, Trung tâm Công tác xã hội và hỗ trợ sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tổ chức chiến dịch Xuân tình nguyện để “người ở lại” có thêm hoạt động ý nghĩa hướng đến cộng đồng. Năm đó, các tình nguyện viên cùng nhau thu thập lịch cũ làm sách chữ nổi cho người mù và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như đến các viện dưỡng lão, bệnh viện, nhà mở, mái ấm vui chơi, tặng quà hoặc hỗ trợ người neo đơn, người yếu thế dọn vệ sinh, trang hoàng nhà cửa đón Tết. Một chiến dịch tình nguyện lớn của sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu bằng những việc làm giản đơn nhưng ấm áp, chân thành như thế.
Năm 2006, Xuân tình nguyện trở thành chiến dịch cấp trường, sau đó được nâng lên ở cấp khu vực với quy mô sáu trường liên tịch ở khu Đông thành phố. Đến năm 2009, Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh quyết định mở rộng, triển khai Xuân tình nguyện thành chiến dịch dành cho toàn học sinh, sinh viên toàn thành phố. Bắt đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, không lâu sau, Xuân tình nguyện đã theo chân sinh viên “Nhân văn” đến các tỉnh thành lân cận như: Đắk Nông, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu... Năm 2023 vừa qua, lần đầu tiên, nhà trường có hơn 1.000 chiến sĩ bao gồm sinh viên và cán bộ trẻ tham gia chiến dịch.
Từ chương trình khung ban đầu, sau mỗi năm, Xuân tình nguyện được bổ sung thêm nhiều chương trình đồng hành như: Nghìn bánh chưng xanh, Tết bạn bè, Xuân sẻ chia, Xuân chiến sĩ, Tết trẻ thơ, Tổ ấm ngày xuân, Niềm vui ngày cuối năm, Đêm xuân tình nguyện... TS Lê Thị Ngọc Điệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng, Xuân tình nguyện là một trong những nhịp cầu giúp lan tỏa tinh thần xung kích, tình nguyện đến với xã hội với những hoạt động ý nghĩa và giàu tính nhân văn, mang đậm sức sống, nhiệt huyết của tuổi trẻ trong mỗi dịp xuân về. Sau gần 20 năm, chiến dịch đã tạo được sự lan tỏa tích cực với những thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế.
Đổi mới để phát triển hơn
Giai đoạn 2016-2019, anh Trương Văn An, Phó Bí thư Thường trực Ban Cán sự Đoàn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận vị trí Chỉ huy trưởng chiến dịch Xuân tình nguyện của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Anh An cho biết, không chỉ gia tăng số lượng tình nguyện viên, chất lượng của chiến dịch cũng ngày càng được chú trọng theo hướng nội dung đa dạng hơn và “thêm đất” để chuyên môn ngành học của tình nguyện viên được phát huy cao nhất.
Là người đồng hành cùng Xuân tình nguyện từ những ngày đầu và có nhiều năm tham gia công tác chỉ huy cũng như cố vấn, đào tạo chiến sĩ, anh Dương Trọng Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng lưu giữ rất nhiều kỷ niệm đẹp về chiến dịch tình nguyện này. Anh Phúc kể, ban đầu, Xuân tình nguyện ra đời là để tạo sân chơi cho những sinh viên phải ở lại thành phố đón Tết nên các hoạt động được thiết kế theo hướng nhẹ nhàng, ấm áp, tăng tính kết nối, sẻ chia. Về sau, khi quy mô lớn dần, chiến dịch bổ sung thêm rất nhiều hoạt động nhưng đều bảo đảm tiêu chí không tạo áp lực cho tình nguyện viên. Trong giai đoạn mới, anh Phúc đề xuất bổ sung thêm nhiều hoạt động trực tuyến cho Xuân tình nguyện để tận dụng tốt nhất thế mạnh của công nghệ. Cùng với đó là sự mở rộng đối tượng, nội dung và lực lượng tham gia chiến dịch. “Nếu trước kia Xuân tình nguyện ra đời chủ yếu là để hỗ trợ sinh viên thì về sau mọi thứ đã thay đổi, các hoạt động cũng đa dạng hơn. Vậy tại sao Xuân tình nguyện không phát triển thành hoạt động của lực lượng thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh thay vì tình nguyện viên chỉ là sinh viên? Khi chúng ta lan tỏa, gắn thương hiệu Xuân tình nguyện cho cộng đồng lớn hơn thì chiến dịch sẽ ngày càng phát triển, có thêm nhiều hoạt động giá trị”, anh Phúc cho hay.