Dệt những điều khác thường

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận (làng lụa Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) là người làm thành công vải lụa từ tơ sen - loại tơ lụa mong manh mà quý giá như sợi vàng. Đã bước vào ngưỡng tuổi 70, bà vẫn không ngừng nghỉ những ý tưởng sáng tạo…
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch sen.
Thu hoạch sen.

Biến con tằm thành “thợ dệt”

Những năm 70 của thế kỷ trước, làng quê Phùng Xá từng được gọi là “thủ phủ dâu tằm” của miền bắc. Ven sông Đáy được phủ xanh bởi hàng chục nghìn ha ruộng dâu, làng xã rộn ràng tiếng quay tơ, dệt lụa. Danh tiếng của Phùng Xá không phải đến khi đó mới nổi, mà đã có nền tảng từ khi “Trạng Bùng” Phùng Khắc Khoan học được kỹ thuật dệt lượt khi đi sứ phương Bắc và mang về đất Việt.

Nghề nuôi tằm dệt tơ ở nước ta dù đã có từ lâu đời, nhưng thời ấy, người dân mới chỉ biết dệt lụa, cao nhất là lụa đậu, còn gấm, vóc, the, lượt… phải mua ở nước ngoài. Theo sách xưa, sau khi về nước, Phùng Khắc Khoan đã dành thời gian đi đến các làng nuôi tằm, dệt tơ đem kỹ thuật làm vải lượt truyền cho nhân dân. Nhờ đó, từ các làng dệt ven sông Tô như Nghi Tàm, Trúc Bạch, Yên Thái, Bái An, Trích Sài… đến vùng ven sông Nhuệ, có nhiều gia đình biết đến dệt lượt. Vùng sông Nhuệ chính là nơi tiếp thu và phát huy tốt nhất kỹ thuật của nghề này, làm nên loại lượt mỏng, nhẹ, mịn màng, tạo vẻ thướt tha, thanh quý cho người mặc.

Ấy thế mà ở ngay quê hương của “ông tổ nghề dệt”, cũng có lúc nghề truyền thống bị thoái trào. Năm 1984, Nhà máy ươm tơ Mỹ Đức dừng thu mua kén, hợp tác xã bỏ toàn bộ diện tích trồng dâu chuyển sang trồng lúa. Người dân dần lãng quên nghề xưa. Qua nhiều giai đoạn thăng trầm, chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nước ngoài, hàng hoá chủ yếu nhập từ Trung Quốc… nghề tằm tang tưởng như đứt đoạn trên mảnh đất này. Những năm đầu 2000, hầu như các người thợ dệt đều không còn làm nghề, khung dệt bị dỡ ra, vứt đầy đường.

Là kế toán của hợp tác xã nông nghiệp khi đó, bà Phan Thị Thuận chua xót và lặng lẽ mang khung dệt về lắp lại, với khát vọng nhen lại sức sống làng nghề.

“Sinh ra và lớn lên ở Phùng Xá, bà và mẹ đã dạy cho tôi về lá dâu, con tằm, sợi vải từ khi còn bé. Tôi không đành lòng thấy nghề dệt biến mất”, bà Thuận tâm sự. Cần cù, nhẫn nại, dệt theo truyền thống, rồi đi hội chợ, rủ các chị em trong làng dần quay lại với nghề, từng ngày một, bà Thuận đã cùng với cái xưởng nhỏ bên bờ sông của mình, mong mỏi lấy lại âm thanh rộn rã của tiếng thoi, hình ảnh rực rỡ của nong kén.

Thăm Phùng Xá bây giờ, thấy nổi bật nhất là một cánh đồng dâu bên bờ sông, mà chúng còn xanh được như vậy sau nhiều năm nghề dệt thoái trào, chính là nhờ công sức của bà Thuận. Đi dạo quanh được một lát, tôi thấy tấp nập các chuyến xe máy đến đỗ ở xưởng. Đó là những người quanh làng mang tằm tới cho xưởng của bà. Một tay bà thu mua hết các lứa tằm, khi chúng đến độ chín.

Theo cách thông thường, ai cũng thấy tập tính con tằm là đan thành áo kén để bảo vệ cơ thể. Nhưng bao nhiêu năm quan sát, gắn bó với con tằm… bà Thuận không nghĩ theo cách thông thường đó. Bà tự nhủ, tại sao lại cứ phải đan thành kén, nếu để tằm nhả tơ tự do thì có được không? Nghĩ là làm, bà thử nghiệm ngay trên những nong tằm của mình. Thả tằm tự do trên một mặt phẳng, bà cho tằm nằm theo hàng lối để chúng nhả ra những sợi tơ trên mặt phẳng đó. Vậy là con tằm không quấn thành kén, những sợi tơ mà chúng nhả ra quấn tự nhiên vào nhau, tạo ra mảnh lụa làm hoàn toàn từ “tằm thợ”.

Bà Thuận hài lòng với kết quả này: “Một con người phải nuôi ăn học bao nhiêu năm trời, rồi dạy nghề thì mới dệt được lụa. Còn con tằm, mình nuôi nó ăn lá dâu, trong 20 ngày, nó đã nhả ra tơ từ trong bụng, rồi theo ý mình mà tự dệt thành một tấm lụa bền chắc, không người thợ nào sánh được”.

Mảnh lụa do tằm tự dệt rất phẳng mịn, độ gắn kết tự nhiên mà chắc chắn, dùng thời gian dài cũng không bị xô lệch. Không những thế, khi cho tằm thay người dệt vải là bà Thuận đã tiết kiệm được các chi phí như kéo kén, ươm tơ, cào bông… Bà tính toán, nếu chăn bông truyền thống phải mất 15 nhân công, thì với chăn bông tằm tự dệt chỉ mất sáu nhân công, tức giảm được gần hai phần ba công sức con người.

Phát hiện tưởng chừng giản đơn này là thành quả của bao nhiêu năm trời làm nghề và tâm huyết, đau đáu tìm ra hướng đi mới. Bởi vậy, kết quả thật mỹ mãn khi chiếc chăn tằm dệt từ công thức “độc nhất vô nhị” này mang lại giá trị gấp 2-2,5 lần loại chăn thông thường và phải đặt hàng trước mới có.

Dệt những điều khác thường ảnh 1

Se sợi tơ sen.

Rút ruột thành “lửa”

“Lửa nghề” của bà một lần nữa lại được dấy lên, khi hơn chục năm trước, có người mang cho bà Thuận một tấm lụa bằng vải dệt từ tơ sen. Thời điểm đó, chỉ có Myanmar và Indonesia là làm nên loại vải đó. Bà Thuận băn khoăn, thấy người ta làm được, thì mình cũng phải tìm tòi, mày mò cho ra cách.

“Ban đầu, chẳng ai ủng hộ tôi cả”, bà Thuận kể lại, “ông chồng tôi còn bảo, thôi thôi, tằm tự dệt là đã mệt lắm rồi, bà đừng bày vẽ thêm nữa”. Ông ấy sợ tôi vất vả, sợ không làm được, rồi sợ chẳng có ai mua lại mất công, mất việc. Nhưng nếu chỉ vì sợ mà không làm thì chẳng phải là bà Thuận rồi.

Tiếp xúc với bà Thuận, cảm nhận bà như được hun đúc lên từ lửa. Vóc dáng nhỏ bé nhưng nhanh thoăn thoắt cả tay làm lẫn bước đi, giọng nói sang sảng và phong thái quyết đoán! Thật là một sự đối lập khi so sánh những sản phẩm bà đã làm nên - thật mỏng manh, dịu dàng, còn nữ chủ nhân thì quyết đoán và mạnh mẽ. Nghe bà kể mới thấy, cái năm mà bà thử nghiệm làm sợi tơ sen mới bĩ cực làm sao.

Cái khó đầu tiên chính là không có ai chỉ lối, chỉ có một chiếc khăn làm mẫu. Chẳng có cách nào khác là bắt tay vào thực hiện. Thử nghiệm hàng trăm lần, sợi sen cứ đứt, đứt mãi. Khi đó nhà bà chẳng khác nào một bãi chiến trường của các cuống sen. Thậm chí, mọi người thấy bà lấy cuống hoa sen về làm còn mắng sau lưng là “phá hoại”. Chồng con và mọi người thì cho rằng bà gàn dở, lụa tơ tằm chẳng làm, ngồi nghịch mấy cuống sen khô khốc. Áp lực đến nỗi có thời gian bà đã đóng cửa một mình trong xưởng, để được yên tĩnh, được tự làm, tự sửa cho chính mình. Và không phụ lòng bà, những sợi tơ đầu tiên đã được rút ra - mỏng manh nhưng bền chắc. Bí kíp nằm ở chỗ, khi khứa cuống sen, phải đặt trên một cái bàn ẩm, để sợi tơ mảnh mai ấy được nương tựa, không bị khô đứt, rồi cứ sợi này nối tiếp sợi kia, bà “rút ruột” cuống sen, để sen “nhả” ra sợi tơ không khác gì con tằm. Cái khó tiếp theo, là tơ sen rất mảnh nên khi đưa vào khung dệt, sợi đứt liên tục. Lụa dệt lại có nhiều mối nối, tốn công, tốn sợi mà không mịn. Thứ tơ này thách thức không ít thời gian và trí óc của bà.

Khi dệt nên tấm vải rồi, thì lại một cái khó khác khiến bà phải đau đầu, đó là vùng nguyên liệu. Sợi tơ đó chưa đủ chứng minh cho mọi người thấy sẽ thành sản phẩm, sẽ làm nên giá trị gì. Bởi vậy, người ta không cho bà thu hoạch ruộng sen. Đất đồng khi đó là đất trồng lúa, chưa chuyển đổi sang trồng sen được, thế là bà không thể chọn được những cây sen đẹp nhất, mà đôi khi phải đợi người ta hết mùa, để lại cây sen già rồi mới tận dụng để se sợi. Những điều đó khiến cho những mảnh vải tơ sen đầu tiên làm ra chưa được đẹp, còn thô cứng. Nhưng thật may mắn, cũng có những người đặt niềm tin vào bà. “Họ còn đặt tiền trước khi cả chiếc khăn lụa tơ sen đầu tiên ra đời, họ sẵn sàng mua, khiến cho tôi tin tưởng vào con đường đi của mình”, bà Thuận nhớ lại.

Cả năm trời kiên trì, tỉ mẩn, chiếc khăn tơ sen đầu tiên được dệt thành công từ 4.800 cuống sen, có độ dài

1,7 m, rộng 0,25 m. Một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được khoảng 200 - 250 cuống sen. Do đó, tính cả thời gian tách tơ, thêu họa tiết thì phải mất khoảng một tháng mới hoàn thiện được một chiếc khăn lụa tơ sen. Bởi vậy mức giá 8-12 triệu đồng/chiếc khăn cũng mới chỉ thể hiện một phần công sức và tâm huyết của người thợ.

***

Đến nay, bà Thuận đã chinh phục hoàn toàn sợi tơ sen. Bà còn làm được chỉ thêu từ tơ sen, để thêu vào áo thành bông hoa sen hoặc thêu khăn quàng cổ. Bà trở thành người Việt đầu tiên thành công dệt vải từ tơ sen. “Cháu tôi từng bảo “cháu sẽ làm với bà!”, tôi nghe thấy mà mừng rơi nước mắt, tôi tin là tôi đã có thế hệ tiếp nối, sẽ có người làm lụa sau tôi”, bà Thuận tâm sự đầy hy vọng.

Nói về quy trình, người phụ nữ quả quyết này mạnh dạn tuyên bố “tôi sẵn sàng trả một trăm triệu đồng cho ai nghĩ ra cái máy để cắt cuống sen được nhanh hơn, giúp quá trình làm một chiếc khăn lụa tơ sen được tối ưu”. Một trăm triệu đồng, với người cặm cụi với từng con tằm, từng cuống sen, như bà Thuận thì không phải ít. Nhưng đến nay, bà vẫn mong chờ có người nhận được phần thưởng lớn đó. Và trong khi ấy, người phụ nữ nhỏ bé ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn không ngừng suy ngẫm, ấp ủ những dự định phía trước với tơ sen.