Đem làn điệu xưa hòa cùng thế hệ trẻ (Kỳ 1)

Nghệ thuật diễn xướng cổ truyền và sau này là các tác phẩm âm nhạc khai thác sâu đậm bản sắc dân tộc đã được coi là niềm tự hào của Việt Nam. Để những bộ môn hay tác phẩm “đi cùng năm tháng” này có thể tiếp tục phát huy giá trị, cần có sự chung tay của thế hệ trẻ. Làm thế nào để nghệ thuật của cha ông có thể tiếp cận khán giả trẻ, để họ thêm hiểu, thêm yêu và lan tỏa những nét tinh hoa này rộng khắp không chỉ trong nước mà cả quốc tế? Đây là vấn đề đang được quan tâm và thực hành sôi nổi hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Những nỗ lực nghiên cứu và sáng tạo đã mang đến sự gần gũi giữa giới trẻ và các tiết mục mang âm hưởng truyền thống.
Những nỗ lực nghiên cứu và sáng tạo đã mang đến sự gần gũi giữa giới trẻ và các tiết mục mang âm hưởng truyền thống.

Kỳ 1: Tín hiệu tích cực từ giới trẻ

Thời gian gần đây, một số chương trình truyền hình thực tế, các dự án của nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với âm nhạc dân gian và mang bản sắc dân tộc được đánh giá là làm tốt trong việc lồng ghép các yếu tố nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Qua đó đã đưa di sản đến gần hơn với giới trẻ. Những thành công bước đầu đang mở ra những cách tiếp cận mới thú vị.

Hiệu ứng mạnh từ truyền hình thực tế

Mùa hè vừa qua, chương trình truyền hình thực tế có tên “Anh trai vượt ngàn chông gai” (ATVNCG) do Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 sản xuất đã ra mắt trên kênh thông tin - giải trí VTV3 của VTV và nền tảng YouTube. Xuyên suốt nhiều tập, chương trình này đã thu hút sự chú ý của công chúng với các tiết mục âm nhạc mang đậm yếu tố văn hóa đến từ các “anh tài” (gồm 33 nam nghệ sĩ, vận động viên…) tham gia mùa đầu tiên.

Các tiết mục biểu diễn như “Trống cơm”, “Chiếc khăn piêu”, “Dạ cổ hoài lang”, “Mưa trên phố Huế”… với sự kết hợp giữa làn điệu dân ca, ca từ mang âm hưởng truyền thống, tiếng trống trận, đàn bầu, nhã nhạc cung đình Huế, múa chén… với những tiết tấu âm nhạc sôi động, những màn trình diễn vũ đạo ấn tượng… đã nhận được những “cơn mưa lời khen” của khán giả. Và cả những khán giả trẻ, đối tượng vốn ưa chuộng những dòng nhạc hiện đại.

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng các tiết mục, NSND Tự Long nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn làm một chương trình không đơn thuần chỉ mang tính chất giải trí mà còn mang đậm những nét tinh hoa của văn hóa, để chương trình có thể đáp ứng được thị hiếu của mọi đối tượng, mọi người dân thuộc 54 dân tộc trên khắp 63 tỉnh, thành phố”. Qua tiết mục “Trống cơm”, nghệ sĩ muốn cùng các đồng đội kể một câu chuyện văn hóa là “tiếp nối giá trị truyền thống, muốn những người trẻ ngày hôm nay hiểu hơn, tiếp cận hơn, để thêm yêu vốn cổ của dân tộc”. “Những gì chúng tôi làm vẫn giữ lại nguyên sơ những nét văn hóa đó. Chúng tôi muốn làm mới giai điệu của “Trống cơm” nhưng không mất đi bản sắc dân tộc. Đối tượng của chúng tôi có thể là thế hệ 6x, 7x nhưng cũng có thể sinh trong những năm 2000, 2030… nhưng họ vẫn thích nghe “Trống cơm” và chúng tôi mong làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa Việt Nam”, NSND Tự Long khẳng định.

Trong khi đó, theo “anh tài” S.T Sơn Thạch, chàng “thủ lĩnh” 9x của một nhóm nhạc gồm 8 thành viên trong công diễn 4 của chương trình ATVNCG, việc xây dựng một tiết mục âm nhạc có thể đan xen giữa các yếu tố văn hóa lâu đời của nước ta với những thể loại mới mẻ hơn không phải điều dễ dàng. S.T Sơn Thạch có nhiều năm đào tạo chính quy trong Trường cao đẳng Múa TP Hồ Chí Minh và từng làm việc tại Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông sen. Vì lẽ đó, S.T Sơn Thạch không xa lạ với những bộ môn nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, việc 7 thành viên còn lại trong đội gần như chưa từng tiếp xúc với âm nhạc dân gian khiến chàng thủ lĩnh cũng gặp không ít khó khăn khi phải thực hiện tiết mục “Mưa trên phố Huế” kết hợp với múa chén và nhã nhạc cung đình Huế.

“May mắn, các thành viên đều rất có năng lực trong lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, nghệ thuật mà họ theo đuổi. Các bạn cũng đều hào hứng với lời đề nghị thử sức cùng nhạc cụ dân tộc của S.T. Chúng tôi mong muốn nỗ lực làm một tiết mục thật hay để góp phần khơi lên cho khán giả một giá trị tinh thần về văn hóa. Ngoài ra, một điểm thuận lợi khác là trong các chương trình giải trí, khán giả phần lớn là người trẻ. Trong khi đó, chúng tôi đều thuộc lứa 9x sẽ dễ hiểu được suy nghĩ của họ, từ đó đưa ra những cách thức tiếp cận phù hợp, khiến họ hào hứng với văn hóa hơn. Cuối cùng, sau 7 ngày với 6 lần làm nhạc, chúng tôi đã có được thành quả ưng ý, với điểm số cao nhất trong tất cả các tiết mục xuyên suốt chương trình”, S.T chia sẻ.

Đánh giá về sự bùng nổ của ATVNCG, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, thành viên đồng sáng lập nhóm Xẩm Hà thành cho rằng, không chỉ đơn thuần mang tính chất giải trí, chương trình đã cho thấy tín hiệu tích cực trong việc lan tỏa tinh hoa nghệ thuật truyền thống đến với khán giả, đặc biệt là giới trẻ. “Những bản nhạc như vậy là một chất liệu quan trọng trong đời sống hiện nay. Việc làm mới những làn điệu dân ca và ca khúc mang âm hưởng dân gian là cách thức hiệu quả để giới trẻ ngày nay tiếp cận nghệ thuật truyền thống trong kho tàng văn hóa đồ sộ của Việt Nam”, nhà phê bình khẳng định.

Trong khi đó, Nguyễn Linh Giang, một khán giả 22 tuổi bày tỏ, sau khi xem các tiết mục trong chương trình, bạn cảm thấy rất hứng thú với nền âm nhạc dân gian truyền thống, muốn khám phá, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc này: “Các tiết mục trong ATVNCG thôi thúc em tìm về cội nguồn, tìm hiểu sâu hơn về các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, ca trù, nhã nhạc cung đình. Không phải tự nhiên, những bộ môn này là niềm tự hào của người Việt Nam”.

Khuyến khích dự án của người trẻ

Trên đà thành công của ATVNCG, “anh tài” S.T Sơn Thạch đã nhanh chóng cho ra mắt một xu hướng “biến hình” trên mạng xã hội TikTok, trong đó anh mặc Việt phục, hát ca khúc đậm chất dân gian với sự kết hợp của ca trù do bản thân sáng tác. Xu hướng này đã nhanh chóng được nhiều nghệ sĩ và giới trẻ hưởng ứng, làm theo, đưa các giá trị của âm nhạc dân tộc được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội.

Trước ATVNCG, một số nghệ sĩ trẻ với tình yêu âm nhạc cổ truyền đã có những cách thức nhằm lan tỏa các giá trị của nghệ thuật truyền thống. Trong đó, có thể kể đến ca sĩ Hoàng Thùy Linh, Phương Mỹ Chi hay ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Cao Bá Hưng. Dù mới chỉ 26 tuổi, song Cao Bá Hưng đã có tới hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa, là cháu đời thứ 7 của nhà thơ Cao Bá Quát, ngay từ nhỏ Cao Bá Hưng đã đam mê với âm nhạc dân gian và muốn lan tỏa điều này tới giới trẻ. Năm 2014, chàng ca sĩ thuộc thế hệ “gen Z” được biết đến khi tham gia chương trình “Vietnam’s Got Talent” (Tìm kiếm tài năng Việt) với nhóm nhạc “4 Chị Em” và sau đó là giành giải quán quân trong chương trình “Sing My Song” (Bài hát yêu thích) năm 2017.

Nhiều chuyên gia văn hóa và âm nhạc cho rằng, trong bối cảnh ngày nay, nên khuyến khích các bạn trẻ sáng tác và trình diễn theo xu hướng khai thác chất liệu truyền thống. Đây được cho là một mô hình thành công, khi vừa mang âm hưởng của âm nhạc dân tộc song lại đan xen với những yếu tố thời đại phù hợp giới trẻ. “Những ca khúc mang thuần chất liệu dân gian mà các thế hệ nghệ sĩ trước đây đã làm rất hay, nhưng sẽ cần thời gian để giới trẻ có thể hiểu và yêu. Trong khi đó, thanh niên ngày nay sống trong một xã hội hiện đại, nên một tác phẩm dân gian cần có sự sáng tạo mới mẻ để tiếp cận nhanh hơn, gần hơn với bạn trẻ”, nhà phê bình Nguyễn Quang Long nhận định.

Chia sẻ về những dự án mới, Cao Bá Hưng cho biết, từ giờ đến cuối năm, anh sẽ tập trung vào việc sáng tạo các ca khúc mới vẫn mang đậm chất liệu dân tộc, để đến năm 2025 có thể gửi gắm thật nhiều tình yêu đến với khán giả, cũng như đóng góp giá trị vào các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

(Còn nữa)