Sức hấp dẫn của công nghệ
Năm năm trước, khi mới là học sinh lớp 5, Nguyễn Anh Khôi (học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo) đã được ba mẹ mua cho một chiếc điện thoại thông minh để tiện liên lạc, tra cứu những thông tin cần thiết phục vụ việc học tập và giải trí. Không lâu sau, điện thoại di động trở thành “bạn thân” của Khôi. Em dành rất nhiều thời gian trong ngày cho các hoạt động tương tác, tìm hiểu nhiều kênh thông tin trên mạng. Lên bậc THCS, Khôi mở rộng phạm vi tìm hiểu và dần thích thú với khá nhiều trò chơi điện tử trên các nền tảng. Đến nay, số thời gian dành cho trò chơi điện tử tăng dần đôi lúc khiến Khôi lo lắng. “Lúc nào em cũng tự dặn mình chỉ chơi một màn trò chơi điện tử nữa thôi rồi thoát ra nhưng chưa bao giờ dừng lại đúng như cam kết. Em cứ muốn chơi mãi. Ngoài ra, em cũng thích dùng mạng xã hội để nhắn tin, kết nối với bạn bè, thầy cô. Em dùng các nền tảng công nghệ khá nhiều”, Khôi chia sẻ.
Tương tự Khôi, có giai đoạn, Gia Hân (học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp) rất mê trò chơi điện tử trên điện thoại thông minh. Vẫn câu nói cũ “Mình chỉ chơi một tý rồi ngưng”, nhưng Hân bao giờ cũng bị cám dỗ để việc tương tác trên mạng kéo dài. Thấy vậy, bố của Hân đã cài ứng dụng hạn chế thời gian chơi các trò chơi trên mạng vào điện thoại con gái. Mỗi ngày, Hân chỉ được phép chơi khoảng 30 phút để giải tỏa căng thẳng sau khi làm bài tập hoặc học bài. Ban đầu chưa quen nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Hân đã tập được cho mình thói quen sử dụng công nghệ phù hợp với độ tuổi và biết tìm đến nhiều kênh thông tin bổ ích hơn.
Theo nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, không chỉ trẻ nhỏ và thanh, thiếu niên mới bị cuốn hút vào trò chơi điện tử hay các trang mạng xã hội thịnh hành mà các bậc làm cha mẹ nhiều người cũng sa đà, thậm chí “nghiện”. Điều này cũng dễ hiểu vì khi xây dựng một nền tảng công nghệ nào, đặc biệt là lĩnh vực giải trí, trào lưu, người ta luôn cố ý lập trình một hệ thống “gây nghiện” cho người dùng. Những bộ máy công nghệ cực kỳ thông minh sẽ thiết lập ra các thuật toán quan sát hành vi nên có thể biết người dùng thích gì, hay quan tâm lĩnh vực nào và có cách khiến chúng ta không dứt ra được.
Đâu là giải pháp?
Công nghệ có những lợi thế như giúp cho cuộc sống tiện nghi hơn, thông tin truyền tải nhanh chóng hơn, con người tương tác với nhau dễ dàng hơn… Thế nhưng, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu cứ để trẻ hồn nhiên trong thế giới số, cha mẹ sẽ không lường trước những hậu quả mà con cái có thể gánh chịu.
“Vậy có nên kiểm soát, thậm chí cấm con trẻ sử dụng công nghệ hay không?” là thắc mắc được nhiều phụ huynh đưa ra trong giai đoạn hiện nay. Bà Phương cho rằng, điều cần thiết nhất là giúp trẻ rèn được ý chí độc lập, biết cách bứt ra khỏi hoàn cảnh và sự dẫn dắt của các nội dung trên mạng thông qua việc chọn lọc những kênh tương tác có ích cho bản thân. Đương nhiên, vẫn phải có những kênh giải trí, nhưng nếu trong danh sách cần xem chỉ toàn kênh giải trí không có mục đích thì trẻ rất dễ rơi vào trạng thái trì trệ.
Để có thể dũng cảm bước ra khỏi những thứ gây nghiện trên mạng, đòi hỏi các em học sinh phải có được những thú vui khác như trò chuyện, vui chơi cùng bạn bè, gia đình; tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa... Ngay từ nhỏ, trẻ cần được cha mẹ, thầy cô rèn kỹ năng tự đưa ra quyết định với một vấn đề nào đó. Khi lớn lên, phụ huynh hỗ trợ định hướng thật kỹ để các em đủ khả năng đưa ra tiêu chí chọn lọc những nội dung phù hợp với từng độ tuổi. “Phụ huynh không thể cấm trẻ hoài vì cấm cái này, cái khác sẽ xuất hiện. Là người làm giáo dục tôi thấy rằng, thật ra sự tò mò khao khát tìm hiểu thế giới này của học sinh là vô cùng lớn. Vấn đề là chúng ta phải tận dụng được sự tò mò một cách tự nhiên đó để hướng các con đến với sách, hướng các con đến với công nghệ một cách lành mạnh”, bà Phương cho hay.