Đề phòng thời tiết cực đoan

Cơn bão số 1 suy yếu thành vùng áp thấp khi đi vào đất liền, chuyển hướng lên phía bắc, gây mưa trên một số địa bàn đồng bằng, trung du, miền núi. Trước đó, việc dự báo và thông tin cập nhật về tình hình bão di chuyển, nguy cơ có thể xảy ra đã được các cơ quan chức năng công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rất may là sức tác động của cơn bão lần này đã giảm đi so với dự báo ban đầu và khả năng về thiệt hại kéo theo cũng giảm bớt.
0:00 / 0:00
0:00

Nhưng như vậy không có nghĩa là đã hết những nguy cơ tiềm ẩn. Các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn… cần tiếp tục đưa ra yêu cầu đề phòng, phòng và chống mưa, lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… có thể xuất hiện trong đất liền, nhất là ở vùng đồi núi, trên địa bàn nhiều vùng miền; cũng như những cảnh báo đối với ngư dân và hoạt động đánh bắt cá trên biển, cùng yêu cầu chấp hành nghiêm chỉ đạo, hướng dẫn về việc tránh trú, bảo đảm an toàn.

Những năm gần đây, thời tiết biến đổi ngày càng cực đoan. Tác động của các đợt nắng nóng, một số cơn bão trở nên dữ dội, kéo dài, diễn biến phức tạp. Có những cơn bão được dự báo rất mạnh, khi vào gần bờ suy yếu dần, chuyển thành áp thấp, không gây thiệt hại nhiều cho khu vực ven biển và đồng bằng, nhưng lại gây mưa lớn, kéo dài ở vùng núi, kéo theo lũ, lụt, gây sạt lở đất đá, sức tàn phá rất khủng khiếp, cướp đi sinh mạng người dân và cuốn trôi, vùi lấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất trên nhiều địa bàn. Lại có những đợt bão cũng được dự báo rất kỹ, người dân tích cực ứng phó, nhưng dường như việc chuẩn bị vẫn có những hạn chế nên khi bão vào, giông lốc, mưa lớn vẫn gây ra nhiều hư hỏng, đổ vỡ cho nhà dân, cho tàu thuyền kể cả khi đã về bến. Có khi cơn bão lại xâm nhập trên diện rộng, ở nhiều tỉnh, thành phố ven biển, khiến cho những địa bàn tưởng chừng xa đường bão đi, vẫn phải gánh chịu hậu quả…

Nhìn lại để thấy rằng, với bất kỳ cơn bão nào cũng không thể coi thường, lơ là hay sớm dừng lại trong công việc phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó. Đúng là mỗi cơn bão có thể mạnh hay suy yếu khác nhau, nhưng những tác động dai dẳng vẫn thường diễn ra trong nhiều ngày sau, khiến cho khi lơi tay, thì có khi vẫn bị tác động bất ngờ.

Do đặc thù về địa lý, khí hậu, hằng năm nước ta vẫn phải đối mặt nhiều cơn bão, có khi liên tiếp, liên tục. Nên nếu mỗi khi bão vào và suy yếu, giảm nhẹ thiệt hại, thì sự tỉnh táo và những hành động phòng vệ cụ thể, chặt chẽ vẫn luôn là không thừa. Đó cũng chính là việc tập dượt, nâng cao về sự chuẩn bị, tác phong phản ứng, phối hợp khi tiếp tục đối mặt với những cơn bão sau có thể mạnh hơn, bất thường hơn. Vì vậy, không được chủ quan khi bão suy yếu. Đó cũng chính là quan điểm cần có của mỗi đơn vị chức năng cho đến mỗi hộ gia đình để luôn chủ động ứng phó, phòng ngừa trước những tác hại khôn lường của thiên tai.