Đề phòng nguy cơ hỏa hoạn

Liên tiếp trong những ngày qua, các vụ hỏa hoạn đã để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc, là tiếng chuông cảnh báo chung cho nhiều gia đình, nhiều người sống trong nhà ống, nhà chung cư, nhà tập thể…
0:00 / 0:00
0:00

Mới đây, Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Như vụ cháy ngôi nhà sáu tầng ngày 8/7 tại ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, Hà Nội khiến ba người thiệt mạng. Hay trước đó giữa tháng 5, một vụ cháy khác xảy ra ở phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội khiến bốn người chết, một người bị thương…

Đặc điểm chung của những ngôi nhà bị cháy đó là có ban-công bị bịt kín bằng rào sắt. Có nhà thì bê-tông cốt thép, cầu thang nhỏ, lại để nhiều đồ, chứa nhiều vật dễ cháy nên khi hỏa hoạn xảy ra thì cháy rất nhanh, gây ra đám khói lớn. Tất cả đều không có lối thoát hiểm.

Câu chuyện nhà ở của người dân các đô thị chủ yếu là nhà ống, xây san sát, hay những ngôi nhà chung cư, khu tập thể cũ người dân cơi nới dựng “chuồng cọp” đã trở nên phổ biến. Với vật liệu xây dựng là sắt thép, được gia cố cẩn thận và hàn xì chắc chắn để chống trộm, nên khi hỏa hoạn xảy ra thì người phía trong không tìm được lối thoát, còn lực lượng cứu hộ bên ngoài cũng khó tiếp cận và khi tiếp cận cũng mất rất nhiều thời gian mới có thể phá được những “bức rào” sắt thép.

Mấy năm trước, khi xảy ra những vụ hỏa hoạn gây thương vong mà nguyên nhân được cho là không có lối thoát hiểm khiến người dân bị “mắc kẹt” khi hỏa hoạn xảy ra, ở một số nơi chính quyền địa phương đã vận động người dân chủ động “mở lối thoát hiểm” dự phòng. Khi đó, cũng đã có một số hộ gọi thợ làm sắt thép đến để trổ cửa thoát hiểm ở ban-công, hay tại khu “chuồng cọp”… Thế nhưng việc này vẫn chưa trở thành ý thức chung của tất cả các gia đình. Chỉ khi từng gia đình đặt sự an toàn về phòng cháy, chữa cháy và đặt tình huống nguy nan khi có hỏa hoạn xảy ra, thì việc chủ động thiết kế trong không gian sống của mình những lối thoát hiểm mới được thực hiện. Và chỉ có những lối thoát hiểm mới có thể làm giảm tỷ lệ thương vong khi chẳng may hỏa hoạn xảy đến.

Các tổ dân phố, chính quyền địa phương cần thường xuyên tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy. Cần có những buổi sinh hoạt, “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để nhắc nhở vận động người dân chủ động xây dựng lối thoát hiểm cho gia đình mình. Nhìn rộng ra, cần hình thành thói quen, tư duy xây dựng lối thoát hiểm từ ngay khi bắt đầu xây dựng nhà cửa. Có như vậy, khi hỏa hoạn xảy ra mới giảm đi những thương vong đáng tiếc.