Đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm

Xác định giao thông là huyết mạch, các địa phương khu vực Đông Nam Bộ đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Khi thi công, hoàn thành, các công trình này được kỳ vọng sẽ đưa toàn vùng phát triển bứt phá, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Hạ tầng đường sá các tuyến kết nối vùng Đông Nam Bộ sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ thời gian tới.
Hạ tầng đường sá các tuyến kết nối vùng Đông Nam Bộ sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ thời gian tới.
  1. Từ cầu đường…

Điểm sáng nhất trong việc kết nối hạ tầng Đông Nam Bộ là dự án đường vành đai 3. Hiện TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đang thực hiện các thủ tục để chuẩn bị cho việc khởi công dự án này vào tháng 6 này. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, thành phố và các địa phương đang nắm vững tiến độ đường vành đai 3, sẽ khởi công theo đúng kế hoạch vào tháng 6 này.

Một dự án kết nối vùng quan trọng khác là dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 dài 140km, kết nối TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước đi các tỉnh Tây Nguyên. Tháng 4/2022, tỉnh Bình Dương đã khởi công dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ này, đoạn từ giáp ranh TP Hồ Chí Minh đến TP Thủ Dầu Một dài khoảng 12,7km, từ 6 làn xe lên 8 làn xe. Còn về phía TP Hồ Chí Minh, mới đây, Sở Giao thông vận tải thành phố đã đưa dự án mở rộng quốc lộ 13 với chiều dài 5km vào danh mục 34 dự án công trình trọng điểm của ngành giao thông thành phố năm 2023. Dự kiến năm 2024 dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và khởi công công trình vào năm 2025.

Về phía tỉnh Bình Dương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Anh Minh cho biết, ưu tiên lớn nhất của tỉnh năm 2023 là tập trung đẩy nhanh dự án đường vành đai 3, đoạn qua địa bàn và thúc đẩy tiến độ dự án mở rộng quốc lộ 13. Đây là hai dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa liên kết vùng cực kỳ quan trọng, qua đó tạo sức cạnh tranh và dư địa phát triển mới. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cầu Bạch Ðằng 2, nối Bình Dương và Ðồng Nai; dự án nâng cấp, mở rộng đường ÐT.746, đoạn từ ngã ba Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) đến ngã ba Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên); đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và chuẩn bị đầu tư các dự án đường vành đai 4; cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…

Ngoài ra sức đẩy nhanh tiến độ các dự án trên, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản thống nhất xây dựng hàng loạt cây cầu kết nối với TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho rằng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh nằm ở trung tâm Đông Nam Bộ, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Thế nhưng, hiện nay, hạ tầng giao thông kết nối chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của hai địa phương, vì chỉ có cầu Đồng Nai trên tuyến quốc lộ 1 và cầu Long Thành trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Do đó, cầu Đồng Nai 2 sẽ kết nối TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) với huyện Long Thành (Đồng Nai), từ đó, tạo động lực phát triển cho hai địa phương. Cầu Đồng Nai 2 sẽ có quy mô 6 làn xe, đầu tư trong giai đoạn 2026-2030. Cùng với đó, cầu Nhơn Trạch (nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh) và cầu Phước Khánh (nối huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh và huyện Nhơn Trạch) đã được khởi công, sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển mọi mặt của hai tỉnh thời gian tới.

Đối với cầu Cát Lái (thay phà Cát Lái), đây là dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh từ năm 2017. Năm 2019, Thủ tướng đã chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án cầu thay thế phà Cát Lái tại Văn bản 1094/TTg-CN ngày 27/8/2019. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc sớm triển khai cầu thay phà Cát Lái nhằm chia sẻ lưu lượng với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, phục vụ kết nối sân bay và sớm thay thế phà Cát Lái để bảo đảm việc lưu thông được an toàn hơn. Cầu có quy mô 6 làn xe, đầu tư trước năm 2025.

Ở hướng kết nối Đồng Nai với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc triển khai xây dựng dự án cầu Phước An kết nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) qua sông Thị Vải có chiều dài hơn 3,4km, tổng mức đầu tư gần 4.900 tỷ đồng đang được thực hiện khẩn trương. Dự kiến cây cầu này sẽ đưa vào khai thác trong giai đoạn 2021-2025, giúp kết nối giữa tuyến đường liên cảng với hệ thống đường cao tốc trong khu vực.

… đến cao tốc

Để kinh tế - xã hội toàn vùng “cất cánh”, bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh cho rằng, hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ chưa tăng kịp theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, gây ùn tắc giao thông, nhất là chung quanh khu vực cảng, làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp logistics, giảm năng lực cạnh tranh của ngành. Vậy nên, bà Đặng Minh Phương kiến nghị, chính quyền các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ cần có các giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng đã, đang và sẽ làm nhằm sớm đưa vào vận hành hệ thống đường cao tốc, đường trên cao, kết hợp xây dựng đường thủy nội địa với xây dựng bến bãi, cụm cảng nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí vận hành cho ngành.

Bàn về các dự án đường cao tốc sẽ triển khai sắp tới, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã kiến nghị Bình Phước thống nhất về phương án đầu tư đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn hai tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 1, đoạn từ cầu Khánh Vân đến tỉnh Bình Phước dài 45,6km, với tổng mức đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP; dự kiến hoàn thành năm 2026. Giai đoạn 2, nâng cấp từ 4 làn lên 6 làn xe, thực hiện một số giải pháp kỹ thuật như xây cầu vượt, hầm chui, đường nhánh.

Về phía tỉnh Bình Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho hay, cơ bản đồng ý với kiến nghị của Bình Dương. Thời gian tới, UBND tỉnh Bình Phước sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và HĐND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua tỉnh Bình Phước dài 7km.

Đối với TP Hồ Chí Minh, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thông tin, thành phố sẽ phối hợp với các địa phương để triển khai tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đồng thời, thành phố đang làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về việc mở rộng các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành, để tăng kết nối vùng.

Tại tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, từ nay đến năm 2030 tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng như sân bay quốc tế Long Thành, trong đó có các tuyến cao tốc kết nối vùng như các cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương… Các dự án này nếu sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế cho Đồng Nai và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Trong khi đó, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã lên kế hoạch tập trung chủ yếu vào phát triển hệ thống giao thông kết nối. Trong đó, về đường bộ sẽ khởi công tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong năm 2023 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.

Một tín hiệu vui cho các tuyến cao tốc phía nam là mới đây, ngày 13/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã có chuyến thị sát dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua TP Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng đánh giá dự án đã ngưng trệ trong thời gian rất dài, gần bốn năm. Phó Thủ tướng yêu cầu Tư vấn trưởng của dự án rà soát lại từng hạng mục, phần nào có thể triển khai được thì phải lập tức thực hiện; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương thực hiện cao tốc Bến Lức – Long Thành, tính đến cơ chế sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư) để làm vốn đối ứng, vốn đầu tư cho dự án. Bộ Giao thông vận tải phải hoàn thành các thủ tục cần thiết để VEC có thể thực hiện đấu thầu các gói thầu còn lại trong thời gian ngắn nhất.

Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành dài gần 58km, đi qua địa bàn tỉnh Long An, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 31.300 tỷ đồng, sử dụng vốn vay và vốn đối ứng. Tuyến đường khởi công giữa năm 2014, dự kiến năm 2018 hoàn thành. Đến năm 2023, dự án mới triển khai được hơn 81% khối lượng công việc.