Đấu tranh với tội phạm buôn bán trái phép chất ma túy (kỳ 3)

Kỳ 3: Chặn đứng dòng chảy từ tứ phía
0:00 / 0:00
0:00
Đối tượng và tang vật vụ án.
Đối tượng và tang vật vụ án.

(Tiếp theo và hết)

Nhận định từ phía cơ quan chức năng cho thấy, tình hình tội phạm về ma túy đang có diễn biến ngày càng phức tạp trên thế giới và trong khu vực. Qua từng năm, số lượng ma túy thu giữ trên toàn cầu tăng khoảng 30%, một số nơi tăng đột biến đến 80% và ngày càng có xu hướng phức tạp, gây ra những hậu quả nặng nề đối với xã hội. Không chỉ đối phó với sự xâm nhập của ma túy từ khu vực tam giác vàng, các đơn vị nghiệp vụ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) đã liên tục phát hiện và chặn đứng các “dòng chảy” của ma túy xâm nhập từ nhiều hướng vào tiêu thụ trong nội địa.

Từ bản ghi nhớ về phòng, chống ma túy tại Lào...

Qua nắm tình hình và thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, C04 phát hiện một đường dây mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam qua địa bàn tỉnh Nghệ An sau đó vận chuyển đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và một số tỉnh phía nam để tiêu thụ. Đối tượng cầm đầu đường dây này là Trần Thị Mậu (53 tuổi) và Nguyễn Sỹ Đức (56 tuổi) cùng trú tại Đô Lương, Nghệ An.

Giúp sức cho Đức và Mậu là gần chục đối tượng cộm cán tại Nghệ An, Hà Nội, Quảng Ninh. Nhiều đối tượng trong đường dây từng có tiền án, tiền sự. Tất cả những đối tượng ấy đều được truyền tai những kinh nghiệm để đối phó với lực lượng công an. Riêng Trần Thị Mậu là đối tượng đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng chức năng nhiều năm. Mậu mặc dù không có công ăn việc làm ổn định nhưng lại có cuộc sống dư dả. Đặc điểm của đối tượng này là máu ăn thua cờ bạc. Thủ đoạn của “bà trùm” được đánh giá là cực kỳ xảo quyệt bởi sự ranh ma có sẵn. Bà trùm luôn điều hành đường dây ma túy từ xa, qua mạng xã hội. Rất khó để có thể tìm được những căn cứ từ đó tiến hành bắt giữ.

Nguồn ma túy được Mậu và Đức đặt mua từ các “ông chủ” bên Lào, sau khi thống nhất số lượng, giá cả, “ông chủ” sẽ thuê người gùi ma túy đi xuyên cắt qua những cánh rừng già hẻo lánh rồi tập kết ở khu vực biên giới thuộc huyện Anh Sơn, Nghệ An giáp Lào. Thời điểm giao ma túy là lúc nửa đêm (khoảng từ 22-24 giờ). Trong quá trình giao hàng, nhiều lớp cảnh giới được dựng lên để đối phó với cơ quan chức năng, sẵn sàng chống lại cơ quan chức năng nếu có “biến”.

Từ những tài liệu ban đầu thu thập được, cơ quan chức năng đã tiến hành xác lập chuyên án mang bí số 0856L để cùng với cơ quan chức năng nước bạn tiến hành đấu tranh phá án. Thực hiện kế hoạch phá án, vào 1 giờ sáng một ngày cuối tháng 11/2021, tại quốc lộ 7 thuộc thị trấn Anh Sơn, Nghệ An, C04 chủ trì phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An phục kích, bắt quả tang ba đối tượng đang vận chuyển trái phép chất ma túy gồm Nguyễn Sỹ Đức, Nguyễn Đình Tuấn, Phạm Thị Loan cùng trú tại Đô Lương, Nghệ An thu giữ 58kg ma túy tổng hợp, 18 bánh heroin.

Sau khi thu giữ được số ma túy trên, 12 tổ công tác đồng loạt thi hành lệnh khám xét khẩn cấp và giữ người trong trường hợp khẩn cấp với 6 đối tượng trong đường dây tại Nghệ An, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh, thu giữ thêm 2 bánh heroin, 6kg ma túy các loại cùng sổ sách giấy tờ tài liệu liên quan việc mua bán trái phép chất ma túy. Ở chuyên án này, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố 9 bị can, thu giữ 64kg ma túy tổng hợp, 20 bánh heroin cùng nhiều vật chứng liên quan.

Chuyên án này được coi là hành động cụ thể hóa ghi nhớ về phòng, chống ma túy của hai quốc gia, được lãnh đạo hai bộ ký tại thủ đô Viêng Chăn, Lào hồi tháng 8/2021.

Tới việc bắt giữ ma túy mang về từ châu Âu

Lợi dụng hoạt động vận chuyển hàng hóa từ các doanh nghiệp logistics, các đối tượng cư trú tại nước ngoài đã cất giấu ma túy vào các loại hàng hóa thông thường như bánh kẹo, mỹ phẩm, quà tặng… sau đó đóng thành các kiện ghi tên người nhận, địa chỉ và số điện thoại “ảo” để dễ bề trốn tránh khi bị cơ quan chức năng truy đuổi, bắt giữ.

Từ công tác điều tra cơ bản, C04 đã phát hiện một đường dây mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy từ Đức về Việt Nam tiêu thụ. Đường dây này do các đối tượng người Việt cư trú tại các nước châu Âu cầm đầu. Xác định đây là đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không, bưu điện có tính chất phức tạp, xuyên quốc gia, C04 đã lập chuyên án 522Q để phối hợp với Công an Đà Nẵng, Quảng Bình, Cục Hải quan Hà Nội, sân bay Nội Bài để tập trung lực lượng đấu tranh, triệt phá.

Ngày 13/5/2022, tại Đà Nẵng, C04 cùng với Công an thành phố Đà Nẵng bắt quả tang Trần Viết Tuyền (17 tuổi) ở Quảng Bình đang nhận kiện hàng có chứa 3 kg ma túy tổng hợp. Mở rộng vụ án, cơ quan chức năng bắt giữ Trần Thanh Quân (29 tuổi) ở Quảng Bình, khám xét khẩn cấp nơi ở của Quân, lực lượng chức năng thu giữ 500 viên ma túy tổng hợp; một súng côn bắn đạn cao-su, 50 viên đạn và nhiều tài liệu liên quan.

Cùng lúc, tại Quảng Bình, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện đối với Nguyễn Viết Hồng Dũng (26 tuổi). Dũng là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, điều hành đường dây. Đối tượng này bị bắt khi vừa bay về từ Đức để trực tiếp chỉ đạo việc nhận hàng, phân phối và tiêu thụ ma túy.

Tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan công an cũng bắt quả tang bốn đối tượng là Tô Thanh Tú (25 tuổi); Phùng Nhật Duy (28 tuổi) Nguyễn Hoàng Minh Tuấn (29 tuổi) và Nguyễn Liao Hùng Trân (28 tuổi) cùng trú tại TP Hồ Chí Minh, thu giữ các kiện hàng chứa 25kg ma túy tổng hợp. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng, cơ quan chức năng thu giữ thêm 3kg ma túy tổng hợp.

Tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án, ngày 27/5/2022, C04 bắt quả tang Trần Nguyên Quỳnh (26 tuổi) ở An Giang đang vận chuyển 2 kiện hàng chứa 16kg ma túy tổng hợp. Đồng thời bắt Nguyễn Văn Hai, còn tên gọi khác là Quân (30 tuổi) ở Nam Định thu giữ 80 gói nước vui; 500 viên thuốc lắc; 100g ketamin. Tiếp đó, ngày 30/5/2022 bắt quả tang Nguyễn Duy Phương, 33 tuổi ở Đồng Tháp đang vận chuyển một kiện hàng chứa 1,9kg ma túy tổng hợp và Nguyễn Tuấn Chương (24 tuổi) ở TP Hồ Chí Minh đang làm nhiệm vụ cảnh giới việc giao nhận ma túy cho Phương. Khám xét nơi ở của Phương thu giữ 200 viên ma túy tổng hợp, một viên đạn, một cân điện tử.

Ban chuyên án mang bí số 522Q đã bắt giữ 11 đối tượng thuộc đường dây tổ chức vận chuyển ma túy từ Đức về Việt Nam tiêu thụ. Tang vật thu giữ hơn 50kg ma túy tổng hợp các loại. Các đối tượng đã thừa nhận hành vi của mình. Vụ việc đang được bàn giao cho cơ quan công an địa phương làm rõ.

Kiên quyết ngăn chặn tội phạm ma túy từ sớm, từ xa

Trao đổi ý kiến với phóng viên về tình hình tội phạm ma túy trong nước trong khi tình hình tội phạm trở nên phức tạp từ phía nước ngoài, Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó trưởng phòng 5 CSĐT tội phạm về ma túy (C04) cho biết: “Chúng ta có đường biên giới trải dài, tiếp giáp với nhiều quốc gia, địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, có nhiều cửa khẩu và hàng trăm đường mòn lối mở nên công tác kiểm soát và ngăn chặn ma túy gặp rất nhiều khó khăn. Ở trong nước, tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp trên tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không, nhất là trên các tuyến biên giới trọng điểm (đặc biệt là khu vực biên giới giáp ranh với Lào và Campuchia)”. Tội phạm ma túy hoạt động hết sức manh động, liều lĩnh và luôn sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” tấn công lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt. Tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có diễn biến khá phức tạp. “Với sự phát triển của khoa học-công nghệ, bây giờ việc sản xuất ma túy tổng hợp trở nên dễ dàng. Chính vì vậy, việc đấu tranh với tội phạm ma túy càng thêm khó khăn”, Thượng tá Thiêm cho biết thêm.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và trực tiếp là sự chỉ đạo từ Bộ Công an, C04 đã chủ động triển khai lực lượng thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chương trình, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh mạnh, quyết liệt với tội phạm ma túy, phòng ngừa ma túy từ sớm, từ xa; trọng tâm là Chỉ thị 36 ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; bản ghi nhớ hợp tác phòng, chống ma túy với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Lãnh đạo của Cục C04 cũng tin tưởng rằng, bằng những phương án, biện pháp nghiệp vụ của Bộ Công an về phòng ngừa đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm sẽ góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, kiên quyết không để nước ta trở thành địa bàn trung chuyển của tội phạm ma túy quốc tế. Những chuyên án được thành lập, những đường dây tội phạm chuyên nghiệp đã dần bị bóc gỡ chính là những lời tuyên chiến đanh thép nhất của lực lượng công an đối với tội phạm buôn bán vận chuyển ma túy. Đó cũng là minh chứng cho quyết tâm “triệt phá cả đường dây - bắt bằng được đối tượng chủ mưu, cầm đầu” nhằm bảo đảm trật tự trị an, trật tự an toàn xã hội.

Đấu tranh với tội phạm buôn bán trái phép chất ma túy (kỳ 2)

Đấu tranh với tội phạm buôn bán trái phép chất ma túy (kỳ 1)