Tại trung tâm khu phố Puerto Madero ở Thủ đô Buenos Aires có đặt tượng đài tưởng niệm nhạc sĩ Astor Piazzolla. Đây là một tác phẩm điêu khắc trừu tượng, mô phỏng nhạc cụ “bandoneón”, hay còn gọi là đàn accordion có phím bấm. Đây là nhạc cụ yêu thích của Astor Piazzolla, nhà soạn nhạc được các vũ công, ca sĩ và nhạc sĩ trên toàn thế giới tưởng nhớ và kính trọng. Các tác phẩm của ông đã cách mạng hóa nhạc tango truyền thống thành một phong cách mới gọi là “nuevo tango” (tạm dịch là “Dòng nhạc tango mới”).
Nhà thơ Horacio Ferrer, người bạn của Piazzolla, đã gọi TP Buenos Aires là “Tangopolis” với hàm ý tango đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong mọi mặt đời sống và văn hóa nơi đây. Các chuyên gia nghiên cứu lịch sử nhạc tango đều nhất trí rằng, nguồn gốc nguyên thủy dòng nhạc này xuất phát từ vùng ngoại ô ven sông và các khu vực của tầng lớp lao động vào thập niên 90 thế kỷ 18. Ngoài ra, ông Ángel Villoldo - một người Argentina gốc Phi, được mệnh danh là “cha đẻ của điệu tango”, đã biểu diễn những bản nhạc tango đầu tiên trong các phòng bar tại Buenos Aires vào thập niên đầu tiên của thế kỷ 20.
Tango đã vượt qua biên giới Argentina và phát triển ở châu Âu, trải qua một thời kỳ tiến hóa rực rỡ cùng những tên tuổi như nhạc sĩ Aníbal Troilo, nghệ sĩ dương cầm Osvaldo Pugliese và các nữ danh ca như Azucena Maizani, Ada Falcón, Rosita Quiroga… Tuy nhiên, Piazzolla đã trở nên nổi bật trong số đó khi chọn một hướng đi khác. Ông tạo ra dòng nhạc tango mới với âm hưởng nhạc jazz và những nét chấm phá tân cổ điển. Lấy cảm hứng từ Vivaldi, ông đã viết một tác phẩm mới cho thành phố Buenos Aires và một vở opera nhỏ tên là “María de Buenos Aires”.
Những tác phẩm tuyệt vời như “Milonga del Angel”, “Escualo” hay “Vuelvo al Sur” của Piazzolla gợi lên một TP Buenos Aires đầy mộng tưởng, hòa hợp văn hóa của quá khứ và hiện tại. Đáng tiếc là, “cuộc cách mạng” tango đi trước thời đại khiến Piazzolla không được đón nhận nồng nhiệt khi đó. Tuy nhiên, ông vẫn dành cả đời cống hiến không mệt mỏi để mở rộng và nâng tầm âm nhạc ở quê hương mình. “Piazzolla là người đã đưa nhạc tango từ các phòng khiêu vũ đến sân khấu hòa nhạc. Ông ấy là một nhà soạn nhạc thiên tài ở tầm vóc quốc tế. Tuy nhiên, âm nhạc thời ấy ở Buenos Aires vẫn còn bảo thủ nên phải chờ sau khi tới châu Âu, nhạc của ông mới được công nhận”, nghệ sĩ dương cầm Pablo Ziegler cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2012 với tờ San Diego Union-Tribune (Mỹ).
Khi đến với Buenos Aires trong tuần lễ tưởng niệm Piazzolla, du khách có thể cảm nhận không khí âm nhạc ở mọi nơi, từ việc thưởng thức màn biểu diễn nhạc tango ở trung tâm văn hóa Torquato Tasso, tham gia nhảy hoặc chơi nhạc tango cùng các vũ công, nhạc sĩ đường phố hoặc đi mua đĩa nhạc tango trong cửa hàng đồ lưu niệm của khu Puerto Madero... Vào ngày 5-3, sau hơn một năm đóng cửa vì dịch Covid-19, nhà hát opera Colón cổ kính của Buenos Aires đã mở cửa trở lại với chương trình âm nhạc tưởng niệm Astor Piazzolla kéo dài hai tuần.
Bên cạnh những hoạt động trên phải kể tới cuộc thi âm nhạc quốc tế trực tuyến nhằm tôn vinh âm nhạc và cống hiến của Piazzolla, đồng thời trao thưởng cho các nhạc sĩ biểu diễn hòa nhạc trẻ và tài năng. Cùng với giải thưởng 1.500 USD, người thắng cuộc sẽ được ký hợp đồng với hãng âm nhạc PARMA Recordings (Mỹ), tham gia buổi biểu diễn hòa nhạc với dàn nhạc Philhamonia Athens (Hy Lạp) và dàn nhạc Zagreb Philharmonic (Croatia). Ngoài ra, số tiền thu được từ các buổi biểu diễn trên toàn thế giới sẽ được quyên góp cho các tổ chức từ thiện giáo dục âm nhạc, như tổ chức Playing For Change (PFCF), hiện điều hành 15 chương trình giáo dục âm nhạc tại 11 quốc gia và giúp cho 40.000 người đổi đời, trong đó có tới hơn 3.000 thanh, thiếu niên.