Đào tạo “phi công nông nghiệp”

Một buổi sáng tháng 12 trời Huế trong xanh có nắng nhẹ. Một tốp 15 bạn trẻ đến từ Ấn Độ rảo bước trên sân Trường đại học Nông lâm Huế với vẻ háo hức lạ thường. Hôm nay họ sẽ được tham gia một lớp đào tạo “phi công nông nghiệp” do các chuyên gia đến từ Công ty CP Thiết bị bay Agridrone Việt Nam trực tiếp hướng dẫn.
0:00 / 0:00
0:00
Học làm nông nghiệp kỹ thuật cao là xu hướng được nhiều bạn trẻ đam mê.
Học làm nông nghiệp kỹ thuật cao là xu hướng được nhiều bạn trẻ đam mê.

Làm ruộng bằng công nghệ

“Chào mừng các bạn đến với khóa đào tạo “phi công nông nghiệp”. Hôm nay chúng ta sẽ được học về lý thuyết bay, làm quen một vài loại máy bay nông nghiệp phổ biến ở Việt Nam chúng tôi đang sử dụng. Ngày mai chúng ta sẽ được thực hành bay trên thực địa”, anh Hiếu Huy, người đứng lớp nói bằng tiếng Anh với các bạn trẻ đến từ đất nước tỷ dân đang chăm chú ngồi lắng nghe bên dưới.

Mở đầu buổi học, anh Huy giới thiệu sơ qua về lợi ích mà công nghệ UAV (thiết bị bay không người lái) mang lại trong nông nghiệp. Trước đây thay vì phải thuê hàng chục nhân công để bơm phun thuốc bằng tay trên những cánh đồng rộng lớn thì nay chỉ cần một máy bay nông nghiệp đã có thể làm thay công việc này với chi phí rẻ hơn, rút ngắn thời gian hơn.

“Quan trọng nhất trong khi điều khiển máy bay đó là các bạn phải nắm chắc được các quy định an toàn. Không cất cánh tại khu vực cấm bay hay không được lực lượng quân sự địa phương cho phép, không bay tại khu biên giới, khi cất cánh phải đứng xa máy bay hơn 5 m”, anh Huy nói.

Trong tiết học lý thuyết về máy bay nông nghiệp suốt buổi sáng, anh Huy cứ nhắc đi nhắc lại về an toàn bay cho các bạn học viên. Theo anh Huy, dù là phi công máy bay dân dụng hay máy bay nông nghiệp, kể cả người chơi flycam thì cũng phải thuộc kỹ bộ quy tắc an toàn bay. “Hiện nay nhiều nơi đã công bố thử nghiệm khu vực cấm bay dành cho thiết bị UAV vậy nên chúng ta phải hiểu rõ những quy định này để an toàn cho thiết bị và người dân chung quanh”, anh Huy nói.

Học điều khiển máy bay “bà già”

Sau khi được học sơ bộ về lý thuyết, cả nhóm được anh Huy dẫn ra sân bóng đá mini nằm trong khuôn viên sân Trường đại học Nông lâm Huế. Giữa sân bóng là một chiếc máy bay DJI Agras T30 to như chiếc bàn với 6 cánh quạt và thùng chứa dung dịch phun 30 lít nằm ở giữa bụng.

Anh Lê Đình Khánh (giảng viên thực hành bay và cũng là “phi công nông nghiệp” của Công ty CP Thiết bị bay Agridrone), tận tình hướng dẫn các học viên sơ qua về thiết bị mà anh gọi là “máy bay bà già”.

“Có tên vậy vì chiếc máy bay này đã bay hàng chục nghìn héc-ta để rải phân bón, phun thuốc trên đủ mọi loại địa hình, từ ruộng lúa đến những cánh rừng trập trùng. Đây là một trong những loại máy bay nông nghiệp thông dụng ở Việt Nam, được trang bị hệ thống rada cảm biến hình cầu có thể cảm nhận vật cản từ xa và bay tốt trong nhiều loại thời tiết”, anh Khánh nói.

Giới thiệu sơ qua cho các bạn trẻ, anh Khánh ra hiệu cho mọi người lùi lại vị trí cách máy bay hơn 5 m rồi bật sáng bộ điều khiển, 6 cánh quạt quay vù vù rồi bay vụt lên trời xanh. Sau khi phô diễn các kỹ thuật bay cơ bản, anh Khánh từ từ cho máy bay hạ cánh rồi đưa cần điều khiển cho một bạn trẻ Ấn Độ, ra hiệu hãy “lái thử”.

Cầm chiếc điều khiển chi chít nút bấm trên tay, học viên Nanda khá bối rối. Thấy vậy, anh Khánh liền đến gần chỉ tay vào hai cần gạt rồi ra hiệu cho nam học viên gạt xuống. Sau khi được thầy chỉ bảo, Nanda đã cất cánh được chiếc máy bay trong sự phấn khích của các bạn học.

“Lần đầu tiên tôi được điều khiển một thiết bị bay mạnh mẽ cảm giác thật thích. Sau khi về nước, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu và ứng dụng công nghệ này tại quê hương”, Nanda nói.

Đại diện Công ty CP Thiết bị bay Agridrone Việt Nam cho biết “phi công nông nghiệp” đang dần trở thành một nghề mới, đem lại thu nhập ổn định cho các bạn trẻ. Nhiều nông dân, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có những cánh đồng to rộng đã đầu tư mua máy bay nông nghiệp rồi đăng ký học để điều khiển loại thiết bị bay này.

Hiện, Agridrone Việt Nam thường xuyên phối hợp với nhiều trường đại học trên cả nước mở lớp đào tạo “phi công nông nghiệp” cho các trẻ. Bên cạnh đó, cũng mở các khóa đào tạo kỹ thuật viên sửa chữa, bảo dưỡng máy để phục vụ nhu cầu của thị trường.