Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của EU

Các tập đoàn công nghệ lớn đang gấp rút định hình lại chính sách dịch vụ ở châu Âu để phù hợp với quy định của Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) vừa có hiệu lực. Đây là kết quả của quá trình siết chặt kiểm duyệt nội dung trực tuyến nhằm bảo đảm an ninh mạng, trong bối cảnh kết nối trực tuyến gia tăng nhanh chóng.
0:00 / 0:00
0:00
EU siết chặt kiểm duyệt nội dung trực tuyến và bảo đảm an ninh mạng. Ảnh: GETTY
EU siết chặt kiểm duyệt nội dung trực tuyến và bảo đảm an ninh mạng. Ảnh: GETTY

Siết quy định an ninh mạng

Từ ngày 25/8, luật kiểm duyệt nội dung DSA của Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu có hiệu lực, áp dụng đối với một loạt các công ty công nghệ, công cụ tìm kiếm, cửa hàng ứng dụng và mạng xã hội lớn ở châu Âu. Đây được xem là một văn bản pháp lý mang tính đột phá nhằm đưa ra các quy định mới bảo đảm những “gã khổng lồ” công nghệ như Facebook hay Google phải áp dụng các biện pháp bắt buộc kiểm duyệt nội dung bất hợp pháp, cũng như ngăn chặn phát tán những nội dung độc hại trên mọi nền tảng trực tuyến của các công ty.

Theo Reuters, trọng tâm của DSA nhằm mục tiêu tạo ra một khung quy định nội dung thống nhất trên toàn EU, mang lại sự rõ ràng và chính xác hơn cho các quy trình kiểm duyệt nội dung trên không gian mạng. Các quy định có thể áp dụng là lệnh cấm quảng cáo có mục tiêu sử dụng thông tin nhạy cảm của người dùng, như xu hướng giới tính đặc biệt, tôn giáo, sắc tộc hoặc chính trị; hạn chế trong việc hướng các quảng cáo có mục tiêu đến đối tượng trẻ; yêu cầu thực hiện nghĩa vụ chia sẻ dữ liệu cần thiết với cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý khi được yêu cầu…

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã nêu đích danh 17 nền tảng trực tuyến lớn và hai công cụ tìm kiếm có lượng truy cập đông đảo nhất, là đối tượng sẽ phải tuân theo DSA. Danh sách này bao gồm các trang mạng xã hội Meta, X (Twitter trước đây), Instagram và TikTok; công cụ tìm kiếm Google và trang bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia; cũng như các thị trường trực tuyến AliExpress, Amazon và Zalando của Alibaba. Cửa hàng ứng dụng Google Play và AppStore của Apple; nền tảng điều hướng kỹ thuật số Google Maps cũng nằm trong danh sách.

“Tóm lại, về cơ bản, tất cả các dịch vụ bạn sử dụng hằng ngày đều thuộc nhóm các ứng dụng được chỉ định. Đó là những dịch vụ có hơn 45 triệu người dùng đang hoạt động ở EU. DSA nhằm bảo đảm lĩnh vực kỹ thuật số nói chung sẽ an toàn hơn và bảo vệ các quyền cơ bản của người sử dụng nền tảng trực tuyến. Chúng tôi hướng đến một môi trường internet an toàn hơn cho mọi người”, ông Thierry Breton - Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU chia sẻ sau khi đạo luật có hiệu lực. Ông cho biết thêm: “Những nền tảng này đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, vì vậy đã đến lúc EU phải đặt ra các quy tắc của riêng mình”.

Chẳng hạn, trước đây người dùng điện thoại iPhone chỉ có thể mua và cài ứng dụng từ cửa hàng của Apple, hay việc nền tảng bán hàng trực tuyến Amazon không cho phép người bán và người mua gửi tin nhắn trực tiếp cho nhau, thì nay những hành vi đó nằm trong khuôn khổ điều chỉnh của DSA. Vào đầu tháng 9, EU thông báo sẽ tiếp tục công bố danh sách các công ty công nghệ biết dịch vụ nào của họ chịu sự chi phối của các quy định về cạnh tranh trong Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), là đạo luật tương tự DSA quy định về hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của EU ảnh 1

Nguồn: DW

Phản ứng của các công ty

Tập đoàn Google mới đây công bố kế hoạch xem xét lại các điều khoản dịch vụ đối với người dùng ở châu Âu. “Gã khổng lồ” công nghệ không chỉ thực hiện các thay đổi mà cho biết sẽ đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực khác nhau để đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của DSA. Hai Phó Chủ tịch Google là bà Laurie Richardson và bà Jennifer Flannery O’Connor thông báo tập đoàn công nghệ này đã tăng tiêu chí minh bạch đối với các quảng cáo, cũng như mở rộng việc tiếp cận dữ liệu cho các nhà nghiên cứu.

Đầu tháng này, hai nền tảng lớn khác là TikTok và Meta (công ty mẹ của Facebook) cũng đã đưa ra các tuyên bố công khai về cách thức sẽ áp dụng các quy tắc của DSA. TikTok cho biết: “Chúng tôi đang giới thiệu một tùy chọn báo cáo bổ sung cho người dùng ở châu Âu, cho phép mọi người báo cáo nội dung mà họ cho là bất hợp pháp, bao gồm cả quảng cáo. Để thực hiện việc này dễ dàng nhất có thể, mọi người sẽ có thể chọn từ danh sách các danh mục như lời nói gây kích động, thù hận, quấy rối hay tội phạm tài chính… Chúng tôi sẽ cung cấp hướng dẫn để giúp mọi người hiểu rõ hơn về từng danh mục”. TikTok còn ra mắt một kho lưu trữ quảng cáo hoàn toàn mới nhằm đáp ứng yêu cầu của DSA.

Meta và công ty con là Instagram đã hoan nghênh các nguyên tắc của DSA bao gồm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và trao quyền cho người dùng. Tập đoàn này đã công bố các biện pháp minh bạch và tùy chọn bổ sung cho người dùng nhằm thực thi các nghĩa vụ mới của công ty theo quy định trong DSA.

Mạng xã hội Pinterest có chức năng chia sẻ ảnh cũng đã cung cấp đường dẫn để người dùng báo cáo nội dung bất hợp pháp theo quy định của EU. Bên cạnh đó, ứng dụng tin nhắn bằng hình ảnh Snapchat đã cho phép người dùng hiện có khả năng kiểm soát nội dung hiển thị, đồng thời cập nhật chính sách quảng cáo, quy trình thông báo và kháng nghị mới của ứng dụng này.

Theo ông Andrea Renda, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) có trụ sở tại Brussels (Bỉ), DSA là văn bản pháp lý mang tính bước ngoặt. “Đây là một thời điểm quan trọng trong lịch sử của internet vì lần đầu tiên, giới chức châu Âu đã siết chặt quy định nhắm vào các bên trung gian trực tuyến là những công ty công nghệ phải thể hiện trách nhiệm lớn hơn đối với người sử dụng mạng”, ông nói.

Mặc dù được giới chức EU hoan nghênh song một số nhà phân tích đã chỉ ra rằng nỗ lực tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp là chưa đủ. Ngoài ra, một số nền tảng nhất định đang hiển thị nội dung độc hại, bao gồm hãng truyền phát phim trực tuyến Netflix, dịch vụ cho thuê nhà online AirBnB hay các trang phim đồi trụy, lại không có trong danh sách.

Nhà nghiên cứu Andrea Renda giải thích: “Chúng tôi cho rằng sẽ còn thấy rất nhiều câu hỏi và nhiều điều chỉnh trong tương lai với danh sách 19 nền tảng hiện nay. DSA đã đưa ra các tiêu chí điều chỉnh bao gồm số lượng người dùng của các nền tảng trên 45 triệu lượt. Nhưng có khả năng Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiếp cận nhiều nền tảng trực tuyến hơn và bổ sung vào danh sách trong những tháng tới, nhằm tìm cách bảo đảm không gian trực tuyến an toàn hơn cho cả trẻ em và người lớn”.

Theo lộ trình, vào đầu năm 2024, giới chức EU sẽ bổ nhiệm các điều phối viên giám sát DSA để bảo đảm thực thi đạo luật có hiệu quả. Theo đó, các “ông lớn” công nghệ, công ty kinh doanh trực tuyến trong diện bị quản chế nếu không tuân thủ đạo luật này có thể phải nộp tiền phạt tương ứng 6% doanh thu toàn cầu của họ. Tòa án cũng có thể đình chỉ các nền tảng nếu từ chối hợp tác.

Ông Renda nói thêm: “Tôi có thể nói rằng internet và các nền tảng sẽ an toàn, công bằng và minh bạch hơn. Đối với doanh nghiệp, cạnh tranh sẽ lành mạnh hơn. Đồng thời, những quy định tương tự như DSA sẽ được mở rộng ra nhiều nước sau khi áp dụng thành công ở EU, vì vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ hơn cho điều này. Việc thực thi DSA cũng mở ra một kỷ nguyên mới về luật công nghệ, các công ty công nghệ lớn cần chủ động chứng minh họ tuân thủ luật pháp, thay vì nhà quản lý phải chỉ ra lỗi sai của họ như trước đây”.