Cuộc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris

Đã hơn ba năm sau trận hỏa hoạn kinh hoàng thiêu rụi một phần của Nhà thờ Đức Bà ở Paris, các kỹ thuật viên vẫn đang miệt mài trong công cuộc trùng tu, tái thiết công trình kiến trúc mang tính lịch sử quan trọng này của nước Pháp. Họ đang đứng trước áp lực thời gian phải hoàn thành đúng tiến độ với nhiều công việc tỉ mỉ để có thể phục chế các chi tiết kiến trúc phức tạp.
0:00 / 0:00
0:00
Công việc tháo dỡ giàn giáo chung quanh nhà thờ mất nhiều thời gian. Ảnh: AFP
Công việc tháo dỡ giàn giáo chung quanh nhà thờ mất nhiều thời gian. Ảnh: AFP

Mất ba năm cho công tác chuẩn bị phục chế

Vươn lên uy nghi giữa trung tâm lịch sử của Thủ đô Paris, Nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame) được xây dựng từ năm 1163 đến năm 1345, là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của nước Pháp và châu Âu. Vào ngày 15/4/2019, đám cháy dữ dội đã tàn phá một phần nhà thờ. Ở thời điểm xảy ra vụ cháy, người ta đang cải tạo mái và tháp của thánh đường nên đã lắp đặt một hệ thống giàn giáo chung quanh khu vực này từ năm 2018. Theo AFP, ban đầu, khi có báo động cháy, một người bảo vệ đã kiểm tra nhà thờ nhưng không thấy gì khả nghi. Ít lâu sau, đội giám sát đã phát hiện đám cháy và nhanh chóng sơ tán các công nhân và mọi người khỏi nhà thờ.

Tuy nhiên, ngọn lửa đã thiêu hủy hầu như toàn bộ cấu trúc mái của gian giữa nhà thờ. Phần khung mái nhà thờ bằng gỗ, dài hơn 110m, rộng 13m, cao 10m bị hủy hoại và giàn giáo cũng biến dạng. Hàng trăm nhân viên cứu hỏa đã có mặt giải cứu ngọn tháp lúc đó đang chìm trong biển lửa. Phần chóp cao nhất của Notre-Dame đã sụp đổ lúc 7 giờ 56 phút tối, các máy quay truyền hình ghi lại toàn bộ thảm họa và phát trực tiếp trước sự chứng kiến của khán giả thế giới. Vụ cháy đã gây ra thiệt hại đáng kể mà cho đến nay, các nhà điều tra vẫn chưa thể làm rõ nguyên nhân mà chỉ đưa ra các giả thiết do chập điện hoặc tàn thuốc đã gây ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng.

Dù vậy, giới chức Pháp đã nhanh chóng kêu gọi và triển khai dự án lớn nhằm trùng tu Nhà thờ Đức Bà. Theo AP, các khoản quyên góp toàn cầu cho việc tái thiết ước tính vào khoảng 2,7 triệu euro (hơn 2,7 triệu USD) và còn tiếp tục được kêu gọi thêm. Ngoài ra, hơn 50 chuyên gia quốc tế đã tham gia sửa chữa và trùng tu, cùng các cơ quan quản lý của Pháp giám sát công việc này. Bà Barbara Schock-Werner, chuyên gia người Đức tham gia việc trùng tu cho biết: “Bước đầu tiên là bảo đảm xử lý, tháo dỡ những gì còn sót lại sau đám cháy và gia cố một số cấu trúc khác. Chúng tôi thêm vào các cột trụ để giảm áp lực lên những bức tường đã bị cháy trong ngọn lửa nhiều giờ. Giàn giáo khi tu bổ mái đã biến dạng do sức nóng, cần được tháo xuống một cách cẩn thận”.

“Phải mất cả năm đầu tiên cho quá trình chuẩn bị phục chế, bởi luôn có nguy cơ các kết cấu khác nhau trong nhà thờ có thể sụp đổ”, bà Barbara cho biết thêm. Đến nay, tòa nhà vẫn còn rất ẩm ướt và nhiều ngóc ngách còn rất lâu nữa mới khô ráo hoàn toàn. Các chuyên gia cũng phải khử nhiễm chì trước khi có thể tiến hành những công việc khác, khiến cho tiến độ bị chậm lại. Đó là chưa kể, nửa đầu năm 2020 công việc gián đoạn ba tháng do đại dịch Covid-19 bùng phát. Tới tháng 6/2020, nhóm kiến ​​trúc sư trưởng bắt đầu trình bày kế hoạch trùng tu Nhà thờ Đức Bà cho Ủy ban Di sản và Kiến trúc quốc gia Pháp (CNPA). CNPA là hội đồng phụ trách tư vấn xử lý các dự án trùng tu quan trọng ở Pháp. Các kiến trúc sư khẳng định, kế hoạch trùng tu tôn trọng cấu trúc hiện có trước đây của nhà thờ và khôi phục di tích về trạng thái hoàn chỉnh, trả lại diện mạo của nhà thờ như trước khi xảy ra hỏa hoạn vào ngày 15/4/2019.

Cuộc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris ảnh 1

Toàn cảnh bên ngoài nhà thờ đang sửa chữa. Ảnh: AFP

Bộn bề kế hoạch trùng tu

Theo như đề xuất của các kiến trúc sư được CNPA nhất trí thông qua, việc khôi phục nguyên trạng trước đây sẽ bao gồm xây dựng lại ngọn tháp giống với thiết kế được kiến ​​trúc sư Eugène Viollet-le-Duc từng tôn tạo trong thế kỷ 19, kể cả những chi tiết ông đã bổ sung so nguyên gốc từ thế kỷ 13. Nỗ lực xây dựng lại cũng cần sử dụng các vật liệu theo đúng kiến trúc ban đầu, như gỗ để phục dựng mái, các cửa kính mầu trang trí... Các biện pháp trùng tu này sẽ “bảo đảm tính chân thực, hài hòa và mạch lạc của kiệt tác kiến ​​trúc Gothic này”.

AP đưa tin, hơn ba năm sau trận hỏa hoạn kinh hoàng, việc khôi phục chính hiện mới bắt đầu được một phần. Phần lớn các chi tiết kiến trúc và cổ vật trong nhà thờ đã bị phủ dày một lớp bụi chì độc hại. Trong năm 2021, hai hạng mục tái thiết chính đã hoàn thành bao gồm dỡ bỏ toàn bộ giàn giáo bị đốt cháy chung quanh nhà thờ và tháo dỡ, di dời cây đại phong cầm lớn nhất nước Pháp đang đặt bên trong nhà thờ. Cây đàn Grand Organ nổi tiếng của Notre-Dame bao gồm khoảng 8.000 ống sáo khổng lồ liên kết với đàn, một bảng điều khiển với các bàn phím và bàn đạp. Các ống sáo của Grand Organ được mang đi sửa chữa và trải qua quy trình lọc sạch để loại bỏ bụi chì đọng lại sau đám cháy. Công việc phục hồi, lắp ráp lại Grand Organ và điều chỉnh âm thanh đàn dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào tháng 4/2024.

Từ cuối năm 2021, các công việc chuẩn bị trước khi bắt tay vào trùng tu nhà thờ bao gồm hút bụi bên trong nhà thờ, khử chì cho các mái vòm và sửa chữa những hệ thống kỹ thuật bị hư hỏng do hỏa hoạn đã hoàn thành. Năm nay, cơ quan quản lý việc trùng tu của Pháp đã kêu gọi các công ty có chuyên môn về trùng tu di tích lịch sử tham gia đấu thầu sửa chữa các hạng mục, trong đó bao gồm trùng tu nội thất và các tác phẩm nghệ thuật; trùng tu ngọn tháp chính, các hầm và mái trong nhà thờ. Hiện nay, giai đoạn đầu tiên của quá trình phục hồi nội thất đang triển khai tích cực.

Bà Antoine-Marie Préaux, chuyên gia bảo tồn di tích cho biết, hầu hết hoạt động của giai đoạn này diễn ra bên trong nhà thờ, chẳng hạn như làm sạch và phục hồi các bức tranh bích họa, sàn đá cẩm thạch, đồ sắt... Các công việc khác như khôi phục những cửa sổ kính mầu được thực hiện từ các xưởng bên ngoài. “Rất may không có cửa sổ kính mầu nào của Nhà thờ Đức Bà bị phá hủy hoặc hư hại trong hỏa hoạn, nhưng cần được vệ sinh kỹ lưỡng để loại bỏ bụi bẩn và muội than”, bà Antoine nói trong cuộc phỏng vấn với AFP. Ngoài ra, hạng mục được giới nghệ thuật theo dõi là phục hồi các bức tranh trên tường của Notre Dame. Theo đó, 22 bức tranh được chia thành bốn nhóm và giao cho các nhóm thợ phục chế.

Có thể mất một thời gian dài trước khi Nhà thờ Đức Bà trở lại hoàn toàn dáng vẻ ban đầu để đón du khách. Tuy nhiên, theo cam kết của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về hoàn thành kế hoạch để “biểu tượng của nước Pháp” mở cửa vào đầu Olympic mùa xuân năm 2024, mọi công việc đều đang được gấp rút triển khai để bảo đảm thực hiện kế hoạch này.