Cuộc tranh chấp nguồn nước sông Nile

Giới chức ba nước Ethiopia, Sudan và Ai Cập đang tranh luận gay gắt về các biện pháp nhằm giải quyết bất đồng liên quan việc Ethiopia xây dựng đập thủy điện mang tên Đại Phục hưng trên nhánh sông Nile Xanh (cùng Nile Trắng là hai phụ lưu chính của sông Nile). Báo cáo đánh giá tác động và các cơ chế vận hành của đập thủy điện vẫn chưa đạt đồng thuận, khiến “cuộc chiến” sử dụng nguồn nước trên sông Nile thêm phần nóng bỏng.

Đập Đại Phục hưng trên dòng phụ lưu Nile Xanh. Ảnh: DAILY NEWS EGYPT
Đập Đại Phục hưng trên dòng phụ lưu Nile Xanh. Ảnh: DAILY NEWS EGYPT

Phân chia lợi ích

Công trường xây dựng đập thủy điện Đại Phục hưng nằm trên nhánh sông Nile Xanh ở vùng Benishangul-Gumuz của Ethiopia, cách biên giới Ethiopia - Sudan khoảng 40 km. Năm 2011, Ethiopia khởi công xây dựng nhà máy thủy điện này với khả năng sản xuất hơn 6.000 megawatt điện và khi hoàn thành sẽ là nhà máy thủy điện lớn nhất của châu Phi. Dù Ethiopia nhấn mạnh thủy điện Đại Phục hưng rất quan trọng đối với nước này, tuy nhiên dự án đã chịu nhiều ý kiến phản đối của các nước hạ nguồn sông Nile là Ai Cập và Sudan.

Sau nhiều tranh cãi và hàng chục lần nhóm họp, ba nước liên quan đã nhất trí thuê hai công ty tư vấn của Pháp là Atrelia và BRL để đánh giá các tác động của đập Đại Phục hưng xây trên nhánh Nile Xanh đối với các quốc gia vùng hạ lưu. Các công ty này cũng sẽ đưa ra báo cáo sau khi xem xét kỹ càng các yếu tố kỹ thuật và cân bằng yêu cầu của mỗi bên.

Sông Nile là nguồn cung cấp gần như toàn bộ nước cho Ai Cập. Theo một hiệp ước ký kết với Sudan vào năm 1959, Ai Cập tuyên bố hai phần ba dòng chảy sông Nile là do nước này kiểm soát. Các sử gia Hy Lạp cổ đại cũng ví von mảnh đất màu mỡ của Ai Cập là món quà của sông Nile, để thấy được tầm quan trọng của dòng “sông mẹ” đối với quốc gia này.

Các quan chức Ai Cập từng bày tỏ ý định muốn ngừng dự án thủy điện lớn nhất ở châu Phi của Ethiopia. Thống kê cho thấy, lượng nước cung cấp cho mỗi người dân Ai Cập ước tính năm 2016 đã giảm hơn một nửa so năm 1970. LHQ cũng từng đưa ra nhiều cảnh báo về khủng hoảng nước đang diễn ra ở khu vực Bắc Phi. Ai Cập quan ngại rằng việc xây dựng đập sẽ khiến vùng đất hạ nguồn sông Nile trở nên khô cạn. Ngay cả khi không có đập thủy điện, lượng nước chảy về đã không còn đủ để đáp ứng sự gia tăng dân số và duy trì cấp nước cho cây trồng. Từ khi Ethiopia công bố kế hoạch xây dựng đập Đại Phục hưng, giới chức Cairo đã bày tỏ quan ngại nước này sẽ chịu thiệt hại lớn khi nguồn nước sông Nile bị chặn.

Thậm chí, để làm nổi bật tính chất nghiêm trọng của dự án đối với hạ nguồn, giới chức Cairo cho phép truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia cuộc thảo luận về việc xây dựng thủy điện Đại Phục hưng giữa Ai Cập và Ethiopia vào năm 2013, dù lúc đầu chỉ dự định họp riêng cấp chuyên gia. Nước thứ ba là Sudan cũng đứng về phía Ai Cập chống lại việc xây dựng đập cách biên giới nước này không xa.

Song, cục diện “cuộc chiến” đã thay đổi khi gần đây Ethiopia cam kết đập thủy điện sẽ mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho Sudan. Chẳng hạn, trước mắt dự án này sẽ giải quyết vấn đề năng lượng, cho phép Sudan nhận được các hợp đồng cung cấp điện đầy ưu đãi từ Ethiopia. Ngoài ra, theo một báo cáo của Ai Cập, việc ổn định dòng chảy sông Nile thông qua hồ điều hòa của dự án thủy điện Đại Phục hưng cũng góp phần ngăn ngừa lũ lụt và tăng sản lượng nông nghiệp cho Sudan. Vì thế, các biểu hiện gần đây của Sudan cho thấy nước này đã sẵn sàng thỏa hiệp với Ethiopia.

Trước tình hình đó, tháng 3-2016, Cairo đã nhất trí với thỏa thuận hòa giải của Ethiopia. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi, Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn và Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã ký bản tuyên bố cho phép xây dựng đập dựa trên căn cứ là bản báo cáo việc vận hành Đại Phục hưng do các nhà thầu Pháp soạn thảo. Bản báo cáo cho rằng việc xây dựng đập thủy điện cùng một số điều kiện vận hành hồ chứa sẽ không gây thiệt hại đáng kể đối với các nước hạ lưu.

Tính đến đầu năm nay, Ethiopia đã hoàn thành 60% công trình xây dựng đập Đại Phục hưng. Hồ chứa của thủy điện Đại Phục hưng có thể chứa nhiều hơn khối lượng của toàn bộ nhánh sông Nile Xanh, dự kiến cung cấp điện nhiều gấp đôi sản lượng điện hiện nay của toàn bộ Ethiopia và còn thừa cung cấp cho Sudan cũng như các quốc gia láng giềng nếu cần.

Còn nhiều vướng mắc

Đến nay, các cuộc đàm phán ba bên liên quan đánh giá tác động việc xây dựng con đập thủy điện khổng lồ và việc chia sẻ nguồn nước sông Nile vẫn đang được thực hiện nhằm tìm kiếm giải pháp hiệu quả về sử dụng nguồn nước của con sông lớn nhất châu Phi này. Gần đây, các chuyên gia Ai Cập, Sudan, Ethiopia và đại diện đến từ các công ty tư vấn nước ngoài đã thảo luận và báo cáo sơ bộ những ảnh hưởng của đập thủy điện Đại Phục hưng đối với các quốc gia hạ lưu sông Nile.

Cairo khuyến cáo các nghiên cứu cần tập trung vào những mối quan ngại của ba quốc gia, đặc biệt là cơ chế làm đầy nước cho hồ chứa của đập thủy điện. Cairo lo ngại Ethiopia có thể dùng nguồn nước đó để tưới tiêu, trồng trọt và chăn nuôi, qua đó trực tiếp làm giảm nguồn cung nước cho hạ nguồn. Ngoài ra, nước này cũng quan ngại việc xây dựng hồ chứa lớn của đập thủy điện Đại Phục hưng một khi đứng trước yêu cầu đổ đầy nước gấp rút sẽ làm giảm đáng kể lượng cung cấp nước cho Ai Cập và ảnh hưởng công suất của hồ Nasser phía sau đập Aswan thuộc Ai Cập.

Đập Đại Phục hưng mới chỉ là “phép thử” với các kế hoạch xây dựng thêm nhiều con đập khác trên sông Nile mà Ethiopia dự định triển khai. Gần đây, trong cuộc họp cấp bộ trưởng ba nước, Bộ trưởng Thủy lợi Ai Cập đã cho rằng “tình hình hiện nay rất nghiêm trọng” vì ba bên chưa thể thông qua được dự thảo báo cáo sơ bộ về nghiên cứu tác động của đập Đại Phục hưng. Bộ trưởng Tài nguyên Nước, Thủy lợi và Điện lực Sudan cũng nhận định, việc xây dựng cần dựa trên nền tảng của sự hợp tác và phát triển giữa ba nước, cần phải đạt được sự nhất trí đối với các động thái tiếp theo.

Đúng như dự báo từ vài năm trước của các nhà quan sát về tình trạng suy giảm tài nguyên nước có thể đe dọa hòa bình đối với các nước nghèo và kém phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, khi nhiều người nghèo còn phải vật lộn để tiếp cận nguồn nước. Sự khan hiếm nước ở châu Phi đang gây xung đột và cản trở sự phát triển trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường dẫn đến nhiệt độ toàn cầu tăng lên gây ra hạn hán, khô hạn hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Việc tiếp cận nước sạch ngày càng khan hiếm cũng tạo nên gánh nặng và là nhiệm vụ khó khăn cho các cộng đồng dân cư nghèo khó ở châu Phi. Ở nhiều nơi, phụ nữ và trẻ nhỏ thường phải mất hàng giờ đi lấy nước cho gia đình từ những nơi cách xa nhà nhiều km. Nhiều nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận nước đã được triển khai, trong khi các dự án khai thác hoặc can thiệp nguồn tài nguyên nước vẫn tiếp tục được cấp phép.