Gieo lại sức sống từ mất mát
Trên sườn đồi thoai thoải, những mảnh ruộng bậc thang xanh mơn mởn, lúa đang làm đòng tỏa hương sữa thoang thoảng trong gió nhẹ. Nắng vờn lên soi rõ những mái nhà vững chãi ở Phiêng Luông. Chẳng ai nghĩ vùng đất trước đây là đồi trọc, sỏi đá, khô cằn, lúp xúp cây bụi, lại mọc lên một khu tái định cư như hiện tại!
Bà Triệu Thị Máy, dân tộc Dao, năm nay đã 88 tuổi đang cưng nựng hai đứa chắt nhỏ. Nhắc lại ký ức kinh hoàng về vụ sạt lở ở Khên Lền (nơi ở cũ) bà đượm buồn. Ngày 4-7-2009, như mọi ngày, cả nhà đang nghỉ ngơi, bất chợt cả một mảng đồi lớn sụt xuống, vò nát căn nhà trong tích tắc, bà Máy bị hất văng ra bụi chuối nên thoát nạn nhưng vợ chồng con trai bà thì vĩnh viễn rời xa. May sao, hai cháu nhỏ là Triệu Thị Tàn và Triệu Thị Nái đang sang nhà hàng xóm chơi nên thoát chết.
Nỗi đau tưởng như không vượt qua nổi, người thân mất, tài sản chẳng còn gì. Được huyện Pác Nặm đưa về khu tái định cư Phiêng Luông, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, xây nhà mới, bà Máy và hai đứa cháu đã vượt lên được khó khăn, mất mát. Ký ức đau thương nay đã lùi xa. Triệu Thị Nái nay đã là mẹ của hai cháu nhỏ chia sẻ: “Ra khu Phiêng Luông gia đình em được sự hỗ trợ của chính quyền, cán bộ kỹ thuật cầm tay chỉ việc cấy lúa nước nên chỉ với một bung rưỡi ruộng (1.500 m²) nhưng năng suất cao, cả nhà đủ ăn, không thiếu đói”.
Cách đó không xa là căn nhà khang trang của gia đình anh Triệu Tòn Dất. Gia đình anh trước đây ở thôn Khắp Khính, nghèo “kinh niên” vì chỉ có chút ít ruộng nhưng đất xấu, thiếu nước, chỉ làm được một vụ. Nay ở Phiêng Luông, ruộng được cấp, nước sản xuất đủ đầy nên cấy được hai vụ, mỗi vụ thu hơn 20 bao thóc, thoát cảnh thiếu ăn. Ra Phiêng Luông, ở gần chợ trâu, bò Công Bằng, anh Dất có điều kiện phát triển chăn nuôi vỗ béo. Anh khoe: “Tôi vừa bán sáu con bò thu được hơn 50 triệu đồng, sắp tới tôi tiếp tục mua bò gày về vỗ béo rồi bán”.
Chị Nông Thị Hóa, cán bộ chương trình 30a, phụ trách thôn Phiêng Luông chia sẻ: Chúng tôi luôn thường xuyên thăm nắm, trao đổi với trưởng thôn và bà con để tư vấn, hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật. Đồng thời, tích cực triển khai phối hợp với các ngành chức năng để hoàn thành cấp sổ đỏ cho bà con trong thôn.
Trưởng thôn Phiêng Luông Sằm Văn Câu hồ hởi, vẫn còn nhiều khó khăn nhưng so với nơi ở cũ thì cuộc sống ở Phiêng Luông tốt hơn rất nhiều. Ở Phiêng Luông, bà con có ruộng sản xuất, gần chợ để buôn bán, trẻ em gần trường đi học dễ dàng nên không còn tình trạng bỏ học như trước đây. Trạm y tế xã cũng gần đó nên bà con đi khám bệnh dễ dàng, không còn tình trạng ốm đau thì cầu cúng như trước.
Chính quyền “đỡ đầu” dân
Xây dựng được Phiêng Luông như ngày hôm nay, có sự nỗ lực rất lớn của chính quyền huyện Pác Nặm. Năm 2003, huyện cử cán bộ đi khảo sát thực tế, chia ra các nhóm hộ: thiếu vốn, thiếu kiến thức, không ruộng đất, không biết cách làm ăn, từ đó bàn cách giải quyết phù hợp, thiết thực. Có 50 hộ “hội tụ” cả “hai thiếu, hai không”. Huyện quyết định xây dựng một khu tái định cư, đưa các hộ về sinh sống, tạo sinh kế xóa đói, giảm nghèo bền vững. Khu vực Phiêng Luông đồi thấp, thoai thoải, rộng, lại gần trung tâm xã, trường học, trạm y tế, chợ, rất thuận lợi nên được chọn để xây dựng khu tái định cư, sau đó đặt tên là thôn Phiêng Luông.
Thời gian đầu, ruộng bậc thang mới được xẻ đồi khai hoang nên đất cứng, toàn sỏi đá, trồng cây gì cũng khó, nước thì không có. Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện vận động nhân dân các xã ủng hộ, chở phân chuồng đến Phiêng Luông, nhân dân xã Công Bằng giúp dân cày ruộng, hỗ trợ xây dựng kênh dẫn nước về cải tạo đất. Huyện phân công các phòng, ban, cơ quan huyện “đỡ đầu” vài ba hộ; cán bộ nông nghiệp huyện “cắm bản” tại Phiêng Luông cầm tay, chỉ việc hướng dẫn các hộ cấy lúa, trồng ngô. Huyện đầu tư hỗ trợ mua máy cày giúp bà con làm đất nhanh, hiệu quả. Ban đầu, bà con chưa quen cách làm mới, không tin cán bộ trồng lúa, ngô sẽ tốt. Sau một vài vụ, thấy trồng theo cách của cán bộ ngô ra bắp to hơn, lúa trĩu bông hơn, bà con tin tưởng học theo, trở thành nếp sản xuất. Đến giờ canh tác lúa nước đối với đồng bào nơi đây đã trở nên thuần thục.
![]() |
Cán bộ tổ trí thức trẻ 30a xã Công Bằng hướng dẫn người dân Phiêng Luông kiểm tra phòng trừ bệnh hại lúa.
Phiêng Luông giờ là thôn “đặc biệt” vì có tới sáu dân tộc cùng sinh sống gồm Mông, Dao, Sán Chỉ, Tày, Nùng, Kinh. Bản sắc văn hóa hết sức đa dạng nhưng luôn được giữ gìn, đồng thời có những tiến bộ mới. Bà con duy trì dệt, thêu trang phục dân tộc, ngày lễ, Tết các dân tộc diện những trang phục đẹp nhất hòa mình trong những điệu múa khèn của dân tộc Mông, hát lượn (sình cộ) của dân tộc Sán Chỉ… Ở thôn không còn tình trạng thách cưới bạc trắng, lợn to hay đám tang để kéo dài quá hai ngày. Tình đoàn kết trong thôn giữ vững.
Cuộc sống mới ở Phiêng Luông đã tốt hơn nơi ở cũ rất nhiều, không còn hộ thiếu đói nhưng vẫn còn hơn 30 hộ nghèo. Nhận thấy nếu chỉ trồng ngô, lúa thì chặng đường thoát nghèo vẫn lắm gian nan nên xã Công Bằng quyết định hỗ trợ bà con hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Phó Chủ tịch UBND xã Dương Thanh Trầm chia sẻ: Từ nguồn kinh phí chương trình 30a, 135, xã quyết định hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo trong thôn 15 triệu đồng, hộ cận nghèo 12 triệu đồng thông qua các nội dung tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ thức ăn gia súc… Xã hướng dẫn bà con phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng nuôi nhốt, vỗ béo vì ở xã có chợ trâu, bò Công Bằng là điểm mua bán lớn của tỉnh.
Rời Phiêng Luông khi chiều xế bóng, tiếng trẻ em í ới gọi nhau ra sân chơi, trên cánh đồng thấp thoáng bóng người thăm lúa… thấy Phiêng Luông đã vượt khó. Vẫn còn đó lắm gian nan, vất vả nhưng tin rằng với sự hỗ trợ kịp thời và gắng sức của bà con, cùng tình đoàn kết bền chặt, cuộc sống ở Phiêng Luông sẽ ngày càng đổi mới.