Cuộc khủng hoảng hàng hải trên Biển Đỏ

Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu hàng đi qua vịnh Aden và Biển Đỏ - tuyến đường bắt buộc đối với tàu bè đi qua kênh đào Suez, đang gây áp lực lên ngành vận tải biển quốc tế. Không chỉ dấy lên nguy cơ xung đột lan rộng trong khu vực, bất ổn an ninh cũng đe dọa làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hãng vận tải phải chuyển hướng hải trình dù tốn thêm nhiều chi phí. Ảnh: SHIPPINGWATCH
Nhiều hãng vận tải phải chuyển hướng hải trình dù tốn thêm nhiều chi phí. Ảnh: SHIPPINGWATCH

Tuyến đường biển quan trọng

Theo Britanica, Biển Đỏ là vùng vịnh thuộc Ấn Độ Dương, nằm giữa châu Á và châu Phi. Vùng biển này tiếp giáp vịnh Aqaba (Jordan), vịnh Sinai và vịnh Suez, nơi có kênh đào Suez (Ai Cập) về phía bắc; phía nam nối với vịnh Aden và từ đó nối với Biển Arab. Về vị trí địa lý, Biển Đỏ ngăn cách bờ biển của Ai Cập, Sudan và Eritrea ở phía tây với bờ biển của Saudi Arabia và Yemen ở phía đông. Diện tích của Biển Đỏ vào khoảng 450.000 km2. Tên của vùng biển này bắt nguồn từ sự thay đổi mầu sắc của dòng nước. Thông thường, nước Biển Đỏ có mầu xanh lam đậm, tuy nhiên do loài tảo nở hoa phát triển nhiều nên khi chết đã biến nước biển ở đây thành mầu nâu đỏ.

Biển Đỏ, hay Hồng Hải, kết nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, đây là một trong những tuyến đường biển có lượng tàu bè qua lại lớn nhất trên thế giới, vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu và châu Á. Nếu một tàu hàng đi từ Ấn Độ Dương, thông qua vịnh Aden để vào Biển Đỏ thì chỉ cần vượt kênh đào Suez, tàu sẽ đến Địa Trung Hải và dễ dàng cập cảng châu Âu. Chính vì địa thế quan trọng mà Biển Đỏ có vai trò chiến lược khi ít nhất 12% giao dịch thương mại hàng hóa thế giới trung chuyển qua vùng biển này.

Song, việc lực lượng Houthi ở Yemen tăng cường tấn công vào các tàu đi qua vịnh Aden và phía nam Biển Đỏ từ tháng 12 năm ngoái đã khiến hành lang thương mại này bị gián đoạn. Lực lượng Houthi đã phóng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) chứa thuốc nổ vào các tàu buôn từ nhiều quốc gia đi qua vùng biển quốc tế này. Những vụ tấn công chủ yếu ảnh hưởng những chuyến tàu giữa châu Á và châu Âu, buộc hầu hết tàu chở hàng lớn phải chuyển hướng từ kênh đào Suez sang các tuyến đường dài hơn qua mũi Hảo Vọng. Sự thay đổi này khiến một chuyến đi thông thường mất 35 ngày kéo dài thêm 14 ngày, khoảng thời gian giữa các chuyến tàu đến cảng châu Âu trở nên lâu hơn.

Các tay súng Houthi thừa nhận thực hiện những vụ tấn công nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ và coi đây là “hành động đoàn kết với người Palestine” trong bối cảnh xung đột ở dải Gaza đã kéo dài sang tháng thứ 4. Thủ lĩnh của lực lượng Houthi, Mohammed Ali Al-Houthi tuyên bố rằng, họ mong muốn sự gián đoạn thương mại sẽ khuyến khích các chính phủ phương Tây gây áp lực buộc Israel phải chấp nhận lệnh ngừng bắn ở Gaza, đồng thời sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel dừng xung đột ở Dải Gaza.

Quan ngại về bất ổn tại Biển Đỏ ảnh hưởng tuyến đường biển thiết yếu. Ngày 18/12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin tuyên bố thành lập chiến dịch “Người bảo vệ thịnh vượng” (OPG), một sáng kiến ​​an ninh đa quốc gia mới dưới sự bảo trợ của Mỹ, tập trung vào bảo đảm an ninh ở phía nam Biển Đỏ và vịnh Aden, yêu cầu các quốc gia tìm cách duy trì nguyên tắc cơ bản của tự do hàng hải và cùng nhau giải quyết thách thức này. Chiến dịch OPG đang tập hợp nhiều quốc gia bao gồm Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, đảo quốc Seychelles và Tây Ban Nha, với mục tiêu bảo đảm tự do hàng hải cho tất cả các nước và tăng cường an ninh trong khu vực.

Ngày 10/1, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết yêu cầu lực lượng Houthi ở Yemen chấm dứt lập tức các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, nhấn mạnh đây là tuyến đường biển quan trọng, thiết yếu cho tự do hàng hải và là hành lang thương mại lớn tạo thuận lợi cho thông thương quốc tế.

Cuộc khủng hoảng hàng hải trên Biển Đỏ ảnh 1

Máy bay trực thăng của Houthi bay sát một tàu chở hàng quốc tế trên Biển Đỏ. Ảnh: REUTERS

Đứt gãy vận tải biển

Ngành vận tải biển được coi là “xương sống” của thương mại quốc tế, nên khi vận tải biển bị đứt gãy ở một vị trí quan trọng lập tức gây ra hỗn loạn cho các nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ. Theo Công ty tư vấn dịch vụ hàng hải Drewry Shipping Consultants có trụ sở tại London (Anh), khách hàng của các công ty vận tải biển đang phải chịu tổn thất lớn trong giai đoạn hỗn loạn này. Trong khi các hãng vận chuyển hàng hóa và linh kiện hầu hết cung cấp mỗi tuần một chuyến dịch vụ trên các tuyến đường phổ biến nhất, việc các linh kiện đến chậm kéo theo dây chuyền sản xuất của nhà máy đình trệ. Nếu tình trạng gián đoạn kéo dài, hàng dự trữ của các nhà bán lẻ có thể sẽ cạn kiệt trong khi các công ty vận chuyển hàng hóa phải chịu các khoản phụ phí, bởi các hãng tàu cố bù đắp chi phí do việc chuyển hướng tuyến đường vận chuyển.

Maersk, một trong những công ty vận tải biển hàng đầu thế giới, là một trong nhiều công ty đã chọn đình chỉ vô thời hạn các chuyến hàng đi qua Biển Đỏ. Vào ngày 14/12/2023, Maersk báo cáo một sự cố liên quan tàu Maersk Gibraltar, đã khiến hãng này tạm dừng tất cả các chuyến đi qua eo biển và chỉ thị cho tàu của mình định tuyến lại qua mũi Hảo Vọng. Khi chiến dịch OPG được triển khai, Maersk đã tiếp tục hành trình qua Biển Đỏ hướng tới kênh đào Suez. Tuy nhiên, OPG đã không thể ngăn chặn cuộc tấn công vào ngày 30/12/2023 của Houthi nhằm vào một tàu hàng của Maersk. Kể từ đó, Maersk một lần nữa chuyển hướng tất cả các tàu đi đến Suez sang mũi Hảo Vọng cho đến khi có thông báo mới.

Đối với các chuyến hành trình Âu-Á, việc chuyển hướng đến mũi Hảo Vọng làm tăng thời gian vận chuyển từ 30 đến 50%. Theo Financial Times, cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ trực tiếp ảnh hưởng tình hình vận chuyển hàng hóa, gây chậm trễ và làm tăng giá cả trong thời gian ngắn. Đối với các quốc gia, chẳng hạn, doanh thu từ kênh đào Suez của Ai Cập đã bị ảnh hưởng do tàu thuyền chuyển hướng. Tính đến ngày 12/1, doanh thu giảm 40% so cùng kỳ năm 2023. Nền kinh tế Ai Cập cũng đang vật lộn với lạm phát gia tăng nhanh chóng, lại thiệt hại một khoản tiền lớn từ thu phí qua kênh đào Suez.

Bên cạnh đó, Ấn Độ có khoảng 80% tổng lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu là thông qua khu vực Biển Đỏ. Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ. Nước này đã tổ chức những cuộc đàm phán với mong muốn bảo vệ hàng xuất khẩu của mình. Tương tự, hàng loạt quốc gia khác cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao và chiến lược ứng phó để bảo vệ lợi ích trên tuyến hàng hải này.

Ông Thibault Denamiel, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi gắn liền với tình hình xung đột ở Trung Đông, do đó khó dự đoán diễn biến trong trung và dài hạn và không loại trừ khả năng kéo dài cả khi xung đột Israel-Hamas đã lắng xuống. Điều này dẫn đến tình trạng chậm trễ và tăng chi phí vận tải, sẽ tiếp tục diễn ra. Khi các công ty vận tải biển bắt đầu lên kế hoạch ứng phó, họ cũng chuẩn bị cho kịch bản một cuộc xung đột kéo dài.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến ngày 22/1, tỷ lệ trung bình các chuyến tàu đi qua Biển Đỏ hằng tuần đã giảm 46% so cùng kỳ năm ngoái. Hải trình qua kênh đào Suez mới ở mức 63% so năm ngoái, trong khi các đoạn qua mũi Hảo Vọng đã tăng 70% so cùng kỳ. Tàu hàng chuyển hướng làm tăng chi phí nhiên liệu và lao động, đồng thời giảm lượng vận chuyển hàng hóa trung bình đến đích.