Cuộc đua phát triển ứng dụng AI

Cuộc đua phát triển các ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày một nóng lên giữa các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Ở cấp độ quốc gia, nhiều chính phủ cũng đang tích cực để đạt được lợi thế đổi mới về AI với niềm tin rằng, công nghệ này sẽ là nền tảng thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tăng năng suất, bảo vệ an ninh quốc gia và góp phần giải quyết các thách thức xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
CEO Microsoft Satya Nadella tại sự kiện giới thiệu công cụ tìm kiếm Bing sử dụng AI. Ảnh: MICROSOFT
CEO Microsoft Satya Nadella tại sự kiện giới thiệu công cụ tìm kiếm Bing sử dụng AI. Ảnh: MICROSOFT

Đột phá trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến

Theo The Conversation, Tập đoàn công nghệ Google sẽ sớm tích hợp AI có khả năng tạo văn bản và các nội dung khác trong các kết quả tìm kiếm của hãng. Alphabet, công ty mẹ của Google, hôm 6/2 công bố chatbot (một chương trình máy tính có khả năng tự động trò chuyện thông qua tin nhắn với người dùng, được xây dựng dựa trên các thuật toán AI) mang tên Bard, với khả năng cung cấp thông tin cập nhật và chất lượng hơn. Phó Chủ tịch cấp cao Google, ông Prabhakar Raghavan cho biết, công nghệ AI mà hãng dự định tích hợp vào các công cụ tìm kiếm sẽ cho phép người dùng tương tác với thông tin theo những cách hoàn toàn mới.

Động thái mới của Google được xem là nhằm khẳng định lại vị thế cạnh tranh trong cuộc đua phát triển trước đối thủ Microsoft, tập đoàn vốn đầu tư hàng tỷ USD vào ứng dụng ChatGPT đang nhận được sự quan tâm lớn từ người dùng internet trên thế giới. Theo nhiều nguồn tin, Microsoft tuyên bố sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT, ngoài khoản đầu tư một tỷ USD trước đó vào công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) này. ChatGPT đã được Microsoft thêm vào phần mềm Teams và dự kiến sẽ sớm xuất hiện trong ứng dụng tạo văn bản Word, cũng như Outlook và PowerPoint.

Không chỉ có ChatGPT, Microsoft còn cải tiến công cụ tìm kiếm Bing mới dựa trên nền tảng AI, được xem là thách thức lớn khi đặt hãng này vào thế đối đầu với Google - công ty đã thống trị lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến trong suốt 20 năm qua. Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Satya Nadella của Microsoft tuyên bố, công cụ tìm kiếm Bing sẽ được tích hợp tiềm năng mạnh mẽ của AI, qua đó mở ra một kỷ nguyên mới cho tìm kiếm trực tuyến. Phát biểu ý kiến tại sự kiện ra mắt bản cập nhật mới, CEO Satya Nadella nêu rõ: Cuộc đua bắt đầu từ hôm nay. Đây là một thời đại mới cho lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến...

Microsoft kỳ vọng, việc cải tiến Bing với các tính năng như ChatGPT sẽ giúp công cụ tìm kiếm này có thể phục vụ người dùng tốt hơn, như đưa ra các câu trả lời soạn sẵn được xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau, thay vì chỉ cung cấp cho người dùng một loạt đường dẫn tới các trang web như trước đó. Giống ChatGPT, bản cập nhật của Bing cũng có thể hỗ trợ người dùng soạn thư điện tử hoặc chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn xin việc. Bing sẽ khiến người dùng tin tưởng hơn khi cung cấp nguồn tài liệu được trích dẫn. Công cụ tìm kiếm này cũng được hứa hẹn sẽ đưa ra các phản hồi với dữ liệu cập nhật hơn so mô hình của ChatGPT.

“Gã khổng lồ” web Baidu của Trung Quốc cũng đã bắt tay vào hành động. Ngày 7/2, tập đoàn Baidu cho biết, sẽ hoàn tất thử nghiệm nội bộ chatbot có tên Ernie Bot vào tháng 3 tới. Tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc tuyên bố lượng dữ liệu mà ứng dụng chatbot do họ phát triển nhiều hơn 50% so các thông số của ChatGPT. Ngày 8/2, tập đoàn Alibaba tuyên bố đang phát triển một ứng dụng tương tự ChatGPT. “Gã khổng lồ” thương mại điện tử của Trung Quốc cho biết thêm, AI là một trong những lĩnh vực trọng tâm kể từ thời điểm hãng thành lập Viện Nghiên cứu Damo Academy năm 2017.

Đối với Google, cuộc đua phát triển ứng dụng dựa trên AI được báo The New York Times mô tả là một cuộc đua để tồn tại. Doanh thu quảng cáo từ kết quả tìm kiếm của Google vốn đóng góp tới ba phần tư trong tổng doanh thu hằng năm của Alphabet, công ty mẹ của Google. Công cụ tìm kiếm của Google hiện nắm giữ 84% thị phần toàn cầu, trong khi thị phần của Bing chỉ đạt khoảng 9% vào năm 2022.

Giới chuyên gia công nghệ bày tỏ lo ngại về những rủi ro liên quan các động thái có phần vội vã của các “ông lớn” công nghệ nhằm củng cố tương lai của các công cụ tìm kiếm dựa trên AI. Họ đặt ra câu hỏi: Nếu như các công ty công nghệ không kiếm được lợi nhuận từ quảng cáo theo những liên kết từ kết quả tìm kiếm trực tuyến, thì nguồn thu mới sẽ đến từ đâu? Liệu các công ty có bảo đảm được việc sẽ không bán thông tin thu thập được từ các tương tác của người dùng với chatbot hay không?

Cạnh tranh ở cấp độ quốc gia

Theo nghiên cứu của nền tảng thông tin đám mây InvestGlass có trụ sở tại Thụy Sĩ, Mỹ hiện giữ vị thế dẫn đầu trong cuộc đua phát triển AI với những “đại gia” công nghệ như Google, Facebook hay Microsoft. Khi cuộc đua thống trị AI ngày càng trở nên khốc liệt hơn trên khắp thế giới, các công ty của Mỹ tích cực khám phá những cơ hội mới để củng cố chỗ đứng trong ngành thông qua việc sáp nhập, mua lại. Mục tiêu của các tập đoàn Mỹ là giữ vị thế tiên phong trong lĩnh vực dự kiến sẽ đạt tới 118 tỷ USD vào năm 2025.

Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc chạy đua AI. Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ hàng tỷ USD để phát triển thế hệ công nghệ AI tiếp theo, từ xe tự hành đến hệ thống nhận diện khuôn mặt. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Alibaba, Baidu và Tencent đều tích cực tham gia vào việc đưa AI của Trung Quốc lên một tầm cao mới.

Các quốc gia khác như Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang có những bước tiến đáng kể trong công nghệ AI. Từ năm 2018, Canada công bố Chiến lược AI với khoản hỗ trợ 125 triệu USD để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển những tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ mới này. Nhật Bản gần đây cũng đã đẩy mạnh cuộc chơi với sáng kiến “Xã hội 5.0” kết hợp các yếu tố AI. Hàn Quốc tuyên bố sẽ trở thành một cường quốc AI thông qua sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân bằng cách phân bổ nguồn ngân sách khổng lồ cho mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực này.

Châu Âu cũng đang bắt đầu đạt được những bước tiến đáng kể khi các quốc gia như Pháp và Đức đầu tư mạnh vào công nghệ AI. Trong những năm gần đây, cả hai quốc gia này đã công bố kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển công nghệ AI. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thực hiện các bước để xây dựng năng lực AI trên toàn lục địa, khởi động sáng kiến ​​“AI cho châu Âu” từ năm 2019, nhằm cung cấp một nền tảng để hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia thành viên. Với nhiều sáng kiến ​​và đầu tư vào phát triển AI, châu Âu đang dần tạo được dấu ấn trong thị trường ngày càng cạnh tranh này.

Các nước đang phát triển dường như đang bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua AI. Oxford Insights, công ty tư vấn cho các tổ chức và chính phủ về các vấn đề liên quan chuyển đổi kỹ thuật số, đã xếp hạng mức độ sẵn sàng của 160 quốc gia trên thế giới khi sử dụng AI trong các dịch vụ công. Mỹ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho AI, tiếp theo là Singapore và Anh. Đáng chú ý, các khu vực có điểm số thấp nhất bao gồm phần lớn các nước đang phát triển tại châu Phi cận Sahara, Mỹ latin và Caribe, cũng như một số quốc gia Trung và Nam Á.

Các nước phát triển có nhiều lợi thế trong việc đạt được tiến bộ nhanh chóng trong cuộc cách mạng AI. Với năng lực kinh tế lớn hơn, các quốc gia giàu có đương nhiên có vị trí tốt nhất để đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các mô hình AI hiện đại. Ngược lại, các nước đang phát triển thường có những vấn đề cấp bách hơn như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, những ưu tiên cần nhiều sự quan tâm hơn bất kỳ khoản đầu tư đáng kể nào vào chuyển đổi kỹ thuật số. Như vậy, AI có thể góp phần nới rộng khoảng cách kỹ thuật số vốn đã tồn tại giữa các nước phát triển và đang phát triển.

The Conversation dẫn một nghiên cứu cho thấy, AI có thể giúp đạt được 79% mục tiêu trong các mục tiêu phát triển bền vững. Thí dụ, AI có thể được sử dụng để đo lường và dự đoán sự hiện diện của ô nhiễm trong nguồn cung cấp nước, từ đó cải thiện các quy trình giám sát chất lượng nước, giúp tăng khả năng tiếp cận nước sạch ở các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, để đạt được giá trị đích thực của AI, sự tham gia bình đẳng vào việc phát triển và ứng dụng công nghệ là điều cần thiết. Bằng cách duy trì một sân chơi bình đẳng về các nguồn lực sẵn có, bảo đảm cơ hội công bằng bất kể vị trí địa lý hay tài chính, với công nghệ mạnh mẽ như AI, nếu hợp tác cùng nhau, các nước trên thế giới có thể định hình một tương lai chung, cùng phát triển.