Cuộc đua khám phá Mặt trăng

Mỹ, Trung Quốc và Nga đang có những động thái tăng tốc nhằm chiếm giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc đua chinh phục Mặt trăng, trong khi Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng tích cực khẳng định vị thế. Một loạt các sứ mệnh đầy tham vọng đang được các nước thúc đẩy khiến cuộc đua khám phá vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất nóng dần lên.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu thăm dò Mặt trăng Danuri của Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP NEWS
Tàu thăm dò Mặt trăng Danuri của Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP NEWS

Khởi động lại cuộc đua

Theo AP, giai đoạn đầu tiên của cuộc đua nghiên cứu Mặt trăng diễn ra trong giai đoạn 1959-1976, vốn là một phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh chinh phục không gian giữa Liên Xô (trước đây) và Mỹ. Trong cuộc đua lên Mặt trăng đầu tiên này, Liên Xô giành được ưu thế trong nghiên cứu các trạm tự động, trong khi Mỹ là nước đi đầu trong các chuyến bay có người lái. Tuy nhiên, kể từ năm 1976, cuộc đua phóng các tàu thăm dò lên bề mặt Mặt trăng tạm lắng, số lượng vệ tinh được đưa lên quỹ đạo Mặt trăng cũng không nhiều.

Vào đầu thế kỷ 21, việc phát hiện trữ lượng nước trong các miệng núi lửa tại vùng tối của Mặt trăng đã hâm nóng cuộc đua khám phá vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất. Trong những năm 2000, số lượng phương tiện được phóng lên quỹ đạo quanh Mặt trăng ngày càng tăng. Mỹ, Trung Quốc và Nga tiếp tục cạnh tranh vị thế dẫn đầu, trong khi Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc tích cực tăng tốc trong cuộc đua chinh phục “chị Hằng”.

Ngày 14/12/2013, tàu Hằng Nga 3 của Trung Quốc trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh xuống Mặt trăng sau 37 năm kể từ khi tàu Luna-24 của Liên Xô đáp xuống Mặt trăng năm 1976. Sứ mệnh của Hằng Nga 3 nằm trong giai đoạn hai của chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc, bao gồm bay quanh, hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng và quay trở lại Trái đất. Năm 2019, tàu thăm dò Hằng Nga 4 đáp xuống vùng tối của Mặt trăng, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thám hiểm khu vực chưa từng được biết tới của Mặt trăng.

Năm 2014, Nga công bố chương trình nghiên cứu mới, trong đó đặt ra mục tiêu đưa các phi hành gia đổ bộ lên Mặt trăng vào năm 2030 và đến giữa thế kỷ này thiết lập được một căn cứ có thể sinh sống được trên hành tinh này. Tàu đổ bộ Luna-25 dự kiến sẽ được phóng lên Mặt trăng trong năm nay, đánh dấu sự trở lại sứ mệnh Mặt trăng đầu tiên của Nga sau hơn 45 năm. Các tàu Luna-26, Luna-27, Luna-28 cũng đã được lên kế hoạch phóng lên Mặt trăng trước năm 2028.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump ký ban hành sắc lệnh về chính sách vũ trụ, khởi động chiến dịch trở lại Mặt trăng của Mỹ. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cùng các công ty vũ trụ thương mại và đối tác quốc tế đang tích cực triển khai chương trình mang tên “Artemis”, với mục tiêu đưa con người trở lại Mặt trăng. Trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến 1972, NASA đã đưa 12 nhà du hành vũ trụ hạ cánh xuống Mặt trăng bằng các tàu Apollo.

NASA đặt tham vọng lớn hơn nhiều vào dự án “Artemis” khi muốn xây dựng được căn cứ trên Mặt trăng, nơi các phi hành gia có thể cư trú và sử dụng như một cửa ngõ để khám phá sâu hơn không gian vũ trụ. Căn cứ Artemis sẽ tạo điều kiện để con người thực hiện các hành trình khám phá chưa từng có trên Mặt trăng, đồng thời hỗ trợ quá trình đổ bộ lên Sao hỏa trong tương lai. Các cuộc thám hiểm Mặt trăng của Mỹ được khởi động trong năm nay, với một đội tàu vũ trụ trở theo robot nhằm thăm dò các trầm tích nước dưới bề mặt của Mặt trăng.

Nỗ lực tìm vị thế

Ngày 5/8 vừa qua, Hàn Quốc đã phóng tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên của nước này trong bối cảnh Seoul đẩy mạnh các chương trình vũ trụ nhằm tham gia vào cuộc đua ngoài không gian. Tàu thăm dò Danuri, theo tiếng Hàn Quốc có nghĩa là “Thưởng trăng”, được phóng lên từ Mỹ bằng tên lửa Falcon 9 do công ty hàng không vũ trụ SpaceX phát triển, dự kiến sẽ tới quỹ đạo của Mặt trăng vào giữa tháng 12 tới trong sứ mệnh nghiên cứu dữ liệu kéo dài một năm. Vụ phóng, nếu thành công, sẽ đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới và là quốc gia thứ tư ở châu Á, sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, có các hoạt động nghiên cứu Mặt trăng từ vũ trụ. Đây là một phần trong chương trình vũ trụ của Hàn Quốc với mục tiêu đưa tàu thăm dò hạ cánh xuống Mặt trăng vào năm 2030.

Theo Nikkei Asia, Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) lên kế hoạch khởi động sứ mệnh Chandrayaan-3 khám phá Mặt trăng vào năm 2023. Tàu quỹ đạo được phóng trong sứ mệnh Chandrayaan-2 sẽ được sử dụng cho Chandrayaan-3. Chandrayaan-3 được xây dựng dựa trên những phát hiện của sứ mệnh Chandrayaan đầu tiên, được phóng vào tháng 10/2008 và tìm thấy dấu hiệu của nước trên bề mặt Mặt trăng. Chandrayaan-3 cũng sẽ được sử dụng để hạ cánh một chiếc tàu thám hiểm ở vùng tối của Mặt trăng. Xe tự hành sẽ gửi hình ảnh từ Mặt trăng về Trái đất, cung cấp thêm dữ liệu về bề mặt của hành tinh này.

Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thúc đẩy kế hoạch đưa một tàu đổ bộ lên Mặt trăng. Space.com cho biết, mục tiêu của nhiệm vụ này là sử dụng hệ thống nhận dạng để thu thập dữ liệu về các miệng núi lửa trên Mặt trăng. Máy bay không người lái sẽ được JAXA sử dụng để chụp ảnh Mặt trăng và thu thập dữ liệu về bụi Mặt trăng, một chất có tính ăn mòn cao đối với con người và máy móc. Nhật Bản cũng đang hướng đến một chương trình hợp tác với Ấn Độ nhằm thám hiểm cực nam Mặt trăng, nơi các nhà khoa học tin rằng, các miệng núi lửa bị che khuất vĩnh viễn có chứa băng.

Xu hướng hợp tác

Một mặt cạnh tranh lẫn nhau, song các nước cũng thúc đẩy hợp tác trong các sứ mệnh chinh phục Mặt trăng. Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967, có sự tham gia của tất cả các bên đóng vai trò quan trọng hiện nay, tuyên bố rằng không gian, bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác, không phải là mục tiêu chiếm hữu của các quốc gia thông qua yêu sách chủ quyền, sử dụng hay chiếm đóng, hoặc qua bất kỳ phương tiện nào khác.

Trong chương trình Artemis, NASA phối hợp với các đối tác quốc tế như Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), JAXA, Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) và Cơ quan Vũ trụ Australia (ASA). Hơn 10 quốc gia đã ký Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu, cam kết tuân thủ các nguyên tắc như minh bạch và tôn trọng các hiệp ước hiện có về sử dụng không gian. Thỏa thuận này vẫn mở cho các đối tác khác.

Trong khi đó, theo EurAsian Times, Trung Quốc và Nga hợp tác chặt chẽ trong dự án xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS), nơi dự kiến đặt các cơ sở nghiên cứu thử nghiệm cho nhiều mục đích khoa học, bao gồm khám phá, quan sát trên Mặt trăng, thí nghiệm nghiên cứu và xác minh công nghệ. Trung Quốc đồng thời bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế trong dự án này.

Việc các nước dành sự quan tâm trở lại đối với Mặt trăng được giới chuyên gia đánh giá là mang ý nghĩa rất quan trọng với ngành nghiên cứu vũ trụ trong thời gian tới. Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao và chuyên gia về không gian vũ trụ tại Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) nói với Nikkei Asia rằng, việc các nhà khoa học phát hiện một lượng lớn băng trên Mặt trăng mở ra kỳ vọng giúp duy trì các hoạt động của con người chung quanh khu vực này. Nước phân hủy thông qua quá trình điện phân thành hydro và oxy, sử dụng làm nhiên liệu tên lửa cho các nhiệm vụ đi tới sao Hỏa và các điểm đến khác bên trong hệ mặt trời.

Sun Kwok, nhà thiên văn học kiêm Giáo sư danh dự tại Trường đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, hoạt động khai thác và các hoạt động thương mại khác liên quan Mặt trăng khó có thể khả thi trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Sun Kwok cho biết, với kỹ thuật hiện tại có thể thiết lập được các trạm cố định trên Mặt trăng nhằm quan sát vũ trụ và nghiên cứu lịch sử của hệ Mặt trời.