Cuộc đua internet vệ tinh

Giải pháp sử dụng vệ tinh đang được xem là sự bổ sung quan trọng bên cạnh dịch vụ cáp quang, nhằm cung cấp internet tới các vùng hẻo lánh trên thế giới. Với tham vọng phủ sóng internet khắp mọi ngóc ngách trên Trái đất, các tập đoàn công nghệ đang tích cực đẩy nhanh các kế hoạch phóng hàng nghìn vệ tinh lên quỹ đạo.

Tỷ phú Elon Musk giới thiệu về vệ tinh internet Starlink. Ảnh: INSIDER
Tỷ phú Elon Musk giới thiệu về vệ tinh internet Starlink. Ảnh: INSIDER

Những nỗ lực đầu tiên

Theo Space Daily, một trong số kế hoạch đầy tham vọng nổi bật nhất trong lĩnh vực internet vệ tinh giai đoạn đầu là Teledesic, do Microsoft tài trợ một phần. Ý tưởng mà dự án Teledesic theo đuổi là tạo ra một “chòm sao vệ tinh” băng thông rộng gồm hàng trăm vệ tinh quỹ đạo thấp, cung cấp khả năng truy cập internet giá rẻ. Dự án tiêu tốn tới chín tỷ USD, tuy nhiên sau đó bị bỏ dở vào năm 2003.

Tháng 9/2003, đánh dấu việc vệ tinh đầu tiên cung cấp internet cho người dùng được phóng thành công lên quỹ đạo bởi Eutelsat. Rạng sáng 28/9/2003, e-BIRD - vệ tinh đầu tiên trên thế giới được thiết kế đặc biệt cho thông tin liên lạc băng thông rộng hai chiều, được phóng lên không gian bằng tên lửa Ariane 5 từ Kourou, Guiana thuộc Pháp. E-BIRD khi đó được Eutelsat kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào chương trình băng thông rộng của các quốc gia cũng như của toàn châu Âu, trong đó có sáng kiến ​​châu Âu điện tử của Liên minh châu Âu (EU) nhằm cung cấp quyền truy cập internet cho tất cả các trường học và doanh nghiệp tại khu vực. 

Năm 2004, Anik-F2 - vệ tinh viễn thông lớn nhất thời điểm đó, với trọng lượng 5.950kg, đánh dấu sự ra đời của một thế hệ vệ tinh tiếp theo với năng lực và băng thông được cải thiện đáng kể đi vào hoạt động. Anik-F2 là vệ tinh thứ năm được tên lửa của châu Âu phóng đi theo đơn đặt hàng của Telesat, chi nhánh thuộc Công ty Bell Canada đặt tại Otawa. Vệ tinh này có nhiệm vụ bảo đảm mạng internet và các dịch vụ viễn thông kỹ thuật số thông suốt khắp vùng Bắc Mỹ trong thời gian hơn 15 năm.

Các vệ tinh lưu lượng băng thông cao như vệ tinh ViaSat-1 của ViaSat năm 2011 và Sao Mộc của HughesNet năm 2012 đạt được những cải tiến hơn nữa. Các dịch vụ truy cập internet gắn với các vệ tinh này chủ yếu nhắm đến cư dân ở các vùng nông thôn, như một giải pháp thay thế dịch vụ internet truyền thống qua dial-up, ADSL hoặc FSSes.

Năm 2013, bốn vệ tinh đầu tiên của chòm sao vệ tinh O3b được phóng lên quỹ đạo Trái đất tầm trung (MEO), với tham vọng cung cấp quyền truy cập cho ba tỷ người vốn không có internet ổn định vào thời điểm đó. Trong sáu năm tiếp theo, 16 vệ tinh khác đã gia nhập chòm O3b, hiện do SES - nhà cung cấp mạng viễn thông mặt đất và vệ tinh có trụ sở tại Betzdorf (Luxembourg) sở hữu và vận hành. Tháng 9/2017, SES công bố thế hệ tiếp theo của dịch vụ và vệ tinh O3b, được đặt tên là O3b mPOWER.

Kể từ năm 2014 đến nay, ngày càng nhiều công ty công bố các nghiên cứu phát triển internet bằng cách sử dụng các chòm sao vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái đất. Amazon, SpaceX và OneWeb… là những cái tên nổi bật trong cuộc đua internet vệ tinh với kế hoạch phóng hàng nghìn vệ tinh mỗi bên.

Cuộc đua “nóng” trở lại

Liên minh Viễn thông quốc tế thuộc LHQ cho rằng, việc truy cập internet từng được coi là xa xỉ, thì nay đã trở nên quan trọng đối với nhiều người trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, buộc người dân phải ở nhà nhiều hơn và nhiều hoạt động khác chuyển sang hình thức trực tuyến. Giới chuyên gia thậm chí còn dự báo nhu cầu băng thông tăng vọt trên toàn thế giới và “chúng ta sẽ không bao giờ phóng đủ vệ tinh để đáp ứng nhu cầu”. Chính những nhận định như vậy là động lực để các tập đoàn công nghệ củng cố quyết tâm chiếm lĩnh thị trường internet vệ tinh.

Theo AFP, tập đoàn công nghệ Amazon của Mỹ hồi tháng 4 thông báo về một loạt thỏa thuận nhằm triển khai kế hoạch phóng chùm vệ tinh trong một dự án internet vệ tinh mang tên Kuiper, trị giá tới 10 tỷ USD, với tham vọng cung cấp dịch vụ cho người dân trên toàn thế giới, kể cả ở những nơi chưa từng có kết nối internet. Theo hợp đồng phóng vệ tinh thương mại lớn nhất từ trước đến nay, Amazon đặt hàng 83 đợt phóng của các công ty Arianespace, Blue Origin và United Launch Alliance. Các hợp đồng này sẽ giúp Amazon phóng phần lớn trong số 3.236 vệ tinh lên quỹ đạo. Dù chưa đưa ra mức giá cụ thể đối với người tiêu dùng, xong Amazon hứa hẹn sẽ cung cấp dịch vụ ở mức giá hợp lý và dễ tiếp cận cho các thiết bị đầu cuối cũng như các thiết bị phổ biến của hãng này, như thiết bị nhà thông minh Echo, máy đọc sách điện tử Kindle.

Một trong những đối thủ đáng gờm nhất của Amazon trong thị trường internet vệ tinh là Starlink, một dự án của hãng dịch vụ vận tải không gian SpaceX của tỷ phú Elon Musk người Mỹ hiện giàu nhất thế giới. SpaceX bắt đầu phóng những vệ tinh Starlink đầu tiên vào năm 2019. Theo CNBC, tính đến tháng 5/2022, khoảng 2.500 vệ tinh Starlink đã được đưa lên không gian để phục vụ chiến lược phủ sóng internet toàn cầu. Trong một báo cáo gửi tới Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC), SpaceX cho biết, dịch vụ của Starlink đang hoạt động tại 48 tiểu bang của Mỹ và đã có mặt tại 36 quốc gia trên thế giới.

Theo tỷ phú Elon Musk, hơn 400.000 người trên khắp thế giới đã đăng ký dịch vụ internet vệ tinh tốc độ cao từ Starlink. Tỷ phú người Mỹ ước tính, doanh thu từ các vệ tinh internet của Starlink sẽ khoảng 30 tỷ USD vào năm 2025. FCC cũng từng đệ trình hồ sơ lên Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) để bố trí phổ tần cho 30.000 vệ tinh Starlink, nhằm bổ sung cho 12.000 vệ tinh đã được phê duyệt trước đó. 

Đến nay, 428 trong số 648 vệ tinh trong dự án chòm sao vệ tinh OneWeb đã được phóng lên quỹ đạo Trái đất tầng thấp. Chòm sao này được triển khai bởi OneWeb, một công ty có trụ sở tại London (Anh). Năm 2020, OneWeb đệ đơn xin bảo hộ phá sản do những khó khăn tài chính bởi đại dịch Covid-19, nhưng vẫn cam kết duy trì các vệ tinh. Cuối năm 2020, OneWeb được Chính phủ Anh mua lại một phần và thoát khỏi phá sản.

Những rủi ro trên không gian 

Kế hoạch phóng số lượng lớn các vệ tinh lên không gian vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng thiên văn vì lo ngại về ô nhiễm ánh sáng. Các nhà thiên văn cho rằng, số lượng vệ tinh sẽ nhiều hơn các ngôi sao có thể nhìn thấy và độ sáng của chúng ở cả bước sóng quang học và vô tuyến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quan sát khoa học. Liên minh Thiên văn quốc tế (IAU) đã đưa ra tuyên bố chính thức bày tỏ quan ngại về vấn đề này. 

Số lượng lớn vệ tinh có thể tạo ra nguy cơ lâu dài về các mảnh vỡ không gian do hàng nghìn vệ tinh cùng bay trên quỹ đạo gây ra nguy cơ va chạm. Vụ 40 vệ tinh Starlink của SpaceX gặp nạn trong đợt bão mặt trời hồi đầu tháng 2/2022 là lời cảnh báo về những tổn thất lớn có thể xảy ra.

Tờ Daily Mail (Anh) cho biết, các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo, Bắc Kinh cần phát triển khả năng vô hiệu hóa các vệ tinh Starlink của SpaceX do tỷ phú Mỹ Elon Musk điều hành. Nhiệm vụ chính của các vệ tinh là cung cấp dịch vụ internet, song cũng có thể được dùng vào mục đích quân sự. Giới chuyên gia cho rằng, Starlink đã được thử nghiệm cho mục tiêu chiến đấu trong cuộc xung đột tại Ukraine. Thông qua kết nối Starlink, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu có thể tăng khả năng truyền dữ liệu gấp 100 lần. Do đó, theo các nhà khoa học, hệ thống vệ tinh của SpaceX có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia Trung Quốc. Trung Quốc có kế hoạch triển khai khoảng 13.000 vệ tinh internet. Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đề xuất rằng internet vệ tinh nên là một phần của cơ sở hạ tầng mới của quốc gia.

Các nước thuộc EU cũng đã nhất trí cần xây dựng hạ tầng chòm sao vệ tinh độc lập dành cho việc truy cập internet tốc độ cao. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, các nỗ lực chung để xây dựng một chòm sao vệ tinh độc lập với các dự án tiên tiến đang được triển khai như của SpaceX là vấn đề mang tính chủ quyền đối với châu Âu. Theo Tổng thống Pháp, trong tương lai, việc sử dụng internet tốc độ cao trong các lĩnh vực như xe tự lái, dịch vụ khẩn cấp hay vận tải hàng hải sẽ do vệ tinh cung cấp. Nếu EU không xây dựng chòm sao vệ tinh độc lập thì sẽ phải chuyển giao dữ liệu thông qua các quốc gia khác, những nước vốn không chịu sự chi phối của luật pháp châu Âu. Vì vậy, Tổng thống Pháp kêu gọi EU cần hành động khẩn cấp để bắt kịp với các cường quốc trong lĩnh vực này.