Cuộc đua của các “nền kinh tế Metaverse”

Chính quyền Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) vừa công bố khởi động giai đoạn đầu tiên của “Metaverse Seoul” sau khi chạy thử nghiệm. Đây là nền tảng vũ trụ ảo công cộng do chính quyền Seoul phát triển và cũng là thành phố đầu tiên trên thế giới triển khai loại hình dịch vụ này. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng có kế hoạch tương tự nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính công tới người dân cũng như phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả tại Hội nghị Metaverse Dubai. Ảnh: GETTY
Các diễn giả tại Hội nghị Metaverse Dubai. Ảnh: GETTY

Dịch vụ công trên Metaverse

Theo CNN, Thị trưởng Seoul, ông Oh Se-hoon đã đặt mục tiêu vào năm 2026 sẽ xây dựng hoàn thiện môi trường Metaverse cho tất cả các dịch vụ công, bao gồm các dịch vụ về kinh tế, giáo dục, văn hóa và du lịch. Theo kế hoạch, Metaverse Seoul bao gồm ba giai đoạn: Quảng bá ra mắt (2022), mở rộng (2023-2024) và thực hiện (2025-2026). Giới chức cũng đề ra lộ trình cụ thể để tiến đến hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền tảng dịch vụ công “tất cả trong một”, xử lý tất tật các dịch vụ quản trị thành phố.

Văn phòng Thị trưởng Seoul cũng được tái hiện trên Metaverse theo đúng thực tế. Tại đây, người dân có thể gửi các kiến nghị của mình cho nhà chức trách để được tiếp nhận và phản hồi về các chính sách chung. Thông cáo báo chí cho biết, hiện đã có thể truy cập Metaverse Seoul từ các máy tính có cấu hình tương thích. Hãng tin Naver bình luận rằng, việc người dùng internet có thể tham quan 10 điểm du lịch nổi tiếng nhất của Seoul trong thế giới Metaverse là một dịch vụ ấn tượng trong ngành du lịch hiện nay. Thêm vào đó, người dùng có thể đọc và tìm hiểu các thông tin chính sách của Seoul mà không cần đến tận cơ quan hành chính.

Thông qua nền tảng ảo, người dùng còn có thể xin cấp bảy loại giấy tờ hành chính cơ bản, cũng như tham gia phòng trò chuyện trực tuyến về các vấn đề dân sự hoặc tư vấn cho thanh, thiếu niên. Chính quyền Seoul cho biết, nhằm bảo mật thông tin, người dùng sẽ được bảo đảm hồ sơ thông qua một ứng dụng trung gian bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Kinh phí đầu tư cho nền tảng Metaverse Seoul giai đoạn một là vào khoảng 1,6 triệu USD để thử nghiệm năm lĩnh vực: Kinh tế, giáo dục, thuế, hành chính và trao đổi thông tin. Ở giai đoạn thứ hai, dự án sẽ tập trung tiếp cận nhóm người cao tuổi để thúc đẩy thực hiện các thủ tục hành chính công. Thống kê cho thấy, hơn 17% dân số Hàn Quốc ở độ tuổi hơn 65 tính đến hết năm 2022, vì vậy Metaverse có thể giải quyết hạn chế về di chuyển với nhóm đối tượng này.

Giới chức “xứ kim chi” kỳ vọng các dịch vụ hành chính công trên Metaverse đóng vai trò như các cơ quan nhà nước thứ hai giúp tăng hiệu quả phổ biến kiến thức pháp luật và giải thích các chủ đề quan tâm khác nhau của công dân. Không dừng lại ở đó, việc thử nghiệm Metaverse Seoul sẽ cung cấp trải nghiệm cho những cư dân muốn chuyển đến sống và làm việc tại đây. Hiện, đây là một trong những dự án Metaverse hành chính công lớn nhất.

Cuộc đua của các “nền kinh tế Metaverse” ảnh 1

Hình ảnh một khu phố trên Metaverse Seoul. Ảnh: NAVER

Phát triển nền kinh tế Metaverse

Cùng với Hàn Quốc, vào tháng 7/2022, giới chức Dubai (UAE) đã công bố Chiến lược Metaverse Dubai với kỳ vọng đóng góp bốn tỷ USD cho nền kinh tế nước này. Metaverse Dubai mô phỏng không gian thực tế ảo như thành phố Dubai ngoài đời thực và sẽ ưu tiên các hoạt động như y tế, giáo dục và sinh hoạt cộng đồng.

Ông Khalfan Belhoul, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Quỹ Tương lai Dubai (DFF) - Quỹ đầu tư chính của dự án Metaverse Dubai cho biết: “Nhiều chuyên gia toàn cầu đã tiết lộ về tiềm năng chưa được khai thác của Metaverse. Chúng tôi tin rằng, việc chia sẻ kiến ​​thức về các xu hướng trong tương lai cho phép các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tận dụng các cơ hội to lớn do công nghệ tiên tiến mang lại”. Một số lợi thế của việc phát triển dự án trên Metaverse bao gồm khả năng kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân, giúp tối ưu chi phí và cân đối kinh tế bằng cách thành lập các văn phòng ủy thác, chi nhánh hay cơ quan đại diện ở Metaverse…

Theo Al-Jazeera, giới chức Dubai cam kết phát triển nền kinh tế Metaverse sẽ hỗ trợ tạo ra 40.000 việc làm trong lĩnh vực số vào năm 2030, thu hút 1.000 công ty công nghệ đến quốc gia này và đưa Dubai trở thành một trong 10 nền kinh tế đa dạng lớn nhất thế giới. Tại Hội nghị Metaverse Dubai được tổ chức tại Bảo tàng Tương lai vào tháng 9/2022, ông Omar Sultan Al Olama, Bộ trưởng Trí tuệ nhân tạo và kinh tế Kỹ thuật số UAE cho biết, sẽ cho phép định vị Dubai là một trong 10 nền kinh tế Metaverse lớn nhất trong tương lai gần.

“Dubai nhấn mạnh tầm quan trọng theo kịp sự phát triển của công nghệ và sử dụng các ứng dụng mới trong việc hiện thực hóa các tầm nhìn và kế hoạch trong tương lai, cũng như phát triển chính phủ, nền kinh tế, y tế, giáo dục và cộng đồng trên không gian số. Nó cũng cho thấy tác động tích cực của việc sử dụng các công cụ mới giúp tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của mọi người và mở ra những chân trời đầy hứa hẹn trong tương lai”, ông Al Olama nhấn mạnh. Cũng tại hội nghị này, Quỹ đầu tư Metaverse Dubai đã công bố một báo cáo tập trung vào các ứng dụng Metaverse trong các lĩnh vực như kinh doanh, truyền thông, giáo dục, giải trí, chơi game, du lịch và bất động sản.

Báo cáo trên xác định bốn lĩnh vực chính mà chính phủ và các công ty có thể thực hiện để đạt được thành công trên nền tảng kỹ thuật số. Các lĩnh vực được khuyến nghị bao gồm tăng cường hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân; xây dựng luật và quy định liên quan bảo vệ dữ liệu quyền riêng tư và rủi ro an ninh mạng, xác định vai trò và trách nhiệm rõ ràng cho tất cả các bên liên quan; đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến và trao đổi kinh nghiệm. Báo cáo dự đoán Metaverse sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn sự tiến bộ của internet hoặc di động, nhờ vậy các chính phủ và doanh nghiệp cần chủ động tham gia để gặt hái những lợi ích kinh tế - xã hội do Metaverse tạo ra.

Nhờ sự phát triển vũ bão của công nghệ hiện nay, các nền kinh tế đang trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng và toàn diện trong nhiều ngành, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc xây dựng Metaverse Seoul và Metaverse Dubai là những thí dụ điển hình cho sự chuyển đổi số khi các quốc gia này đặt mục tiêu trở thành những nền kinh tế hàng đầu, với tham vọng trở thành hình mẫu trong công nghệ thực tế ảo.

Theo ông Guy Parsonage, trưởng nhóm nghiên cứu Metaverse của công ty tư vấn công nghệ PwC, chiến lược Metaverse Dubai tạo điều kiện cho giới công nghệ nhận được những khoản đầu tư đủ lớn để khám phá các công nghệ mới và tiên tiến, cho phép kết nối liền mạch giữa thế giới thực và ảo, mở ra cơ hội chuyển đổi kỹ thuật số rộng lớn hơn. Việc phát triển các không gian hành chính công và công cộng trên Metaverse cũng hứa hẹn thách thức sự kiểm soát và độc quyền của các nền tảng truyền thông xã hội ngày nay, đồng thời có khả năng cung cấp cho hàng tỷ người dùng internet những trải nghiệm phong phú hơn từ giáo dục nâng cao đến các buổi biểu diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới…