Trận chiến khốc liệt
Ngày 6-6-1944, hàng nghìn xe tăng, máy bay, tàu chiến của phe Đồng minh, cùng khoảng 156.000 binh sĩ đến từ hơn 10 quốc gia, đông nhất là quân Mỹ, Anh và Canada, đã mở đợt tiến công vào Normandy (Pháp). Mục tiêu của chiến dịch là giải phóng nước Pháp, đặt nền móng cho mặt trận phía tây chống phát-xít, tiến tới giải phóng toàn bộ châu Âu khỏi sự chiếm đóng của quân đội Đức Quốc xã. Nhắc đến cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử nhân loại này, người ta thường gặp các tên gọi khác nhau, như “Overlord” (Lãnh chúa), “Neptune” (sao Hải vương) hay “Trận chiến Normandy”. Thực tế, giữa các tên gọi có sự phân biệt khá rõ, liên quan thời điểm tiến hành các hoạt động quân sự với các mục đích khác nhau trong toàn bộ chiến dịch. Ngày nay, tên gọi “D-Day” thường được sử dụng để nói về chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandy của quân đội Đồng minh.
Phe đồng minh dự định mở màn cuộc đổ bộ ngày 5-6-1944, nhưng do thời tiết bất lợi, chiến dịch phải lùi 24 giờ. Quân đội Mỹ đổ bộ lên hai bãi biển có tên mã sử dụng trong chiến tranh là Utah và Omaha, trong khi quân sĩ Anh, Canada đổ bộ lên các bãi Gold, Sword và Juno. Theo BBC, khoảng 23.000 binh sĩ đổ bộ đường không, hơn 132.000 quân đổ bộ lên các bãi biển. Hải quân chiếm số lượng lớn nhất trong các lực lượng tham gia D-Day. Cụ thể, khoảng 7.000 tàu được huy động, trong đó có 1.213 tàu chiến, 4.127 tàu đổ bộ, cùng hàng trăm tàu hỗ trợ và máy bay đổ quân…
Do Đức Quốc xã tổ chức một hệ thống phòng thủ kiên cố dọc bờ biển, (còn gọi là “Bức tường Đại Tây Dương”) để ngăn chặn cuộc xâm nhập của phe Đồng minh, nên giai đoạn đầu của chiến dịch diễn ra khốc liệt, quân đội Đức Quốc xã chống cự quyết liệt, bắn rơi hàng trăm máy bay, khiến phe Đồng minh thương vong lớn. Tại bãi biển Omaha, thủy triều đã khiến thuyền đổ bộ của phe Đồng minh khó tiếp cận bờ biển, trong khi lực lượng phòng thủ của quân đội Đức Quốc xã mạnh hơn nhiều so dự kiến. Quân đội Mỹ bị thiệt hại nặng nề, hàng nghìn binh sĩ tử trận.
Đến ngày 12-6, quân Đồng minh đã chiếm giữ mặt trận dài 97 km, sâu 24 km tính từ bãi biển. Tuy nhiên, Caen - một trong những mục tiêu chính, vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của quân Đức Quốc xã. Mãi đến ngày 21-7-1944, mục tiêu này mới được giải phóng. Cuối tháng 7, sau khi quân Đồng minh làm chủ thế trận, hàng trăm nghìn binh sĩ được tăng cường, kết hợp với quân kháng chiến của Pháp, đã đẩy quân Đức Quốc xã vào thế bất lợi. Cuối tháng 8-1944, khoảng hai triệu quân Đồng minh đặt chân lên Normandy, cũng là thời điểm chiến dịch đổ bộ kết thúc, và phe Đồng minh bắt đầu tiến công vào sâu trong đất liền.
Chiến dịch khiến cả hai bên thiệt hại nặng nề. Chỉ riêng ngày đầu mở màn chiến dịch D-Day, khoảng 10.000 quân Đồng minh thương vong. Phía quân Đức, chưa có thống kê về thiệt hại trong ngày đầu, song ước tính cũng thương vong với con số tương tự. Theo ABC News, tính chung cả trận đánh Normandy, hơn 226.000 người thuộc phe Đồng minh thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích; hơn 4.100 máy bay và 4.000 xe tăng, thiết giáp bị phá hủy. Phía Đức Quốc xã thiệt hại khoảng 200.000 người, cùng 2.100 máy bay và 2.400 xe thiết giáp bị tiêu diệt. Không chỉ có các chiến binh bị thương vong, mà dân thường Pháp cũng chết nhiều vì bom đạn. Khoảng 15.000 - 20.000 người Pháp thiệt mạng, hàng nghìn người phải bỏ nhà lánh nạn.
Cùng hướng về hòa bình
Cuộc đổ bộ D-Day đã đẩy lùi phát-xít Đức khỏi bờ biển Pháp, tạo ra vị trí tập kết lực lượng và bàn đạp để phe Đồng minh phản công tại Tây Âu, phối hợp với Hồng quân Liên Xô tiêu diệt quân đội Đức Quốc xã. Thất bại ở trận Normandy báo hiệu ngày tàn của Đức Quốc xã. Chưa đầy một năm sau cuộc đổ bộ lịch sử lên bờ biển nước Pháp, Đức Quốc xã bị đánh bại, châu Âu được giải phóng hoàn toàn.
Hôm 6-6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron cùng đông đảo các nhà lãnh đạo của các quốc gia châu Âu có mặt tại bãi biển Normandy để tham dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển ở Normandy. Trong phát biểu của mình, Tổng thống Trump cho biết: “Trên những bãi biển này, những bờ dốc này cách đây 75 năm, hàng nghìn người đã hy sinh. Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ những người đã ngã xuống, chúng ta vinh danh tất cả những ai từng chiến đấu ở Normandy. Họ chiến thắng trận này vì nền văn minh của chúng ta”. Trước đó, ngày 5-6, Tổng thống Trump cùng Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị, Thủ tướng Anh Theresa May, lãnh đạo 14 quốc gia khác, 300 cựu chiến binh từng tham gia cuộc đổ bộ lịch sử và khoảng 60 nghìn người dân dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, diễn ra tại thành phố Portsmouth (Anh).
Theo Reuters, hơn 4.000 nhân viên quân sự đã tham gia các sự kiện kỷ niệm, diễn ra trong hai ngày 5 và 6-6-2019 tại Anh và Pháp. Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định, cuộc đổ bộ Normandy 75 năm trước là một thời khắc lịch sử trong hợp tác quốc tế, đồng thời bày tỏ niềm kính trọng các cựu chiến binh vì sự dũng cảm và hy sinh của họ trên các bãi biển tại Normandy. “Chúng ta nguyện không bao giờ quên món nợ chúng ta đã nợ họ”, Thủ tướng May khẳng định.
Cuộc đổ bộ lên Normandy cũng trở thành nguồn cảm hứng cho các hoạt động xã hội đề cao hòa bình. Trong đó, gây ấn tượng rõ nét phải kể đến ý tưởng của một nhóm gồm 500 nghệ sĩ và tình nguyện viên người Anh, khi tái hiện cảnh tử sĩ nằm trên bãi biển Normandy để kỷ niệm sự kiện thảm khốc năm 1944 nhân Ngày Hòa bình quốc tế. Hàng nghìn hình ảnh in dấu trên cát đã gây ấn tượng mạnh khi người xem đứng trên vách đá nhìn xuống. Mới đây, Tom Rice, cựu binh 97 tuổi người Mỹ, cùng hàng trăm người khác đã đến Normandy (Pháp) để tái hiện chiến dịch nhảy dù trong cuộc đổ bộ lịch sử 75 năm trước trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tham dự một lễ tưởng niệm các binh sĩ hy sinh trong cuộc đổ bộ lên Normandy được tổ chức ở miền nam nước Anh, Thủ tướng Đức Angela Merkel ca ngợi sự hy sinh của hàng chục nghìn binh sĩ trong một chiến dịch quân sự đã đưa nước Đức thoát khỏi hệ tư tưởng độc đoán. “Với tư cách là Thủ tướng Đức, tôi có mặt ở đây và muốn nói rằng, hôm nay, chúng ta sát cánh cùng nhau vì hòa bình và tự do. Đó là một sự nhắc nhở từ lịch sử và phải được chăm sóc, bảo vệ”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.