Lan tỏa yêu thương
Không khí buổi giao lưu giữa TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Quản trị tri thức KMI TP Hồ Chí Minh với học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội) trong những ngày cuối tháng 1 vừa qua rất sôi nổi. Với kiến thức, hiểu biết sâu sắc về tâm lý giáo dục, trải nghiệm học hỏi ở nhiều quốc gia và kinh nghiệm truyền cảm hứng, diễn giả đã giúp các em hiểu đúng giới tính, cách dậy thì thành công, trang bị giá trị sống. Chuyện tưởng khó nói về giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì được chuyển tải hóm hỉnh mà tế nhị; những hiện tượng lệch lạc giới tính cũng được trao đổi cởi mở để các em nhận biết, phòng tránh và cảnh báo không tò mò, đi quá giới hạn tránh hậu quả đáng tiếc. Qua những dẫn chứng, câu chuyện minh họa về nuôi dưỡng đạo đức, vun bồi nhân cách, rèn luyện nghị lực sống, các em dễ dàng tiếp thu và thực hành.
Em Phạm Gia Hân, lớp 8A1 cho biết, thấy dấu hiệu của tuổi dậy thì thường hỏi mẹ, trò chuyện với các bạn và tìm hiểu trên mạng nhưng khi nghe chuyên gia trò chuyện đã giúp em hiểu kỹ hơn về giới tính bản thân, bạn khác giới, biết chăm sóc, vệ sinh thân thể đúng cách. Còn em Nguyễn Khánh Ngân, lớp 8A2 bộc bạch, trước đây bố mẹ cãi nhau chỉ biết đóng cửa phòng và khóc, nhưng từ lúc nghe thầy Tùng nói chuyện, em sẽ học cách rót nước mời bố mẹ để khéo léo hạ hỏa, giữ hòa khí gia đình. Bạn Phạm Nam Phương, lớp 9NK cho biết, từ đây hằng ngày sẽ ôm hôn cha mẹ, không ngại ngùng như trước.
Dạy con đúng cách
Trong cuộc sống hiện đại, không ít đứa trẻ cô đơn trong chính nhà mình bởi bố mẹ thiếu quan tâm hoặc không thật sự hiểu chúng, thậm chí phó mặc dạy con cho nhà trường. Sống khép mình, ít chia sẻ, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng xa cách.
Anh Lê Nam, phụ huynh em Lê Minh Nguyên lớp 7B1 tỏ ra hào hứng, bởi nội dung trò chuyện không chỉ lý thuyết suông mà lồng ghép những thí dụ thực tế, câu chuyện nhân văn minh họa nên dễ cảm nhận và áp dụng, nhìn nhận khách quan từ góc độ tâm lý cả con trẻ và phụ huynh. “Tình cảm gia đình rất thiêng liêng. Mình gần gũi, hiểu con, hành xử chuẩn mực mới dạy con chăm ngoan được”. Chị Bùi Thị Thủy, phụ huynh em Phạm Nam Phong, lớp 7T2 trải lòng sau buổi tọa đàm, rằng chị thấm thía nhiều điều và chiêm nghiệm lại cách dạy con đôi lúc hành xử theo thói quen, thiếu kiên nhẫn.
Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Mai Hương, tâm lý lứa tuổi THCS nhạy cảm và dễ tổn thương, “khủng hoảng”, giữa cha mẹ và con cái dễ xảy ra xung đột. Những buổi giao lưu, trò chuyện giữa chuyên gia với cả phụ huynh và học sinh giúp hai bên có được tiếng nói chung, nhất là đổi mới giáo dục, kết nối giữa phụ huynh, học sinh và nhà trường khăng khít hơn.
Cùng quan điểm, PGS, TS Lê Thanh Hương, nguyên Phó Viện trưởng Tâm lý cho rằng, việc mời các chuyên gia nói chuyện rất cần thiết vì họ có kiến thức chuyên sâu hơn giáo viên và đối tượng trao đổi hướng đến cả học sinh và phụ huynh, nhưng nội dung phải thiết thực, hấp dẫn. Thực tế, có quan niệm về đạo đức trước đây được coi là đúng đắn, bước sang giai đoạn phát triển của xã hội hiện đại đòi hỏi có ứng xử hợp lý hơn. Chưa kể, với lứa tuổi đặc thù này, giáo dục tâm sinh lý và đạo đức phải song hành, cha mẹ rất cần cập nhật cách thức, kỹ năng để theo sát, chỉ bảo con, tránh trường hợp các em bảo nhau hoặc lên mạng tìm hiểu những thông tin không chuẩn xác, độc hại dẫn đến nhận thức và hành vi lệch chuẩn.
Cô Đào Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn chia sẻ, để mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui, nhà trường luôn chú trọng xây dựng môi trường sư phạm đầy ắp tình yêu thương. Không chỉ thông qua các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, trải nghiệm từ đó trui rèn kỹ năng, bồi đắp đạo đức cho học sinh, các thầy cô mong muốn phụ huynh luôn đồng hành cùng con, phối hợp chặt chẽ giáo dục phù hợp, hiệu quả, trang bị cho các em hành trang toàn diện cả tri thức và đạo đức, nhân cách để ngày càng tiến bộ, trưởng thành.