Cung cấp dịch vụ “Lắng nghe”

Nhận thấy ngày càng nhiều bạn trẻ mắc phải các rối loạn về tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đời sống, nhóm 5 sinh viên đến từ Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vừa cùng nhau tạo ra BETTERday - một nền tảng lắng nghe các tâm sự, cung cấp giải pháp hỗ trợ nâng đỡ tinh thần.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên nhóm BETTERday.
Các thành viên nhóm BETTERday.

Hướng tới cộng đồng lành mạnh

Cách đây hai năm, đúng giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Hoàng Anh Tú, trưởng nhóm BETTERday đôi lúc cũng thấy cuộc sống ngột ngạt khi chẳng thể đi đâu, gặp ai hay làm điều mình yêu thích. Nhiều tuần liền tham khảo các thông tin trên nền tảng mạng xã hội, Tú giật mình nhận ra quá nhiều người trẻ cảm thấy chông chênh, thậm chí gửi lời “cầu cứu” vì gặp những áp lực, bất an trong cuộc sống. Trước đó, trong một nghiên cứu khoa học, Tú đã tạo phần mềm dự đoán mức độ trầm cảm của các bạn sinh viên thông qua năm áp lực lớn nhất hiện nay gồm: công việc, tình cảm, học đường, gia đình và áp lực từ chính bản thân. Từ thực tế này, Tú tự hỏi có thể làm gì đó để kết nối những bạn trẻ chông chênh ấy với các chuyên gia tâm lý, các bài tập chữa lành hay mạng lưới nâng đỡ tinh thần? Không đợi lâu, nhóm của Tú quyết định bắt tay ngay vào việc tạo nên BETTERday.

BETTERday được Tú và các thành viên trong nhóm mô tả là nền tảng kết nối giữa người cần tham vấn tâm lý (người muốn chia sẻ) và người lắng nghe (chuyên gia tâm lý, nhân sự thuộc hệ thống cung cấp dịch vụ) thông qua hình thức trực tuyến. Nền tảng sử dụng bộ công cụ tích hợp và kiến thức tâm lý được đào tạo cho người lắng nghe để giúp người cần tham vấn có thể tìm được kênh chia sẻ phù hợp nhất với mình. Ngoài ra, BETTERday còn cung cấp trợ lý ảo (chatbot) và bán các tài nguyên, liệu pháp được tối ưu hóa cho từng người dùng như tương tác hằng ngày và đưa ra lời khuyên từ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ, đồng hành cùng họ trên ứng dụng.

Được thiết kế hoàn toàn bằng tiếng Việt và nhắm vào nhóm khách hàng từ 16 đến 24 tuổi, BETTERday mong muốn tạo được cộng đồng chia sẻ, kết nối để giúp bạn trẻ phòng các rối loạn tâm lý dạng nhẹ cũng như tìm thấy các tín hiệu tích cực chung quanh mình. Hiện tại, nhóm đang chạy thử phiên bản ứng dụng miễn phí để người dùng làm quen. “Nếu cách đây ba, bốn năm mà đưa dự án này vào hoạt động thì sẽ khó khả thi vì mọi người chưa cởi mở với việc chia sẻ các vấn đề tâm lý. Tuy nhiên hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội, mọi người đang hướng đến nguồn tài nguyên nội dung rất nhiều. Họ bắt đầu tích cực hơn và đăng tải các nội dung truyền động lực cho nhau. Em nghĩ đây là cơ hội BETTERday cần tận dụng được để tăng tính xác thực của dự án”, Tú cho hay.

Mong người trẻ đặt lòng tin

BETTERday dự định sẽ đẩy mạnh kết nối trên ít nhất bốn kênh: ứng dụng, trang web, TikTok và Facebook, những “chiếc cầu” dễ kết nối với người trẻ trong giai đoạn hiện nay. Dù đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng chỉ sau gần một tháng đăng tải các video mang nội dung về thông điệp sống tích cực trên kênh TikTok, nhóm đã thu hút hơn 50 nghìn lượt theo dõi và 8.000 lượt yêu thích. Con số này ngày càng tăng khiến các thành viên cảm thấy phấn khởi.

Ưu điểm lớn nhất của BETTERday là tính tiện lợi, chuẩn xác, phù hợp với văn hóa Việt và bảo mật thông tin cực cao. Yếu tố “ẩn danh” sẽ giúp người dùng thoải mái chia sẻ thông tin để nhận về những lời khuyên phù hợp. Nguyễn Quang Diệu, một thành viên khác của BETTERday cho biết, sẽ có ba bước bảo mật cho nền tảng này: “Nhóm bảo mật thông tin người dùng bằng quy trình xác thực danh tính. Ngoài ra, công nghệ mã hóa hai chiều cũng được sử dụng để không ai có thể đọc nội dung cuộc trò chuyện ngoài hai người liên quan trực tiếp. Người dùng còn có quyền lựa chọn cho phép hoặc không đồng ý để hệ thống theo dõi và sử dụng những thông tin mà họ đã cung cấp cho ứng dụng”.

Dương Phan Hiệp My, thành viên nữ duy nhất trong nhóm cho rằng, chính việc BETTERday tập trung vào nhiệm vụ “lắng nghe” thay vì ngay lập tức cung cấp gói giải pháp đã góp phần tạo nên tính thân thiện cho dịch vụ kết nối này. Điều nhóm mong muốn nhất bây giờ là tìm những cộng tác viên chung chí hướng, có kiến thức về tâm lý để cùng thiết kế thêm những nội dung khóa học và các buổi trị liệu nhóm phù hợp với giới trẻ thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ bác sĩ, chuyên gia.