Cùng bà Bên ăn Tết

Hành lý về quê đón Tết của vợ chồng anh Phùng Văn Hưng (người thuê trọ tại phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) năm nay lại tiếp tục có cặp bánh tét do cô chủ nhà Bùi Thị Bên gói tặng. Anh nói, bánh ngon lắm nên không nỡ ăn, để dành đem về Vĩnh Phúc làm quà cho các con. Tính đến Tết này, anh thuê trọ nhà bà Bên xấp xỉ 20 năm, từ xa lạ trở thành thân quen.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Bùi Thị Bên (bên phải) duy trì việc gói bánh tét tặng người nghèo từ nhiều năm nay.
Bà Bùi Thị Bên (bên phải) duy trì việc gói bánh tét tặng người nghèo từ nhiều năm nay.

Gói ghém Tết cho từng người thuê trọ

Bà Bên có ba dãy nhà trọ với gần 50 phòng, tính ra khoảng 100 người sinh sống, chủ yếu là công nhân và sinh viên. Trong đó, vợ chồng anh Hưng là người thuê lâu nhất. Anh Hưng kể, từ ngày dọn vào khu trọ ở đến giờ, chưa bữa nào phiền lòng hay bị o ép. Vợ chồng bà Bên vui vẻ, quan tâm đến từng người thuê trọ, nhất là dịp giáp Tết. Cả chục năm nay, ngoài việc gói bánh tặng người thuê trọ, tặng nhu yếu phẩm và lì xì, bà Bên còn tổ chức tiệc tất niên để mọi người quây quần bên nhau trước khi lên tàu xe về quê sum họp. Tầm đầu tháng Chạp, bà gõ cửa từng nhà hỏi thăm kế hoạch Tết để biết ai về, ai ở lại còn chuẩn bị quà cho kịp. Mọi người trong khu trọ hay bảo nhau: “Thấy cô Bên là biết kiểu gì cũng có quà”.

Trừ thời điểm dịch Covid-19, còn đều đặn mỗi năm, từ sau rằm tháng Chạp, nhà bà Bên lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng nói cười của các chị, các cô đến phụ làm lá, vo đậu nếp, gói bánh. Tết này nghe tin nhiều người thuê trọ về quê sớm, bà Bên dời lịch gói bánh tét để kịp làm quà cho tất cả công nhân, sinh viên thuê trọ. Việc chuẩn bị và gói, nấu gần 300 đòn bánh tét chiếm mất hai ngày liền, vậy mà bà Bên cùng mọi người cứ tay thoăn thoắt, miệng rộn ràng, chẳng biết mệt là gì. Bánh bà Bên gói đẹp và ngon, ai ăn thử cũng khen. Tay gói bánh, mắt nhìn quanh quan sát mọi người làm, lâu lâu bà Bên lại dặn nhớ siết chặt dây, gói nhân đầy đặn, gói cả niềm vui vào đó để gửi tới người nhận.

Ngày bà Bên đến phòng trọ tặng cặp bánh tét vừa nấu xong, vợ chồng anh Hưng cảm ơn rối rít. Gia đình anh vui chẳng phải do quà giá trị lớn mà biết rằng suốt bao năm qua bà Bên luôn yêu thương, quan tâm đến mọi người bằng những điều giản đơn nhưng ấm áp. “Tết năm nào cô cũng tặng người thuê trọ đủ quà rồi bánh trái. Vui nhất là tiệc tất niên, mọi người ngồi lại bên nhau trò chuyện, ăn uống. Năm nay vé xe cao quá, vợ chồng tôi tranh thủ về sớm để tiết kiệm chi phí, tưởng không có quà nhưng vẫn có. Nhận quà Tết miền nam, chắc tụi nhỏ ngoài quê rất thích. Cô tặng quà, chúc Tết rồi, vợ chồng tôi mong mọi điều chúc sớm thành hiện thực”, anh Hưng vui vẻ cho hay.

Năm nay kinh tế eo hẹp, bà Bên gói bánh tét rồi kiếm thêm chút quà, bao lì xì tặng người thuê trọ, nhất là các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tạm ngưng tổ chức tiệc tất niên. Nghe không có tiệc tất niên, cả khu trọ buồn hiu, bà Bên mấy nay cũng hay thở dài. Bà biết, mọi người rất thích bữa tiệc ấm cúng này nhưng sau dịch ngoài xã hội nhiều người cần giúp quá nên bà phải gói ghém để gửi nơi này một ít, nơi kia một ít mới an lòng. “Mọi năm, mấy ngày này là vui lắm. Năm nay phần tụi nhỏ về quê sớm, phần không tổ chức tất niên, khu trọ hơi vắng lặng. Tôi đang gom quà để mấy bữa nữa tặng thêm mỗi phòng một chút cho vui. Mấy cháu không có điều kiện về quê đón Tết thì tôi rủ lên nhà ăn Tết chung. Phòng nào ngại, tôi chuẩn bị vài món đem xuống tặng để ăn ba ngày xuân. Mỗi người một chút thì Tết mới vui”, bà Bên chia sẻ.

Cùng bà Bên ăn Tết ảnh 1

Góc nhà bà Bên những ngày tháng Chạp luôn rộn ràng tiếng cười với các hoạt động gói bánh trao tặng người khó khăn.

Bếp ăn “0 đồng” cho người nghèo

Ngoài kinh doanh khu trọ, bà Bên còn có xưởng bánh nên việc làm ngày làm đêm không xuể. Vậy mà chưa năm nào bà quên tặng quà Tết hay tới hỏi thăm, động viên từng người thuê trọ. Bà nói, mấy chục năm trước khi từ miền bắc vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp, gia đình bà cũng ở trọ và khó khăn. Rồi nhờ sự động viên, tiếp sức của nhiều người mà cuộc sống sau này đủ đầy hơn. Với bà Bên, khi có chút tiền thì chia sẻ, đỡ đần người khó trong cộng đồng là điều nên làm. Bà thấy vui khi được tặng quà, hỗ trợ các em, các cháu trong xóm trọ và nấu bữa cơm ngon, làm quà sáng tặng người nghèo ngoài phố.

Bà Bên nói điều khiến bà hạnh phúc và bền bỉ duy trì hoạt động thiện nguyện suốt nhiều năm qua là luôn có bạn đồng hành. Chồng con động viên, góp tiền góp sức, hàng xóm cứ thấy bà tổ chức chương trình gì cũng chung tay hỗ trợ, mỗi người một việc đến lúc xong xuôi. Cũng vì quý mến tấm lòng của người hàng xóm mà gần 6 năm nay, chị Nguyễn Thị Bích Nhung tích cực cùng bà Bên gói bánh, nấu cơm từ thiện, tổ chức các gian chợ “0 đồng”, tặng áo dài cũ… Hễ bà Bên cần người mà gia đình không quá nhiều việc, chị Nhung đăng ký ngay. Chị Nhung gói bánh tét khéo nên hay được chọn làm “thợ” gói chính mỗi khi triển khai chương trình.

Từ năm 2012 đến nay, bếp ăn “0 đồng” của bà Bên được nỗ lực duy trì theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình. Ban đầu, vào mỗi cuối tuần, gia đình bà Bên nấu ăn miễn phí cho người thuê trọ, nhất là sinh viên nghèo. Mỗi người một tay, chẳng mấy chốc cơm canh nóng hổi sẵn sàng, người tặng người nhận đều thấy an lòng. Mọi thứ dần thành nếp, cứ cuối tuần bếp bà Bên lại trao gửi yêu thương đến khu trọ. Những khu trọ kế bên thấy hoạt động ý nghĩa cũng rủ nhau thực hiện, những bếp ăn lớn nhỏ như thế xuất hiện ngày càng nhiều, bà Bên vui lắm. Bạn bè, thậm chí người lạ ngỏ ý gửi chi phí hỗ trợ, bà Bên lắc đầu. Bà nói, bếp chỉ nhận nhu yếu phẩm, hãy quy tiền thành gạo mắm, thịt cá, gia vị để thay đổi thực đơn.

Nhìn lại hành trình hoạt động của bếp ăn, bà Bên nói, đáng nhớ và áp lực nhất là giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội suốt mấy tháng liền do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Từ cuối tháng 5/2021, khu trọ trống ba phòng do khách thuê trả trước đó để về quê, bà Bên tận dụng không gian làm bếp ăn dã chiến, nấu những suất cơm đầu tiên hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Việc chồng việc, vừa tiếp nhận rau củ quả, lương thực từ mạnh thường quân gửi về, vừa nấu nướng, gói ghém các suất ăn gửi đi, vậy mà bếp có đúng ba nhân sự gồng gánh, làm từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối. Có đoạn thực phẩm về thiếu trong khi suất ăn tăng từ 600 suất lên hơn 1.000 suất/ngày, bà Bên gom góp tiền từ gia đình đi mua thêm thịt trứng để bảo đảm chất lượng bữa ăn.

Nhà neo người, bố chồng lại cao tuổi, chị Nhung không thể tham gia phụ nấu bếp đợt dịch nên thấy lòng chênh vênh. Hay tin bà Bên cần người phân phát rau củ quả cho người dân trong khu vực, chị Nhung thu xếp chung tay. Rau củ quả mạnh thường quân các nơi gửi về bếp mỗi ngày, sau khi chế biến các suất ăn, còn dư ra bao nhiêu, bà Bên cùng hai thành viên của bếp sơ chế, gói thành từng bọc nhỏ rồi cẩn thận chuyển ra cho lực lượng bên ngoài phân phát đến tận nhà dân. “Tôi toàn tranh thủ đi phân phát rau củ vào giờ trưa sau khi đã lo cơm nước cho gia đình. Những lúc như vậy mới thấy sự chia sẻ, đùm bọc nhau ý nghĩa như thế nào. Có hôm, tôi đem theo bao rau muống ra đầu ngõ đã nghe nhiều tiếng gọi “Cô Nhung ơi! Cho con xin với”. Nghe thương lắm. Mớ rau muống to đùng, khi về đến nhà còn đúng một nắm, luộc được dĩa nhỏ xíu mà thấy ngon quá chừng”, chị Nhung kể lại.

Vừa nấu ăn cho tuyến đầu, đỡ đần bà con trong khu phố, bà Bên vừa làm “bà nuôi” cho cả khu trọ ngót 100 người. Mỗi ngày, nhận cả xấp giấy nhờ mua nhu yếu phẩm, món nào cũng cần, bà Bên thu xếp hỗ trợ ngay, không để mọi người thiếu thốn quá nhiều. Rau củ, thịt cá mạnh thường quân gửi về, nếu dư ra, bà chia cho khu trọ mỗi nhà một ít, cùng nhau bước qua giai đoạn khó khăn. Cả khu trọ coi như thất nghiệp, bà cho nợ tiền nhà, giúp thêm các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp. Bà Bên trải lòng: “Thật sự giờ nhìn lại tôi không hiểu mình lấy đâu ra động lực, năng lượng để hoạt động hết công suất trong thời gian dài như vậy. Có lẽ là sự tin tưởng, quý mến của mọi người. Lúc bắt đầu nấu cơm, tôi và hai bạn đồng hành mới chích hai mũi vaccine, liên tục ra ngoài mua lương thực, giao cái này cái kia, cũng sợ nhiễm bệnh, sợ chết lắm chứ. Nhưng trời thương, ba chị em khỏe mạnh để duy trì bếp đến ngày thành phố ngưng giãn cách. Ngày đầu ngưng giãn cách, mọi người ôm nhau, mắt rưng rưng, xúc động lắm”.