Theo bà Georgieva, người dân Mỹ nên cảm thấy phấn khởi khi nền kinh tế số một thế giới tiếp tục xu hướng giảm lạm phát, trong bối cảnh thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ và lãi suất giảm nhẹ.
Tổng Giám đốc IMF hoan nghênh sự quyết đoán của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong lựa chọn hết sức khó khăn là tăng lãi suất liên tiếp để kiềm chế lạm phát, mang lại hiệu quả như mong muốn mà không đẩy “xứ cờ hoa” rơi vào suy thoái.
IMF cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,5% năm 2024, cao gấp đôi Anh và bỏ xa Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Lạm phát Mỹ từng lên cao nhất 40 năm vào tháng 6/2022. Khi đó, rất ít người lạc quan nghĩ tới giá cả có thể hạ nhiệt nhanh như hiện nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 chỉ tăng 3,1%, giảm mạnh so mức 9,1% giữa năm 2022.
Tháng 11 năm ngoái, chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của FED - cũng lần đầu giảm kể từ giữa năm 2020. Giá thực phẩm và năng lượng đều “giảm nhiệt”. Lạm phát hạ nhiệt giúp thu nhập khả dụng của các gia đình tăng lên, củng cố tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. FED đang tiến sát mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% và được dự báo chạm mốc này cuối năm 2024.
Trước việc nhiều người Mỹ vẫn bi quan về tình hình kinh tế, bà Georgieva cho rằng, người tiêu dùng đã quen với lạm phát và lãi suất duy trì ở mức thấp trong nhiều năm, do đó cảm thấy sốc khi hai chỉ số này tăng vọt những năm gần đây. Trong năm 2024, bà dự đoán thị trường lao động sẽ trở nên tốt hơn và lãi suất ở mức vừa phải do lạm phát đang trên đà giảm. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện là 3,7%, mức thấp nhất 50 năm qua, với đơn xin trợ cấp thất nghiệp thấp kỷ lục.
Tuy vậy, Tổng Giám đốc IMF tiếp tục cảnh báo về tình trạng phân mảnh kinh tế thế giới, rủi ro địa-chính trị cùng với sự gia tăng của các hạn chế an ninh quốc gia. Bà kêu gọi hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh nhưng cần hợp tác trong các vấn đề quan trọng toàn cầu.