Công khai, minh bạch mức thu học phí

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý về việc các cơ sở đào tạo đại học thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Về phía các nhà trường cũng dự kiến triển khai nhiều chính sách học bổng, hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Hà Nội đề xuất mức sàn học phí năm học 2023-2024 là 300.000 đồng/tháng.
Hà Nội đề xuất mức sàn học phí năm học 2023-2024 là 300.000 đồng/tháng.

Các trường đại học tăng học phí theo lộ trình

Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ “quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”, từ năm học 2022-2023 các cơ sở giáo dục công lập được tăng học phí theo lộ trình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 20/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chưa tăng học phí để tiếp tục hỗ trợ học sinh, sinh viên.

Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng ý phương án cho các trường đại học tăng học phí theo lộ trình tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, áp dụng từ năm học tới.

Một số trường đại học cũng đã thông báo dự kiến mức học phí mới từ năm học 2023-2024 với mức tăng khoảng 10% so với hiện tại. Đơn cử, Trường đại học Ngoại thương dự kiến mức học phí chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm/sinh viên; với chương trình chất lượng cao là 45 triệu đồng/năm/sinh viên - tăng 5 triệu đồng/năm/sinh viên so với hiện nay. Học viện Tài chính dự kiến mức học phí mới của chương trình đại trà là 22-24 triệu đồng/năm/sinh viên, tăng hơn 10% so với hiện nay. Trường đại học Điện lực dự kiến mức học phí từ 16-18 triệu đồng/năm/sinh viên...

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, mức trần học phí đối với các trường đại học chưa tự chủ là 1,41-2,76 triệu đồng/tháng/sinh viên, tùy từng khối ngành. Các trường tự chủ được thu mức cao nhất bằng hai lần mức trên (2,8-5,5 triệu đồng/tháng/sinh viên). Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, nhà trường được tự xác định học phí nhưng phải công khai với người học...

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là khung chung, các trường căn cứ thực tế để quyết định và bảo đảm công khai. Để chuẩn bị cho thí sinh chủ động lựa chọn, quyết định nguyện vọng đăng ký vào trường, ngành phù hợp, trong kỳ tuyển sinh năm 2023, các trường phải thông tin đầy đủ về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học. Đồng thời, các trường cũng phải công khai về chính sách học bổng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho sinh viên.

Phía các nhà trường đều khẳng định sẽ công khai, minh bạch mức thu học phí theo cả khóa học và từng năm học để gia đình người học có thể chủ động tính toán về khả năng tài chính, đồng thời vận hành thêm nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.

PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, trường dành khoảng 8% mức thu từ học phí để xây dựng các loại học bổng, hỗ trợ sinh viên. Ước tính, số kinh phí dành để hỗ trợ sinh viên trong năm học 2023-2024 là khoảng 3,5 tỷ đồng. Ba năm gần đây, nhà trường không tăng học phí. Hiện tại, nhà trường chưa có chủ trương điều chỉnh mức học phí mà đợi văn bản chính thức, tinh thần chung là tạo thuận lợi nhiều nhất cho sinh viên.

Còn GS, TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa cho biết, nhằm đồng hành, chia sẻ với gia đình sinh viên, tạo động lực cũng như cơ hội học tập cho sinh viên trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, năm học 2023-2024, nhà trường xây dựng và vận hành quỹ học bổng lên tới 50 tỷ đồng. Mức học bổng được xây dựng và trao cho các đối tượng sinh viên để bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, vừa khuyến khích sinh viên học tốt, vừa bảo đảm cơ hội học tập cho các sinh viên khó khăn, diện chính sách... Đặc biệt, năm học mới, nhà trường sẽ dành 10 suất học bổng của Chủ tịch tập đoàn, trị giá từ 180 triệu đồng/suất đến 1 tỷ đồng/suất cho sinh viên học giỏi, hoàn cảnh khó khăn...

Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục

Thành phố Hà Nội cũng dự kiến trình HĐND thành phố nghị quyết quy định mức thu học phí mới từ năm học 2023-2024. Thành phố xây dựng mức thu học phí căn cứ theo quy định Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và các điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Cụ thể, mức thu nhập bình quân năm 2022 của người dân thành phố đã tăng so với năm 2021 là 7,01%; chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tăng 3,4% so với năm 2021. Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng bình quân bốn tháng đầu năm 2023 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ bản tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng, tăng 20%.

Theo quy định của T.Ư, hằng năm, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng chi trả của người dân, địa phương được quyết định mức học phí cụ thể trong khung quy định của Chính phủ với tỷ lệ tăng không quá 7,5%.

Thành phố Hà Nội dự kiến đề xuất mức thu học phí năm học 2023-2024 bằng mức học phí năm học 2022-2023 và bằng mức sàn (mức thấp nhất) trong khung quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đơn cử, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định mức sàn học phí của học sinh các cấp học là 300.000 đồng/học sinh/tháng, mức trần học phí của học sinh mầm non, tiểu học là 540.000 đồng/học sinh/tháng; mức trần học phí của học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông là 650.000 đồng/học sinh/tháng; thì thành phố Hà Nội đề xuất mức thu học phí tất cả học sinh các cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đều là 300.000 đồng/học sinh/tháng, tức là mức thấp nhất trong khung quy định của Chính phủ.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, năm học 2023-2024, thành phố tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi đối tượng học sinh đều được hưởng công bằng trong tiếp cận giáo dục. Cụ thể, các đối tượng học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ; học sinh khuyết tật và các đối tượng chính sách khác được hưởng chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Ước tính, tổng số trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí năm học 2023-2024 là 16.623 học sinh. Tổng kinh phí thực hiện chế độ miễn, giảm học phí theo mức thu học phí đề xuất dự kiến khoảng 16,6 tỷ đồng.