Niềm tự hào của Liên Xô
Ngay từ khi được lên kế hoạch, tàu phá băng Lenin đã được trao sứ mệnh vô cùng quan trọng, đó là ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Ngày 3-12-1959, quốc kỳ Liên Xô (trước đây) đã được kéo lên trên con tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân huyền thoại đầu tiên thế giới. Đó cũng là ngày thành lập hạm đội tàu phá băng hạt nhân của Nga. Từ đó đến nay, trải qua hơn sáu thập kỷ, thế giới cũng chưa có hạm đội tàu phá băng hạt nhân nào khác ngoài hạm đội huyền thoại này của Liên Xô.
Lịch sử tàu phá băng bắt đầu từ giữa thế kỷ 19 tại Mỹ. Năm 1837, con tàu phá băng chạy bằng hơi nước lần đầu được đóng tại Philadelphia. Năm 1864, chủ hãng đóng tàu người Nga là kỹ sư Osipovich Mikhail đã quyết định tái tạo tàu phá băng chạy hơi nước, khá thông dụng ở vùng Siberia trong khoảng thời gian từ thế kỷ 19, với sáng kiến cắt vát mũi tàu một góc 20 độ. Nhờ vậy, tàu hơi nước “Pilot” của ông đã được công nhận là tàu phá băng đầu tiên của nhân loại, trở thành nguyên mẫu của các thế hệ tàu phá băng hiện đại sau này.
Tàu phá băng hoạt động tại Bắc Cực đầu tiên trên thế giới cũng là tàu Nga, do Công ty Armstrong Whitworth (Anh) chế tạo theo đặt hàng của Sa hoàng Nga vào năm 1895. Tàu được đặt tên “Yermak”, nhằm vinh danh vị tướng Nga tài ba Yermak Timofeevich, người có công lớn thâu tóm toàn bộ dải đất vùng Siberia vào thế kỷ 15. Thực tế, Nga dù có hơn 10.000 km đường biên giới giáp biển, song đế chế hùng mạnh này lại chỉ có hai lối ra biển, từ Biển Đen ra Địa Trung Hải và từ Viễn Đông ra Thái Bình Dương. Đường biển phía bắc nối với châu Âu chỉ có thể qua lại vào mùa hè, khi các khối băng dày tan chảy. Chính điều này khiến Sa hoàng Nga đề ra kế hoạch đóng tàu phá băng.
Tàu Yermak hạ thủy năm 1898, có khả năng phá băng dày tới 2 m. Yermak đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, được trao tặng Huân chương Lenin trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cũng như có công lớn phát triển tuyến đường biển phía bắc. Yermak đã phục vụ đế chế Nga và sau đó là Liên Xô cho đến năm 1963. Ngày nay, người ta có thể chiêm ngưỡng các mảnh vỡ của con tàu huyền thoại này tại Bảo tàng Hải quân Nga ở Thủ đô Moscow.
Sau Yermak, tàu phá băng huyền thoại thứ hai chính là tàu Lenin, tuy nhiên, điểm khác biệt nhất là tàu Lenin chạy bằng năng lượng hạt nhân. Từ năm 1953, dự án đóng tàu Lenin chạy bằng năng lượng hạt nhân đã được các kỹ sư đóng tàu giàu kinh nghiệm của Liên Xô khi đó phát triển, trong đó có Anatoly Aleksandrov, người ba lần được phong tặng Anh hùng Lao động Liên Xô, từng tham gia phát triển điện hạt nhân quốc gia. Tham gia công trình đồ sộ này có khoảng 300 xí nghiệp, viện nghiên cứu khoa học Liên Xô đã được huy động. Tàu Lenin dài 134 m, rộng 28 m và cao 46 m; thân tàu, động cơ, turbine chính được chế tạo tại các nhà máy khác nhau. Con tàu được chế tạo với 70.000 bộ phận, nặng 11.000 tấn. Nếu được xếp thẳng hàng, các bộ phận sẽ có tổng chiều dài tới hơn 6.000 km. Đây là một con tàu chưa từng có trên thế giới và là niềm tự hào của Liên Xô. Thủ tướng Anh Harold Macmillan, Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Chủ tịch Cuba Phidel Castro đều đã ghé thăm công trình này.
Việc hạ thủy tàu Lenin diễn ra ngày 5-12-1957, chạy thử nghiệm tại vịnh Phần Lan vào tháng 9-1959. Đúng ngày 3-12-1959, tàu được bàn giao cho lực lượng hải quân và lá cờ Liên Xô đã chính thức tung bay trên boong tàu. Kể từ đó, ngày 3-12-1959 trở thành ngày truyền thống của hạm đội tàu hạt nhân Liên Xô, nay là LB Nga. Đây cũng là hạm đội tàu hạt nhân dân sự duy nhất thế giới. Khi được hạ thủy, tàu Lenin đồng thời cũng là tàu mặt nước dân sự đầu tiên của loài người được trang bị động cơ hạt nhân. Từ đó, cùng với sự ra đời của con tàu, cụm từ “sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình” trở thành mục tiêu cao cả của nhân loại.
Sứ mệnh vì hòa bình
Ngày nay, hạm đội tàu phá băng hạt nhân của Nga gồm hai tàu phá băng hạt nhân hai lò phản ứng “Yamal” và “50 năm Chiến thắng”, hai tàu năng lượng hạt nhân một lò phản ứng “Taimyr” và “Vaygach”, cùng một tàu container hạt nhân “Sevmorput”. Hiện, Nga đang thực hiện dự án nhằm tiếp tục phiên chế vào hạm đội duy nhất thế giới này ba tàu phá băng năng lượng hạt nhân lớp Bắc Cực, gồm “Arktika”, “Siberia” và “Ural”. Tàu Arktika được hạ thủy năm 2016, đã bắt đầu hải trình thử nghiệm đầu tiên sau đó ba năm. Trong năm 2021, Nga dự kiến tiếp tục đưa vào hoạt động tàu phá băng Sibiria và vào năm 2022 là tàu Ural. Hiện nay, các con tàu này đều đã được hạ thủy và chạy thử nghiệm. Nga dự tính đến năm 2035 sẽ xây dựng hạm đội tàu phá băng đạt tới con số 13 tàu, trong đó có chín tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Ra đời trong giai đoạn 1953 - 1962 thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng theo hồi tưởng của Anh hùng Lao động Liên Xô, nhà thám hiểm vùng cực nổi tiếng Nikolai Kornilov, thì bản thân tàu Lenin thuần túy là một tàu dân sự. Mục tiêu đóng tàu Lenin của Liên Xô luôn đề cao hai chữ “hòa bình”, lai dắt những con tàu bị mắc cạn trong băng tuyết. Cụm từ “hạt nhân hòa bình” luôn hiện hữu trong tâm trí mọi người mỗi khi nhắc đến tàu phá băng hạt nhân Lenin.
Chuyến đi tới Bắc Cực đầu tiên của tàu phá băng Lenin bắt đầu vào năm 1960. Kể từ khi được hạ thủy, tàu Lenin đã hoạt động liên tục 30 năm (1959 - 1989), vượt quá thời gian thiết kế là chỉ 5 năm. Nó cũng trở thành con tàu đầu tiên có thể vượt mọi băng giá miền cực bắc, trong một hải trình liên tục kéo dài 13 tháng không cần cập cảng. Đây là điều bất khả thi đối với mọi con tàu chạy bằng diesel vào thời đó.
Trong 30 năm, tàu Lenin đã qua hành trình hơn 1,3 triệu km, lai dắt 3.741 tàu vượt qua tầng tầng lớp lớp băng giá của Bắc Cực. Khoảng cách này tương đương việc di chuyển vòng quanh Trái đất 30 lần. Tàu phá băng hạt nhân Lenin đã hoàn thành vượt cả sứ mệnh ban đầu mà Liên Xô kỳ vọng, mở ra một hướng đi toàn diện của ngành đóng tàu Liên Xô. Nếu không có tàu Lenin, sự hiện diện của Liên Xô và nước Nga sau này tại Bắc Cực sẽ không thể đóng vai trò quan trọng đến vậy.
Vào những hải lý cuối cùng trước khi dừng hoạt động, tàu Lenin đối mặt nguy cơ bị tháo dỡ, nhưng nguyện vọng bảo vệ tàu của thủy thủ đoàn đã được Tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom đáp ứng và chi trả toàn bộ công việc tái tạo, làm sạch phóng xạ hạt nhân. Giờ đây, tàu Lenin neo đậu tại bến cảng Murmansk, trở thành một bảo tàng nổi, kiêu hãnh soi mình xuống sóng nước biển Baren, thông ra Bắc Băng Dương, nơi con tàu từng ngược xuôi trong các hành trình đáng ngưỡng mộ.
Kể từ những hải lý chạy thử nghiệm ban đầu và giờ đây neo đậu vĩnh viễn ở Murmansk, tàu phá băng Lenin chưa một lần trở lại vùng biển Baltic nơi nó được sinh ra. Nhưng từ vùng biển ấy, có những con tàu lớp Bắc Cực tiếp theo đã ra đời và lặp lại hải trình của tàu Lenin, mang theo niềm tự hào về một hạm đội tàu hạt nhân phá băng duy nhất thế giới.