Trong thông báo mới nhất, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo đã tạm ngừng cung cấp khí đốt cho Latvia, một trong ba quốc gia vùng Baltic. Lý do mà phía Nga đưa ra là nước này đã vi phạm điều khoản mua khí đốt, song không nói rõ đó là điều khoản gì.
“Ông lớn” dầu khí Gazprom đưa ra quyết định trên một ngày sau khi Công ty năng lượng Latvijas Gaze của Latvia cho biết, họ chỉ mua khí đốt của Nga và thanh toán bằng đồng euro thay vì đồng ruble theo yêu cầu của phía Moscow. Nga trước đó cũng đã khóa van cung cấp thứ nhiên liệu thiết yếu này cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch - những nước đã từ chối thanh toán bằng đồng ruble, với lý do tương tự.
Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Latvia được xem như là một đòn phản kích mới của Nga trong cuộc chiến kinh tế với EU, cuộc chiến bùng nổ ngay sau khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ngày 24/2/2022. Với sức mạnh của một trung tâm kinh tế lớn hàng đầu thế giới, EU từ đó đến nay đã liên tiếp tung ra bảy gói trừng phạt đối với Nga, với các biện pháp khắc nghiệt chưa từng thấy nhằm vào hầu như tất cả các lĩnh vực kinh tế cũng như những giới chức hàng đầu của nước này.
Trừng phạt kinh tế của EU, cùng đồng minh của họ là nền kinh tế số một thế giới là Mỹ, tất nhiên gây ra rất nhiều khó khăn cho nước Nga. Thế nhưng, “vũ khí” trừng phạt này sau thời gian tới hơn năm tháng xem ra vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, đó là bóp nghẹt nền kinh tế Nga để buộc Moscow phải lùi bước, chấm dứt chiến sự tại Ukraine.
Trong khi đó, dù không có sức mạnh kinh tế tổng thể như EU cùng các đồng minh phương khác, song nước Nga vẫn có những thứ “vũ khí” lợi hại trong cuộc chiến kinh tế, một “cuộc chiến không tiếng súng”. Một trong số đó là dầu khí, đặc biệt là khí đốt.
Trước khi nổ ra xung đột quân sự ở Ukraine, Nga là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho các quốc gia EU, với khoảng 40% tổng nhu cầu. Nền kinh tế nhiều thành viên liên minh phụ thuộc vào dòng khí đốt cung cấp từ Nga, trong đó Nga cung cấp tới 55% tổng lượng khí đốt cho Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Thậm chí có những quốc gia EU hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào mặt hàng nhiên liệu thiết yếu sống còn với nền kinh tế và nhu cầu dân sinh được “bơm” tới từ Nga.
Thế nên, mỗi khi người Nga đặt tay lên vòng xoay chiếc van cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu - theo hướng ít đi hay nhiều hơn, đều khiến nhiều thành viên EU “thót tim” dõi theo. Ngoài “đòn” bắt buộc thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble, Nga đã giảm lượng cung cấp khí đốt cho châu Âu với nhiều lý do khác nhau. Nguồn cung khí đốt khan hiếm, căng thẳng là một tác nhân quan trọng đẩy lạm phát ở cựu lục địa lên cao và cùng với đó nỗi âu lo ngày càng lớn.
Trong giải pháp cấp bách trước mắt để giảm thiệt hại từ sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, EU mới đây đã nhất trí cùng thỏa thuận tự nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ so mức trung bình của giai đoạn từ năm 2017-2021, nhằm chuẩn bị ứng phó cho trường hợp nguồn cung bị gián đoạn vào mùa đông sắp tới. Để thỏa thuận này đi vào cuộc sống lại đòi hỏi 27 nước thành viên liên minh phải thiết lập thêm các thỏa thuận song phương về chia sẻ khí đốt.
Tuy nhiên, thỏa thuận vừa thông qua đã làm dấy lên câu hỏi về “tinh thần đoàn kết của EU”, bởi không ít người đã hoài nghi liệu tất cả các thành viên liên minh sẵn lòng chia sẻ thứ nhiên liệu quý giá trong thời buổi khó khăn này cho nước khác.