Chất bán dẫn (Semiconductor) là chất có độ dẫn điện ở mức trung bình; nó hoạt động như chất cách điện ở nhiệt độ thấp và có tính dẫn điện ở nhiệt độ phòng nên thích hợp dùng để điều khiển dòng điện. Chất bán dẫn là xương sống của nền kinh tế kỹ thuật số, đặc biệt trong sản xuất chip điện tử (hoạt động dựa vào cơ chế bật, tắt để tạo ra tín hiệu) của các thiết bị và linh kiện điện tử như điện thoại di động, máy ảnh, tivi, máy giặt, tủ lạnh, máy ATM, bóng đèn LED, bộ vi xử lý của máy tính,…
Từ cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu…
Tháng 3/2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Các nhà sản xuất ô-tô phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô nên nhanh chóng hủy đơn đặt hàng các bộ phận có chip điện tử với dự báo rằng doanh số bán ô-tô sẽ sụt giảm.
Tuy nhiên, do hoạt động thương mại chuyển sang hình thức trực tuyến, cộng với được kích thích bởi các chính sách ưu đãi tài chính, doanh số bán ô-tô toàn cầu ban đầu giảm mạnh nhưng nhanh chóng tăng trở lại. Trong khi một số lượng lớn chip đã được tiêu thụ bởi các doanh nghiệp khác như điện thoại, máy tính, trò chơi điện tử…, khi mọi người làm việc và học tập tại nhà.
Cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip bán dẫn đã và đang làm gián đoạn sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp như ô-tô, máy tính, điện thoại… khiến các hãng này phải giảm sản lượng, tăng giá bán. Hiện nay, chính phủ các nước đang gấp rút tăng cường năng lực sản xuất chip của họ, bao gồm tăng tốc đầu tư vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu để tự chủ nguồn cung trong những năm tới.
Vào tháng 5/2021, Hàn Quốc đã công bố khoản đầu tư khổng lồ 451 tỷ USD trong nỗ lực trở thành cường quốc công nghệ bán dẫn. Sau đó, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua 52 tỷ USD trợ cấp cho các nhà máy chip. Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách tăng gấp đôi thị phần năng lực sản xuất chip của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, lên 20% vào năm 2030…
Việc bảo đảm chuỗi cung ứng chất bán dẫn là một thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, nhưng là cách duy nhất để các quốc gia có thể bảo đảm năng lực lâu dài, bền vững trong lĩnh vực cực kỳ quan trọng là kinh tế kỹ thuật số.
… đến cơ hội của Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam hai ngày 10-11/9 vừa qua, Tuyên bố chung của Việt Nam và Mỹ cho thấy, hai bên sẽ hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Ngành bán dẫn của
Việt Nam được cho là đang đứng trước cơ hội thu hút dòng vốn lớn từ Mỹ, trong bối cảnh hai nước vừa xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Trước đó, vào tháng 7/2023, khi lần đầu đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh việc trong một thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Ông Janet Yellen chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng, bao gồm trong lĩnh vực bán dẫn.
Gần đây nhất, sáng 11/10, tại Khu công nghiệp Yên Phong 2 (tỉnh Bắc Ninh) đã diễn ra Lễ khánh thành nhà máy bán dẫn của Tập đoàn Amkor (Mỹ). Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor (với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động vào năm 2035) và là một trong những nhà máy sản xuất bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Trước đó, sáng 16/9, Tập đoàn Hana Micron (Hàn Quốc) khánh thành nhà máy sản xuất Hana Micron Vina 2 của Công ty TNHH Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung thuộc huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), nâng tổng quy mô hai nhà máy lên tới 66.000 m2. Được biết, đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động.
Ngoài hai dự án mới trên, Tập đoàn Intel cũng đã có nhà máy quy mô 1,5 tỷ USD ở TP Hồ Chí Minh. Marvell cũng đã công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP Hồ Chí Minh và tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Samsung dự kiến cuối năm nay cũng sản xuất linh kiện bán dẫn tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Thái Nguyên. Một số tập đoàn Renesas, Applied Micro, Synopsys, NXP Semiconductors, Hanmi Semiconductor… cũng lần lượt có các hoạt động đầu tư, kinh doanh về bán dẫn tại Việt Nam.
Sự xuất hiện của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới nói trên giúp Việt Nam xác nhận quá trình thâm nhập thị trường bán dẫn toàn cầu, thậm chí có thể trở thành trung tâm tăng trưởng lớn của ngành, trong bối cảnh quy mô thị trường chip toàn cầu đã đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2022 và dự báo tăng lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2029.
Nhìn từ năng lực nội tại, Việt Nam hiện đang có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, lao động dồi dào, Chính phủ rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam…
Đáng lưu ý, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về đất hiếm, một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, phân bố chủ yếu ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng… Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn) và cao hơn Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).
Theo PGS, TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, với gần 80 loại hình khoáng sản và hơn 500 điểm mỏ đã được phát hiện; Việt Nam có nhiều khoáng sản quý quy mô lớn. Đáng chú ý là ba loại hình quy mô rất lớn, nhưng mới khai thác thử nghiệm hoặc chưa khai thác là: đất hiếm, titan, bauxite. “Nếu được khai thác và chế biến hợp lý sẽ tạo ra giá trị thu nhập quốc dân lớn cho đất nước”, ông Hải nói.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 diễn ra chiều 30/9, khi được hỏi về nguồn nhân sự chất lượng cao trong ngành bán dẫn của Việt Nam hiện chỉ có khoảng 5.000 người, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đã giao bộ này phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam, trong đó có đề án phát triển nguồn nhân lực 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030 cũng đã được xây dựng.
Tại hội nghị giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden và các doanh nghiệp công nghệ lớn của hai nước hôm 11/9, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã đề xuất phía Mỹ hỗ trợ đào tạo 30.000-50.000 chuyên gia bán dẫn thông qua đầu tư vào Đại học FPT, nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động. Ngoài ra, Chủ tịch FPT cũng chia sẻ, tập đoàn này dự kiến đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại Mỹ vào cuối năm nay.